Tin mới

Quốc hội thông qua kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025

(Mặt trận) - Chiều 12/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, với 460/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,18% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Cả nước chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3

Thủ tướng cùng cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ảnh: Quang Khánh 

Theo đó, Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch là: hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. 

Nghị quyết cũng đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng NSLĐ trung bình cả nước; nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II.

Nghị quyết nêu rõ, phát triển mạnh các loại thị trường. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP. Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 10 - 15 bậc so với năm 2019. Hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai. Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 40 - 50 bậc; chỉ số Kỹ năng của sinh viên tăng 45 bậc so với năm 2019. Tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ đạt không dưới 1% GDP; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021 - 2025.

Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Trước đó, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức thực hiện thường là khâu yếu nhất trong việc đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống, nên cần có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đổi mới hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao trong cơ cấu lại nền kinh tế giai doạn 2021 - 2025. 

Khắc phục hạn chế nêu trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, hoàn thành trước tháng 4.2022; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết trong Báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm 2023 và cả nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm 2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và vận động mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản