Tin mới

Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết

(Mặt trận) - Làm việc với Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, “toàn dân đang trông chờ chúng ta, lực lượng nòng cốt chống dịch”. Ngành y tế đã “quyết liệt nhất, chịu nhiều hi sinh nhất”. Tuy nhiên, với tinh thần khiêm tốn, ngành y tế vẫn còn những hạn chế, bất cập, yếu kém, cần “tìm ra, chỉ rõ, nói thật, đối diện, cùng nhau giải quyết”.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc làm việc với Bộ Y tế sáng 15/5. - Ảnh: VGP 

Năm 2030, y tế Việt Nam vào top 30 thế giới

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc sáng 15/5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, đưa y tế Việt Nam vào top 30 thế giới.

Về tổ chức, bộ máy, Bộ trưởng khẳng định sẽ sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. Đáng chú ý, sẽ hình thành cơ quan kiểm soát bệnh tật 2 miền.

Bộ cũng sẽ tập trung xây dựng thể chế, trong đó năm 2021 hoàn thành dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Nâng cao năng lực y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, tiếp tục phòng chống hiệu quả các dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, “mỗi người dân mỗi năm được khám sức khỏe sàng lọc ít nhất một lần”.

Đổi mới căn bản toàn diện đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine, hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định. Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, cơ chế bảo hiểm y tế. Thực hiện chương trình chuyển đổi số trong ngành y tế. Thực hiện nền y tế công khai, minh bạch, triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế…

Bộ kiến nghị Chính phủ ưu tiên, tăng đầu tư cho y tế trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP; ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19…

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, năng lực xét nghiệm COVID-19 của các địa phương chưa đồng đều, tất cả các tỉnh thành phố đều đã xét nghiệm được Realtime RT-PCR, nhưng còn 12 tỉnh chưa đủ năng lực xét nghiệm khẳng định chắc chắn các ca bệnh.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, những ngày qua, ông và lãnh đạo Bộ liên tục làm việc để nâng cao năng lực xét nghiệm. Trong đó, quan trọng nhất là xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR, hiện cả nước có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu đơn/ngày, nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày.

Một vấn đề khác, một số địa phương đang có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật, Bộ đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch COVID-19 để các địa phương sớm triển khai.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khẳng định, an toàn tiêm chủng là vấn đề hết sức quan trọng, được người dân quan tâm. Ông cho biết vừa qua ngành Y tế đã xử lý kịp thời hơn 10 trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19, nếu không xử lý kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường. Một giải pháp cụ thể được ngành triển khai là chuẩn bị sẵn Adrenalin tại các điểm tiêm chủng để khi sự cố xảy ra chỉ việc tiêm ngay thay vì mất công chuẩn bị thuốc chống sốc.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang nêu 8 “nghịch lý” của ngành y tế, trong đó có tình trạng ách tắc trong mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật cao tại nhiều cơ sở y tế; dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ bệnh viện công lập sang khu vực tư nhân do chênh lệch thu nhập; mục tiêu tăng tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng viên trên 1 vạn dân vướng quy định về biên chế… Ông đề nghị sửa đổi quy định liên quan mua sắm, đầu thầu tài sản công, nghị định về đào tạo chuyên sâu phù hợp đặc thù của ngành y tế…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Những kết quả, thành tựu đạt được của ngành Y tế là công sức của nhiều thế hệ cán bộ, y bác sĩ của ngành y tế, nhất là đội ngũ các nhà khoa học, trí thức ngang tầm quốc tế của ngành. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Đánh giá chung về ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo các xếp hạng toàn cầu, tiêu chí về chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam đứng trong tốp 50, tương đương với các nước có thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Tuy nhiên, chỉ số chất lượng dịch vụ y tế đứng thấp hơn, trong đó giá thành dịch vụ và hạ tầng thấp nhất; tiêu chí về khám sàng lọc đứng thứ 104 theo xếp hạng của Quỹ Bill và Melinda Gates…

Trong các thành tích nổi bật của ngành y tế, Phó Thủ tướng cho rằng ngành dược đạt được tiến bộ rất lớn, khi giá thuốc ở Việt Nam từ chỗ cao thứ hai ASEAN đến nay đã xuống thấp nhất khu vực. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dưới 2% so với mức trung bình 7% ở ASEAN.

Những kết quả, thành tựu đạt được của ngành Y tế là công sức của nhiều thế hệ cán bộ, y bác sĩ của ngành y tế, trong đó có đội ngũ các nhà khoa học, trí thức ngang tầm quốc tế của ngành.

Về lĩnh vực cơ chế tài chính dành cho y tế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương sửa đổi Nghị định 16; đẩy nhanh lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, từ đó tạo điều kiện để các bệnh viện được tự chủ toàn diện, đầy đủ.

“Phần ngân sách nhà nước tiết kiệm được từ tự chủ khối điều trị, cần dành phần lớn cho khối y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng bệnh, hơn chữa bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

Nêu thực tế tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng trên 1 vạn dân của y tế Việt Nam thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phải tháo gỡ vướng mắc về biên chế, tự chủ thì các bệnh viện mới có cơ chế, nguồn lực để tuyển thêm bác sĩ, điều dưỡng viên. Ước tính theo nhu cầu hiện nay, số bác sĩ, điều dưỡng viên phải tăng gấp 3 lần.

“Thiếu bác sĩ, điều dưỡng viên nên các bệnh viện phải để người nhà vào chăm sóc gây nguy cơ lây nhiễm chéo, gây một số vụ việc mất trật tự, an toàn... Tới đây, với cơ chế tự chủ, tăng mệnh giá BHYT thì các bệnh viện sẽ tuyển được thêm bác sĩ, điều dưỡng viên, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân”, Phó Thủ tướng trao đổi.

Đối với kiện toàn, củng cố đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn bản, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý thay phương án một người làm nhiều việc thay vì phân tán mỗi người một việc như trước đây.

Về chuyên môn, Bộ Y tế nhất định phải điều hành thông suốt đến tận cơ sở.

Liên quan đến công tác thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, tới đây Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ thiết lập, tăng cường hệ thống thông tin phục vụ phòng, chống dịch từ dưới lên trên, các bộ ngành phải báo cáo đầy đủ, liên thông dữ liệu vào hệ thống này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách liên quan tới tình hình dịch bệnh COVID-19 và công tác tuyên truyền.

Thủ tướng khẳng định, về cơ bản chúng ta đang kiểm soát được tình hình dù dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn ra phức tạp. Những các ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong khu cách ly, trong vùng kiểm soát, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. “Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá, khắc phục những nhược điểm, hạn chế, bất cập trong phòng, chống dịch, phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch. Tích cực hơn nữa hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về công tác này.

Thực hiện cách tiếp cận mới trong phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Đã nhiều lần phân tích cụ thể về vấn đề này, tại cuộc họp, Thủ tướng tiếp tục làm sâu sắc thêm nội hàm của khái niệm “chủ động tấn công” để các bộ, cơ quan, địa phương và toàn dân nắm vững, triển khai thực hiện.

Theo đó, chủ động tấn công là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm các ca bệnh. Phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thực hiện chiến lược vaccine, tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine, mua vaccine theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, đúng ưu tiên.

“Phải tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể, cần tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cả về số lượng, chất lượng vaccine, vấn đề thanh toán, tiến độ…”, Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế.

Tăng cường hơn nữa vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất để chủ động cho công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm, có nguy cơ cao.

Ngành y tế phải phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh với yêu cầu đa dạng hơn, phong phú hơn, nhiều hình thức hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình, với các đối tượng khác nhau.

Thủ tướng yêu cầu khen thưởng những người làm tốt, tích cực, xả thân, hy sinh vì cộng đồng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, những mô hình hay, cách làm tốt; đồng thời cương quyết xử lý kịp thời những người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức những người có chức vụ và xử lý hình sự nếu thấy dấu hiệu vi phạm đã rõ...

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”. Các địa phương đã làm tốt, có kinh nghiệm, đã kiểm soát được dịch bệnh, có điều kiện như Hà Nội, Quảng Ninh… chi viện, giúp đỡ các địa phương khác về nhân lực, vật lực, tiêu thụ hàng hóa... Người có điều kiện giúp đỡ người ít điều kiện hơn, người ở ngoài hỗ trợ người cách ly, người không mắc bệnh hỗ trợ người mắc bệnh.

“Trong hơn một năm qua, ngành y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia đã đi đúng hướng trong chỉ đạo phòng chống dịch, chúng ta không hoảng hốt, không mất bản lĩnh, cần tiếp tục kết hợp hài hòa giữa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh với phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu kép”, Thủ tướng yêu cầu.

Chịu nhiều hy sinh nhất, đạt những thành tựu cơ bản, toàn diện

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Bộ và ngành y tế đã đạt được những thành tựu rất cơ bản, toàn diện, quyết định, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, nhất là trong phòng chống đại dịch COVID-19.

Để đạt được những kết quả này, Bộ và ngành y tế đã bám sát tình hình thực tiễn, tổ chức thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cùng với đó là sự nỗ lực, phấn đấu toàn diện, hiệu quả của toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, y bác sĩ, điều dưỡng viên, người lao động trong ngành; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các ngành, các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Ngành y tế đã huy động toàn lực lượng, đóng vai trò nòng cốt, tuyến đầu chống dịch. Đội ngũ cán bộ ngành y đã hy sinh thời gian, công sức, vật chất và cả tình cảm với tinh thần quyết liệt nhất, chịu nhiều hy sinh nhất, chịu mất mát, gian khổ để bảo vệ sức khỏe nhân dân, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít nước đạt thành quả tốt trong phòng, chống dịch, chi viện, giúp đỡ một số nước và hợp tác hiệu quả với các nước khi cần thiết.

Tuy nhiên, với tinh thần khiêm tốn, ngành y tế vẫn còn những hạn chế, bất cập, yếu kém, cần “tìm ra, chỉ rõ, nói thật, đối diện, cùng nhau giải quyết”. Thủ tướng chỉ ra 9 hạn chế của ngành.

Thứ nhất, chưa có chiến lược tổng thể phát triển ngành để phát triển ngang tầm vai trò, vị trí của ngành và sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, thể chế, cơ chế, chính sách còn bất cập, vướng mắc nhiều, phải cố gắng hơn nữa để tháo gỡ.

Thứ ba, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nhất là cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực để phát triển ngành.

Thứ tư, hệ thống tổ chức và quản trị y tế còn bất cập về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác. Tổ chức toàn ngành và các cấp chưa được hợp lý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW tuy đạt kết quả quan trọng nhưng cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn.

Thứ năm, chất lượng nhân lực ngành y nổi trội so với điều kiện chung của đất nước, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn hạn chế, nhất là ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

Thứ sáu, cơ cở vật chất chưa thực sự xứng tầm với yêu cầu và nhiệm vụ.

Thứ bảy, có nơi, có lúc còn lơ là, chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng. Tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà đã được khắc phục nhiều nhưng vẫn tồn tại, để nhân dân tâm tư, lo lắng, thậm chí bức xúc.

Thứ tám, việc thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong ngành y còn hạn chế, chậm hơn so với một số ngành, nhất là việc tính giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, cần nghiên cứu làm tốt hơn.

Thứ chín, công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản tốt nhưng có nơi, có lúc vẫn còn lơ là, mất cảnh giác, dẫn tới bị động, lúng túng trong đợt dịch mới. Thủ tướng lưu ý, “cơ sở khám chữa bệnh phải là nơi an toàn nhất, gương mẫu thực hiện các quy định, để lây nhiễm là không được, người dân khó chấp nhận”.

Về tình hình sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ngành đối mặt với những vấn đề lớn. Chúng ta phải đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới của ngành y tế, trong bối cảnh ngành chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều mô hình hay.

Cùng với đó là tình trạng già hóa dân số; các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có dịch bệnh, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, để lại hậu quả khó khắc phục.

Yêu cầu và mong muốn chăm lo sức khỏe cho 100 triệu người dân rất lớn, rất cao cả nhưng việc đầu tư và cơ sở vật chất cho công tác này vẫn hạn hẹp, không thể khắc phục một sớm, một chiều.

7 nhiệm vụ chiến lược, 8 nhiệm vụ đột phá

Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng nêu rõ 7 nhiệm vụ chiến lược của ngành, trước hết là xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ hai, tổng kết, phát huy truyền thống, ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, yếu kém, thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách và các đề án của Nhà nước, chương trình công tác của các cấp về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ ba, quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của Trung ương về học và làm theo Bác, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. “Thực hiện tốt nhiệm vụ này để thực hiện lời dạy của Bác Hồ là “Thầy thuốc như mẹ hiền”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng nguồn nhân lực chất ượng cao, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển ngành gắn với quy hoạch của các địa phương về phát triển ngành và và chăm sóc sức khỏe nhân nhân dân.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; làm tốt công tác quản lý nhà nước; thực hiện tốt việc chăm lo, theo dõi chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực trong điều kiện hội nhập.

Thứ bảy, có giải pháp khắc phục tình trạng già hóa dân số, không ngừng nâng cao chất lượng sức khỏe và tuổi thọ nhân dân, để mọi người dân khỏe mạnh, đất nước khỏe mạnh.

Về 8 nhiệm vụ đột phá, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, phải tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phù hợp điều kiện thực tiễn và tổ chức thực thi hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, phát triển y tế chuyên sâu tại các khu vực khó khăn, biên giới hải đảo…

Thứ ba, xây dựng ngành y tế công khai, minh bạch, hiệu quả, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà cho nhân dân.

Thứ  tư, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển ngành, đặc biệt là mô hình hợp tác công-tư. Thủ tướng gợi ý mô hình nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà nước đưa nguồn lực con người vào để khai thác trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước, cùng chia sẻ khi có rủi ro.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các đơn vị, địa phương và thiết lập công cụ để giám sát, kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng việc.

Thứ sáu, chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển y tế số, kinh tế y tế số, coi trọng công tác đào tạo gắn với thực tiễn, nhu cầu và vị trí việc làm.

Thứ bảy, tập trung phát triển công nghiệp dược.

Thứ tám, coi trọng công tác truyền thông, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, tăng cường công khai, minh bạch và  trách nhiệm giải trình.

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, hạn chế, vướng mắc mà ngành y tế phải đối mặt, giải quyết; đồng thời biểu dương, ghi nhận và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của toàn ngành y tế trên tuyến đầu, mỗi y bác sĩ, mỗi cán bộ, người lao động ngành y thực sự là một chiến sĩ, cống hiến, đóng góp, hy sinh cho công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Thủ tướng mong muốn toàn ngành y tế và mỗi cán bộ, y bác sĩ, người lao động trong ngành tiếp tục phát huy tinh thần này để góp phần vào thành công chung của đất nước, trước mắt là tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp thành công, an toàn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản