Tin mới

Phú Thọ: Sẵn sàng mọi kịch bản ứng phó với dịch COVID-19

(Mặt trận) - Bước qua 3 đợt dịch, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, Phú Thọ đã giữ được vùng xanh khi không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4 với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa chủng loại, tháng 5/2021, Phú Thọ đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Đặc biệt, từ ngày 14/10 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 566 ca mắc COVID-19, chưa xác định được nguồn lây ban đầu; sau những nỗ lực, chung tay phòng chống dịch, Phú Thọ đang giành lại thế chủ động, từng bước khống chế dịch bệnh. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Ngay trong đêm 14/10, sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 tại TTYT huyện Lâm Thao, lãnh đạo Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Lâm Thao đã đi chỉ đạo công tác phòng chống dịch 

PV: Xin ông cho biết, sau khi phát hiện ổ dịch, tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để ngăn chặn sự lây lan của dịch trong cộng đồng?

Ông Nguyễn Huy Ngọc: Từ đêm ngày 14/10, khi phát hiện 2 ca bệnh là người chăm nuôi bệnh nhi tại Trung tâm Y huyện Lâm Thao; đến nay đã phát hiện thêm 566 ca mắc COVID-19 tại 8 huyện, thị, thành; trong đó, 234 trường hợp mắc mới tại cộng đồng, 274 trường hợp tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Cao điểm trong ngày 23/10, tỉnh phát hiện 75 ca mắc COVID-19 trong thời gian toàn tỉnh tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng. Các ca nhiễm mới trong cộng đồng trong những ngày gần đây liên tục giảm do các địa phương đã tích cực rà soát, truy vết, khoanh vùng ngay các nguy cơ cũng như bóc tách các F0, F1 ra khỏi cộng đồng.

Sơ bộ nhận định, khởi nguồn chuỗi lây nhiễm từ khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10; khi dịch COVID-19 tại một số địa phương trên cả nước đang có diễn biến rất phức tạp, một số trường hợp trở về tỉnh tự phát, không tự giác khai báo y tế và được quản lý làm lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch có nguy cơ bùng phát ở bất kỳ thời điểm nào nên tình huống này đã được tỉnh xây dựng kịch bản và có sự chuẩn bị.

Ngay khi phát hiện các ca mắc trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã tổ chức khoanh vùng, phong tỏa tạm thời 37 khu vực với 6.301 hộ gia đình, 14.116 nhân khẩu. Thần tốc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc test nhanh cho 100% người dân tại khu vực phong tỏa với trên 80.000 mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 và RT-PCR.

Đối với Khu công nghiệp: Tạm dừng hoạt động một phần các phân xưởng, một phần các doanh nghiệp để rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh, xử lý môi trường theo quy định. Trong hai ngày 21-22/10, Phú Thọ đã triển khai gần 950.000 mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên; các trường hợp nghi ngờ đã được áp dụng ngay các đáp ứng nhanh phòng chống dịch và thực hiện khẳng định bằng RT-PCR.

Trong thời gian tiếp theo, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Quyết định số 4800/QĐ-BYT, ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động tầm soát xét nghiệm để giám sát các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt,…; cho các nhóm nguy cơ cao (lái xe, người giao hàng hóa, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người,…); các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị,… hoặc sàng lọc ngẫu nhiên tại cộng đồng ở các khu vực trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ (do huyện chỉ định như: điểm đông dân cư, mật độ giao thông cao, nhiều dịch vụ thiết yếu…) Qua đó sàng lọc, kịp thời phát hiện ngay các trường hợp F0 để chuyển về điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh; tiếp tục rà soát, truy vết các F1, F2 để tổ chức cách ly y tế theo quy định.

PV: Tỉnh đã xây dựng những kịch bản và các phương án như thế nào để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra?

Ông Nguyễn Huy Ngọc: Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn biến phức tạp trên toàn quốc cũng như trên địa bàn tỉnh, Phú Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với tình huống lên đến 5.000 ca mắc COVID-19. Việc đáp ứng cụ thể với từng tình huống, cũng như sự huy động vào cuộc của các cấp, các ngành để lên kế hoạch cụ thể, chi tiết. Các địa phương căn cứ vào kế hoạch chung của tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch đáp ứng đối với tình huống dịch tại địa phương; sẵn sàng, chủ động trong công tác phòng chống dịch. Đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã rất quyết liệt, kịp thời và đúng hướng. Trong một vài ngày tới, số ca mắc COVID-19 có thể tăng lên nhưng về cơ bản đều là các ca mắc COVID-19 đã được quản lý.

PV: Vắc xin được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Vậy ngành Y tế đã có kế hoạch triển khai tiêm chủng mở rộng cho toàn dân như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Ngọc: Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cũng như Xây dựng Kế hoạch tổ chức Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho 14 nhóm đối tượng ưu tiên (theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ; Quyết định số 3355/QĐ-BYT, ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế).

Toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 4.505 cán bộ y tế. Đồng thời tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 245 cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng (20 điểm tiêm tại Bệnh viện và Trung tâm y tế hai chức năng; 225 điểm tiêm tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn). Năng lực tiêm chủng tối đa toàn tỉnh hiện tại đạt khoảng 200.000 mũi vắc xin/ngày; đáp ứng đủ khả năng khi lượng lớn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ. Tổng số vắc xin đã được phân bổ: 765.590 liều, đến nay, tiêm 768.147 mũi vắc xin phòng COVID-19; trong đó: có 672.353 đã tiêm một mũi (64,5%); 95.794 người được tiêm đủ hai mũi vắc xin (9,2%). Đến nay, tỉnh còn thiếu khoảng 1,3 triệu liều vắc xin để tiêm toàn bộ cho người dân trên 18 tuổi; 240 nghìn liều vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi để tiêm bao phủ vắc xin phòng COVID-19.

PV: Tình trạng các ca F0 tăng nhanh ở các địa phương dễ dẫn đến quá tải cho các cơ sở y tế, vậy giải pháp mà ngành y tế đưa ra là gì để đảm bảo công tác thu dung và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19?

Ông Nguyễn Huy Ngọc: Ngành y tế đã xây dựng và triển khai mô hình tháp ba tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể: Tầng 1: (cơ sở thu dung, điều trị người bệnh không triệu chứng): điều trị F0 tại nhà, được chính quyền địa phương theo dõi và giám sát chặt chẽ. Dự kiến có thể quản lý, điều trị cho 300 người bệnh COVID-19. Tỉnh đã thí điểm triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 để sẵn sàng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại nhà. Tính đến nay, đã có 58 người bệnh COVID-19 được theo dõi, quản lý và điều trị tại nhà; 8 Trạm Y tế lưu động đã được kích hoạt với 15 Tổ chăm sóc người nhiễm. Người bệnh hàng ngày đều được theo dõi sát diễn biến tình trạng bệnh.

Tầng 2: Hiện nay, tỉnh đã kích hoạt 2 Bệnh viện dã chiến tỉnh với quy mô 260 giường điều trị sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh có triệu chứng (BVDC số 2 với quy mô 220 giường, có thể nâng lên 250 giường; BVDC huyện Lâm Thao với quy mô 40 giường, có thể nâng lên 150 giường). Trong thời gian tiếp theo, tỉnh dự kiến kích hoạt thêm BVDC huyện Phù Ninh với 150 giường. Khả năng đáp ứng của tỉnh trong thời điểm hiện tại có thể thu dung, điều trị cho 500-600 bệnh nhân vừa, có triệu chứng và nhẹ (không đủ điều kiện điều trị tại nhà).

Tầng 3: Bệnh viện dã chiến số 01, Trung tâm Hồi sức ICU cấp vùng giúp điều trị cho 100 người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch; khi cần có thể nâng công suất lên 200 giường. Hiện nay, tỉnh đang điều trị cho 10 trường hợp mức độ vừa và nặng; thường xuyên được theo dõi sát các diễn biến lâm sàng và tích cực điều trị. Việc chuẩn bị các điều kiện thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh đều đã được định hướng trong kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!   

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản