Tin mới

Sáp nhập hàng loạt sở, ngành: Sắp xếp nhân sự thế nào?

"Sáp nhập các sở, ngành sẽ dẫn tới dư thừa hàng loạt cán bộ, công chức. Tuy nhiên hệ thống quản lý phải chịu đau..." - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nói về việc Bộ Nội vụ đề xuất dự thảo nghị định hợp nhất các sở, ngành.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

  Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành, trong đó đề xuất sáp nhập, hợp nhất nhiều sở, ngành trên cả nước.

Theo đó, việc sáp nhập, hợp nhất sẽ giảm được từ 46 đến 88 sở - ngành trên cả nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu sáp nhập sở - ngành ở địa phương thì các bộ, cơ quan ngang bộ cũng cần được nghiên cứu sáp nhập, nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng chỉ đạo, quản lý chồng chéo.

Đặc biệt câu hỏi "Khi thực hiện sáp nhập hàng loạt bộ ngành, việc bố trí sắp xếp nhân sự như thế nào cho hợp lý" cũng được đặt ra.

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, chủ trương tinh gọn sở, ngành đã nêu ra từ đầu năm 2000 nhưng không thực hiện được.

Theo đó, ông Phúc đánh giá đề xuất trên là tích cực và cần thiết. “Nếu Nhà nước vẫn duy trì nhiều cơ quan có nhiệm vụ chồng lấn nhau là tự mình làm khó mình, làm chậm quá trình xử lý công việc của người dân, doanh nghiệp và làm trì trệ xã hội. Vì vậy, phải làm và làm kiên quyết” – ông Phúc nói.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thăng Văn Phúc cho rằng tinh giản, sắp xếp lại bộ máy thì cũng cần giải quyết đầu ra cho cán bộ, công chức. Ảnh: Thành An

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc thực hiện sáp nhập các sở, ngành sẽ tạo cho các cơ quan chồng lấn quy về một mối và sẽ triệt tiêu được nhiều thủ tục, trình tự, thời gian xử lý công việc,… Từ đó tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. 

“Nếu cứ duy trì bộ máy cồng kềnh thì cơ sở vật chất, chỗ ngồi làm việc, biên chế công chức,... đều từ tiền ngân sách. Chỉ tính riêng việc giảm một nửa số đầu mối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tại thời điểm này thì đã có thể tăng lương gấp đôi cho công chức. Đặc biệt, tổ chức bộ máy càng đơn giản thì càng rõ cơ quan chịu trách nhiệm; tổ chức, cá nhân không hoàn thành công vụ hoặc vi phạm sẽ được phát hiện nhanh chóng. Anh nào có lỗi sẽ được uốn nắn, xử lý kịp thời, giúp tổ chức khỏi mất người và mất của” – ông Phúc cho hay.

Liên quan đến việc, sáp nhập các sở, ngành sẽ dẫn tới dư thừa cán bộ, công chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, khi thực hiện phương án này sẽ ảnh hưởng đến nhiều cán bộ, công chức. “Tuy nhiên, hệ thống quản lý phải chịu đau thì mới tạo ra bước phát triển mới, phương thức quản lý mới theo hướng hiện đại. Tất nhiên, tinh giản, sắp xếp lại bộ máy thì cũng cần giải quyết đầu ra cho cán bộ, công chức” – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc sáp nhập, hợp nhất các sở ngành không đơn thuần là dự thảo nghị định mà là một hệ thống, đề án lớn thiết thực và cần thiết. Ảnh: Thành An

Đề cập đến vấn đề, nếu sáp nhập các sở, ngành có thể giải quyết được người nhưng không giải quyết được công việc; khi sáp nhập không cẩn thận sẽ bị rối loạn,... Bởi nếu nhập sở mà không nhập bộ có khi xảy ra tình trạng một sở phải chịu sự quản lý của mấy bộ hay phải chấp nhận sửa hàng loạt các luật? Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhận định: Tới đây thì phải đồng bộ hóa chuyện này, nghĩa là phải có một Nghị định tương ứng với chủ trương này.

“Cái này muốn làm được phải có Nghị định kèm theo thực hiện Luật tổ chức Chính phủ và nhiệm kỳ tới các Bộ phải điều chỉnh,… vì có nhiều việc cần phải có sự đồng hóa từ các cơ quan Trung ương đến địa phương theo một hệ thống.

Đây chúng ta nói đến chỉ là một cái dự thảo nghị định, chứ cả đề án của nó bao gồm rất nhiều yếu tố, đồng bộ hóa được cả bộ máy Trung ương đến địa phương trên tinh thần tinh giản và tăng cường hơn nữa sự phân cấp phân quyền của Trung ương cho địa phương, cái gì thuộc thẩm quyền của địa phương trong luật thì thì cứ thế mà làm chứ không cần phải xin ý kiến ai cả.

Cái này Hiến pháp 2013 cũng đã nêu rất rõ về sự tăng cường sự phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương về quản lý kinh tế, xã hội. Không có chuyện chỉ có làm ở dưới mà không làm ở trên, các Bộ cũng phải điều chỉnh, sắp xếp lại cho tương ứng và phù hợp” – nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc phân tích.

Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các sở ngành như tài chính, kế hoạch - đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... sẽ được sáp nhập.

Theo đó, 17 sở ngành thuộc các UBND cấp tỉnh, thành hiện nay sẽ được chia thành 3 nhóm và được đề xuất sáp nhập các sở ngành này như sau:

Hợp nhất Sở Kế hoạch - đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Tài chính - kế hoạch; Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - xây dựng; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với Sở Công Thương thành Sở Công nghiệp, nông nghiệp và thương mại; Sở Thông tin truyền thông với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (hoặc Sở Văn hóa - thể thao) thành Sở Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch hoặc Sở Văn hóa, thông tin và thể thao (đối với các địa phương có Sở Du lịch riêng); Sở Khoa học - công nghệ với Sở Giáo dục - đào tạo thành Sở Giáo dục và khoa học, công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất, các sở giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc thực hiện thí điểm hợp nhất, gồm: Sở Nội vụ hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy thành Sở Tổ chức - nội vụ;Thanh tra tỉnh hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thành Kiểm tra - thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh hợp nhất với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Ngoài ra, đối với 4 sở đặc thù chuyên ngành, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương, gồm: Sở Quy hoạch - kiến trúc thuộc UBND TP.Hà Nội và TP.HCM và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch) thì giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập (kể cả khi đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập).

Trường hợp không thành lập các sở trên thì giao Văn phòng UBND cấp tỉnh (hoặc Văn phòng chính quyền địa phương cấp tỉnh) thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại vụ và dân tộc; giao Sở Văn hóa - thể thao (hoặc Sở Văn hóa, thông tin và thể thao) thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về du lịch và đổi tên sở này thành Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (hoặc Sở Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch).

Đối với TP.Hà Nội và TP.HCM, nếu không thành lập Sở Quy hoạch - kiến trúc thì sáp nhập sở này vào Sở Xây dựng (hoặc Sở Giao thông vận tải - xây dựng).

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định này là từ 16/4 đến 16/6/2018.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản