Tin mới

Sự kiện Gạc Ma là một cuộc chiến tranh xâm lược

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, chúng ta nên gọi sự kiện Gạc Ma là: "Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988”.

Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ 2, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà Tết cho gia đình chính sách, người nghèo, công nhân lao động tại tỉnh Hậu Giang

Trình cấp có thẩm quyền phương án dự kiến giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Hôm nay, tròn 30 năm ngày những người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống ở Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2018). Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, chúng ta nên gọi sự kiện Gạc Ma là: "Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988”.

 Tiến sỹ  Trần Công Trục

Sự kiện Gạc Ma được gọi bằng nhiều tên khác nhau

TS Trần Công Trục nhấn mạnh: “Cho đến nay, dù đã 30 năm trôi qua kể từ ngày 14/3/1988, sự kiện lịch sử này vẫn được gọi bằng những tên khác nhau: “Hải chiến Gạc Ma 1988”, “Hải chiến Trường Sa 1988”, “cuộc thảm sát Trường Sa 1988”,  “cuộc chiến xâm lược Gạc Ma 1988”, “Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988”… tùy theo nhìn nhận, đánh giá và thậm chí, cả cảm xúc riêng của mỗi người. Tuy nhiên, trong lịch sử quân sự thế giới, tên gọi của mỗi cuộc chiến, trận đánh thường phản ánh  đúng  quy mô, tính chất, hình thức tác chiến…

Theo TS Trần Công Trục, sự kiện lịch sử này không hội đủ các điều kiện về tương quan lực lượng, mục tiêu, đối tượng tác chiến cũng như thủ tục tuyên chiến theo thông lệ chiến tranh. Vì vậy, không thể gọi là “Hải chiến”…, mặc dù đụng độ xảy ra trên biển.

TS Trần Công Trục cho rằng, chúng ta nên gọi là “Cuộc xâm lăng của Trung Quốc đối với quần Trường Sa năm 1988” hoặc “Cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ Trường Sa của Hải quân Nhân dân Việt Nam năm 1988”. Diễn biến của “Sự kiện lịch sử” này gần đây đã được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông, tuy chưa thật sự thể hiện đầy đủ trong các bộ sử, sách giáo khoa  và tài liệu nghiên cứu chính thống…, nhưng cũng đủ để chúng ta có thể xác định được tính chất, quy mô cũng như mục đích của cuộc chiến bi hùng này.

“Cụ thể là khi đánh giá bản chất của một cuộc chiến, theo chúng tôi, vấn đề là phải xem cuộc chiến này xảy ra trong hoàn cảnh nào, nhằm mục đích gì, xảy ra ở đâu và với quy mô ra sao…?”, TS Trần Công Trục nói.

Những hoạt động của lực lượng vũ trang Trung Quốc ở trong Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa, trong suốt cả một thời gian dài từ đầu những năm 1980 cho thấy, Trung Quốc, sau khi đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa năm 1974, bắt đầu triển khai thực hiện một bước tiến mới xuống phía Nam Biển Đông; bằng những mũi tiến công; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang, bán vũ trang, dân sự, lợi dụng thời cơ để bí mật hay công khai cưỡng chiếm một số vị trí xung yếu trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chẳng hạn, từ cuối năm 1986, giả danh các tàu đánh cá, tàu nghiên cứu, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xuống phía Nam, tăng số lần tàu chiến, tàu vận tải hoạt động trinh sát, thăm dò ở khu vực Trường Sa. Đặc biệt là từ ngày 24 đến 30/12/1986, máy bay và tàu chiến của Trung Quốc tiến hành các hoạt động trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến đảo Thuyền Chài, gây căng thẳng trên vùng biển của Việt Nam.

TS Trục phân tích, đầu năm 1987, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và tăng cường đưa tàu chiến đi lại gần khu vực đảo Thuyền Chài. Họ đã đưa tàu Hải Dương 4 tiến hành trinh sát phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có cả những đảo ta đang chốt giữ; tăng cường số lượt tàu qua lại khu vực các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, có lúc chỉ cách khoảng một hải lý để thị uy.

Tiếp tục các hành động khiêu khích, đe dọa nói trên, ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 1 tàu hộ vệ tên lửa, 1 tàu tuần dương, 1 tàu dầu, 1 tàu đổ bộ và một số tàu chiến khác đến chiếm đóng bất hợp pháp bãi đá Chữ Thập. Tiếp đó, họ đã đưa một lực lượng lớn gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền nước ta qua lại để bảo vệ đảo Chữ Thập.

Trước tình hình trên, Quân chủng Hải quân đã tăng cường lực lượng củng cố, giữ vững các đảo đang chốt giữ, tăng cường thế phòng thủ các đảo theo từng cụm, từng khu vực, bảo đảm khi có chiến sự xảy ra có thể chi viện hỗ trợ kịp thời giữ vững đảo. Đầu năm 1987, Quân chủng Hải quân tổ chức lực lượng chốt giữ Thuyền Chài (3/1987); tiếp đó, triển khai kế hoạch bảo vệ quần đảo Trường Sa 3 năm (1988 - 1990).

Xác định Trung Quốc có âm mưu thôn tính các đảo phía Tây quần đảo Trường Sa và chiếm đóng xen kẽ vào các cụm đảo do lực lượng hải quân Việt Nam đang đóng giữ, nhằm thiết lập tuyến ngăn chặn các hoạt động của ta từ đất liền đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Hải quân đã xây dựng và thực thi kế hoạch triển khai lực lượng bao vệ Trường Sa, nhất là ở khu vực có các bãi cạn, đá ngầm và ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu đối với lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; chuẩn bị lực lượng, phương tiện ra xây dựng các công trình phòng thủ trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, nhất là ở những vị trí xung yếu.

Đầu tháng 1/1988, nhận thấy tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có chiều hướng diễn biến phức tạp, Hải quân Việt Nam đã tranh thủ thời gian, triển khai lực lượng đóng giữ trên các đảo, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đóng giữ các đảo trong ba năm (1988 - 1990) ngay trong năm 1988; đồng thời tăng cường số lần hoạt động tuần tiễu, bảo vệ Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Tây Nam.

Hoạt động của Việt Nam vào nửa cuối những năm 1980, tập trung cao độ là vào đầu năm 1988, trong đó có cả hoạt động trước, trong và sau trận Gạc Ma 14/3, hoàn toàn nhằm mục đích củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ và tạo môi trường sống, làm việc thuận lợi cho quân và dân trên phần lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam. Kết quả của những hoạt động đó đã được chứng kiến và đánh giá cao bởi rất nhiều bà con Việt Nam trong và ngoài nước, các phóng viên trong nước và quốc tế… khi có vinh dự đặt chân lên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.

 

Người mẹ chiến sỹ Gạc Ma tìm tên con trong khu tưởng niệm

Sự kiện Gạc Ma là một cuộc chiến tranh xâm lược chứ không phải là một “Hải chiến”

Từ những diễn biến nói trên, theo TS Trần Công Trục, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là một cuộc chiến tranh xâm lược, chứ không phải là một “Hải chiến” như cách gọi của nhiều người. Bởi vì đội hình, lực lượng và kế hoạch tác chiến của Trung Quốc hoàn toàn là một chiến dịch tấn công quân sự có chủ đích, tính toán, nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ càng về thời gian, địa điểm nhằm mục đích chiếm một số bãi cạn ở Trường Sa.

Đây là những cấu trúc địa lý án ngữ tại các vị trí trọng yếu, vừa cài răng lược với các vị trí đóng quân của Việt Nam, vừa nằm ngay yết hầu tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đông, Trung Quốc cưỡng chiếm có chủ đích để phục vụ âm mưu lâu dài. 

Trước tình hình đó, các chiến sỹ công binh Hải quân Nhân Việt Nam đã kiên cường chống trả, vừa để  tự vệ, vừa để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong một tình thế cực kỳ khó khăn, không cân sức và họ đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh thiêng liêng của mình, để lại tấm gương hy sinh cao cả vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Để các thế hệ không lãng quên sự kiện lịch sử oai hùng này, TS Trần Công Trục khẳng định, sự hy sinh cao cả của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân Việt Nam trong trận chiến nói trên đang bị phân tâm bởi những thông tin, đánh giá, bình luận khác nhau, thậm chí bị bóp méo, xuyên tạc, xuất phát từ những động cơ khác nhau từ các học giả, các nhà quan sát trong hay ngoài nước, mỗi khi nhắc đến sự kiện Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa ngày 19/1/1974, xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979 hay đánh chiếm Gạc Ma ngày 14/3/1988…

Chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận “sự kiện lịch sử” một cách khách quan

Trước thực trạng này, TS Trần Công Trục nhận định: “Chính bản thân chúng ta cần sự bình tĩnh nhìn nhận “sự kiện lịch sử” này một cách khách quan, khoa học và cầu thị; đừng vội kết luận hay đổ lỗi, đừng vội đòi hỏi hay ngồi chờ, hãy tự mình tìm lấy câu trả lời từ nguồn thông tin chính thống, đa dạng ấy, từ những nhân chứng sống, những người trong cuộc. Không nên chỉ chú tâm vào 28 phút giao tranh sáng 14/3 và  chiến công oanh liệt và bi tráng của 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam ở Gạc Ma, nhưng không thấy được thắng lợi toàn cục trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988 (CQ88) trong điều kiện vô cùng khó khăn, ngặt nghèo và nguy hiểm. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận các vấn đề lịch sử bằng tư duy khoa học, khách quan, cầu thị và thiện chí, dùng đối thoại thẳng thắn và kịp thời để hóa giải các tin đồn thất thiệt ấy”.

“Những băn khoăn, thắc mắc từ những nhân sĩ trí thức quan tâm đến thời cuộc và vận mệnh nước nhà với 4 cuộc chiến nêu trên, hay quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hoàn toàn là vì thiện chí và do thiếu thông tin. Bởi vậy chúng tôi thiết nghĩ, cần có những đối thoại, lắng nghe và giải đáp thắc mắc từ các cơ quan có thẩm quyền. Và, điều đáng làm trong tình hình hiện nay, chúng ta cần có những hình thức tôn vinh, tri ân xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ, đồng bào chiến sĩ, nghĩa sĩ, vị quốc vong thân trong những sự kiện này, lấy đó làm cách giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Làm điều này trên tinh thần tri ân, báo nghĩa và cũng là lời nhắc nhở chính mình và đối tác hay láng giềng, đừng để xảy ra xung đột can qua hiện đang rập rình đe dọa các quyền và lợi ích chính đang của chúng ta, các nước trong khu vực và quốc tế…” ông Trục nói.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản