Tin mới

Sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong nông nghiệp vùng trung du và miền núi phía Bắc

(Mặt trận) - Sáng 10/6, tại Hà Giang đã diễn ra Hội nghị sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong nông nghiệp vùng trung du và miền núi phía Bắc. Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, cùng đại biểu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo các Đề cương của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV tại vùng Đông Nam Bộ

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, tại thời điểm Luật HTX có hiệu lực (1/7/2013), toàn vùng có 2180 HTX nông nghiệp. Đến hết năm 2016, có 2.348 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 22% tổng số HTX nông nghiệp trong cả nước, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Hiện có 3 huyện không có HTX như huyện Bảo Lân, Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng); huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); một số địa phương có tỷ lệ từ 10 đến 20% số xã không có HTX hoạt động.

Các HTX dịch vụ tổng hợp chiếm 45%, còn lại 55% là các HTX hoạt động theo lĩnh vực chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản) cao hơn 25% cả nước, trong đó các HTX trồng trọt chiếm tỷ lệ cao nhất là 33%; HTX chăn nuôi là 16%. “Đây là hướng chuyển dịch tích cực, gắn chặt chẽ hoạt động của HTX với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các HTX chỉ chủ yếu thực hiện dịch vụ đầu vào như trước đây”, ông Ma Quang Trung khẳng định.

Phần lớn các HTX mới thành lập, HTX ở những vùng có sản xuất hàng hoá phát triển và có các điều kiện về quy mô phù hợp, trình độ cán bộ quản lý tương đối tốt, đặc biệt có sự liên kết với các doanh nghiệp thì hoạt động có hiệu quả tương đối tốt, như vùng sản xuất chè, cây ăn quả, dược liệu, lúa đặc sản, chăn nuôi thuỷ sản… Đồng thời nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hoá có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết HTX. Một số mô hình HTX tiêu biểu như chè Tân Hương tỉnh Thái Nguyên, HTX Mai Anh tỉnh Lào Cai, HTX chăn nuôi Trường Thành tỉnh Bắc Giang…

Tuy nhiên, ông Trung cho biết, hiện nay vốn của hợp tác nông nghiệp rất nhỏ bé, bình quân 800 triệu đồng/HTX. Nguồn vốn này chủ yếu được hình thành từ vốn góp bằng tài sản và tiền của các thành viên. Do đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; trình độ cán bộ quản lý HTX nhìn chung rất yếu vì chưa qua đào tạo, chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền thống, việc tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, công nghệ còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu về quản lý và tổ chức hoạt động của HTX trong tình hình hiện nay.

Đề cập đến giải pháp phát triển HTX nông nghiệp đến năm 2020, ông Trung cho rằng, mỗi năm tăng thêm tối thiểu 15 HTX nông nghiệp/tỉnh đối với những tỉnh khu vực Tây Bắc có nhiều khó khăn, các địa phương còn lại mỗi năm tăng thêm tối thiểu 20 HTX nông nghiệp/tỉnh; cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển; đẩy mạnh việc đào tạo, thu hút để nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ HTX; củng cố tăng cường đổi mới bộ máy quản lý nhà nước và hỗ trợ HTX nông nghiệp.

Tham luận tại Hội nghị, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện Luật HTX năm 2012, trong 7 chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, có 2 chương trình hành động xây dựng HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 261 HTX, trong đó có 179 HTX nông nghiệp, với tổng số lượng thành viên là 25.034 và tổng số vốn ước đạt 2.060 tỷ đồng. Đóng góp của khu vực HTX vào tổng sản phẩm của địa phương và của nền kinh tế toàn tỉnh đạt 11,5% GDP, tăng 2,5% so với thời điểm tháng 7/2013.

Qua thực hiện, các cấp, các ngành của tỉnh đã thật sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ và xây dựng các mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đã thu hút, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động tại địa phương, như mô hình trồng rau, củ, quả sạch, sản xuất rượu của HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, huyện Mộc Châu, với sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX, sự đồng lòng quyết tâm của thành viên, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua dây chuyền công nghệ cao để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quả mận, mơ, chuối, ngô, sản xuất rau củ quả sạch,… Bên cạnh đó còn có mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất hoa công nghệ cao, mô hình trồng cây ăn quả, mô hình nuôi trồng thuỷ sản.

“Thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Hiện nay toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, duy trì 24 chuỗi sản xuất cho 23 HTX, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả, thịt, thuỷ sản an toàn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP”, ông Hùng thông tin.

 Các đại biểu tham dự  Hội nghị.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc về hoạt động HTX tại tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, phần lớn các HTX hiện có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh còn đơn điệu, manh mún, chưa năng động, nhất là khu vực nông nghiệp, chưa đủ mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa ngành nghề, thực hiện liên doanh liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm còn ít. Bên cạnh đó, năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều, trình độ lao động còn thấp, chất lượng hoạt động của HTX tiến chậm, số HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả chiếm tỷ lệ nhỏ, tốc độ tăng trưởng thấp, chưa có sự gắn kết trong sản xuất kinh doanh, công nợ của một số HTX còn tồn đọng, không huy động được vốn góp mới,…

Từ thực tế này, ông Tiến cho rằng trong thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các mô hình HTX, tăng cường sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, tạo cơ chế thuận lợi cho các HTX phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, sau gần 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng số lượng hợp tác xã nông nghiệp không nhiều nhưng chất lượng hoạt động của các hợp tác xã được nâng lên rõ rệt, do nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả đã giải thể. Nhờ việc gắn kết chủ động vùng nguyên liệu, cung cấp đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra, qua thực tế ở 15 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, có đến 38% hợp tác xã hoạt động hiệu quả sau khi tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là xu hướng chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về hợp tác xã được tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012.

Theo ông Trần Thanh Nam, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển 15 nghìn hợp tác xã kiểu mới trên lĩnh vực nông nghiệp. Căn cứ vào đặc thù và lợi thế của mỗi tỉnh nên xây dựng Đề án của riêng mình, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực của Trung ương và địa phương để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Theo quy định của Luật, các địa phương cần nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Thời gian tới, cùng với các bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát các cơ chế, chính sách và kiến nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển các hợp tác xã kiểu mới hiện nay.

Hương Diệp

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản