Tin mới

Quốc hội dân chủ, tranh luận cần đại biểu trí tuệ và bản lĩnh

Quốc hội ngày càng có nhiều đổi mới thể hiện dân chủ, công khai, tăng cường đối thoại, tranh luận. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn với mỗi đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Những đổi mới trong hoạt động nghị trường thời gian qua được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đang cho thấy tính công khai, dân chủ ngày càng mạnh mẽ khi bàn và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh.

Nhìn lại có thể thấy, nếu như trước đây có rất nhiều vấn đề được coi là “nhạy cảm”, từ bàn ngân sách đến công tác tư pháp, phòng chống tội phạm... thì nay gần như được bàn công khai với sự tham dự của báo chí, không ít phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi, giám sát.

Đại biểu phát biểu trên Hội trường tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV

Một trong những điểm nổi bật là từng bước chuyển từ Quốc hội tham luận sang thảo luận, tranh luận. Biểu hiện cụ thể nhất là tại các phiên làm việc hội trường hay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Thời lượng, hình thức, sự điều hành ở cả các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp Quốc hội dần được xem xét, điều chỉnh theo hướng làm sao những vấn đề được đặt ra trên bàn nghị sự, trong đó có không ít vấn đề “nóng”, bức xúc từ công tác xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề lớn của đất nước và giám sát tối cao phải được mổ xẻ, phân tích một cách thẳng thắn nhằm hướng đến những giải pháp phát huy mặt tích cực, hiệu quả và khắc phục những bất cập, hạn chế, tồn tại.

Ngay trong buổi gặp gỡ báo chí đầu năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV chắc chắn sẽ có bước cải tiến mới mẻ và sôi nổi hơn. Điều này sau đó được cụ thể hoá bằng việc quyết định áp dụng thí điểm “hỏi thẳng và trả lời ngay” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tiếp tục được áp dụng tại Kỳ họp thứ 5, khai mạc vào hôm nay (21/5).

Đây là kỳ họp có thời gian làm việc ngắn nhất trong các khoá Quốc hội gần đây (20 ngày làm việc), song lại ghi nhận số lượng phiên được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều nhất khi chiếm tới hơn 40% thời lượng của kỳ họp.

Nhiều nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri như giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được bàn thảo công khai trên sóng trực tiếp.

Tuy vậy, để sự đổi mới đó thực sự mang lại hiệu quả cao hơn trong bàn thảo và quyết định các vấn đề cụ thể, những chính sách… ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước cũng như cuộc sống của người dân phụ thuộc rất lớn vào trí tuệ và bản lĩnh của đại biểu Quốc hội – những người được cử tri gửi gắm tâm tư nguyện vọng cùng những yêu cầu, kiến nghị sát sườn.

Có một thực tế là mặc dù Quốc hội có hàng trăm đại biểu (chính xác giờ còn 487 người sau khi khuyết 9 đại biểu tính từ đầu khoá), nhưng chỉ số ít “gương mặt quen”, chủ yếu là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thường xuất hiện trên báo chí.

Không có gì khó hiểu khi những vị đại biểu trên luôn mở cửa với báo chí, sẵn sàng lên tiếng về những vấn đề mà cử tri quan tâm hay cần đại biểu dân cử nêu quan điểm, dù là trên Hội trường, bên hành lang hay giữa hai kỳ họp. Trong khi đó, không ít đại biểu lại không được như vậy!

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông với kinh nghiệm của mình, từng nhấn mạnh, để không ngại tiếp xúc với báo chí, nói lên quan điểm của mình thì một đại biểu cần hội đủ ba điều kiện: Thứ nhất là bản lĩnh (không ngại va chạm, không né tránh, không nể nang), thứ hai là trí tuệ (vốn sống, kiến thức, không ngừng đọc, phân tích thông tin, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung trước khi phát biểu), thứ ba là tinh thần trách nhiệm (đã là đại biểu thì phải nói lên tiếng nói của cử tri bầu ra mình).

Quốc hội ngày càng thể hiện rõ sự dân chủ và công khai minh bạch thì 3 điều kiện trên càng cần phải hội tụ. Đại biểu Quốc hội trí tuệ, bản lĩnh thì sức nặng của những phát ngôn, tranh luận và những lần ấn nút càng thể hiện rõ trách nhiệm với cử tri, với đất nước.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV tiếp tục có nhiều sự đổi mới tạo hiệu ứng tích cực. Cử tri cũng kỳ vọng mỗi đại biểu của mình góp phần nhân lên hiệu ứng ấy.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản