(Mặt trận) - Một số ĐBQH cho rằng, để Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt mục tiêu như đã đề ra cần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 bởi đây là câu chuyện "không thể tách rời".
|
Phiên họp trực tuyến của Quốc hội sáng ngày 30/10 |
Ưu tiên ngân sách để nâng cao năng lực y tế
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, sáng 30/10 Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Tại Tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 có nêu rõ, những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là do chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt do tác động của dịch bệnh COVID-19 và một số nguyên nhân chủ quan.
Nêu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, đại dịch COVID-19 được xem là trở lực vô cùng quan trọng và rất cần thiết để Chính phủ xây dựng và ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, ông Trần Quốc Tuấn đề nghị Chính phủ cần nâng cao chất lượng dự báo để có các kịch bản ứng phó phù hợp khi xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tiếp theo 2021-2025.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị, cần ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cao năng lực cho ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để thích nghi an toàn với dịch COVID-19.
"Tôi xin đề nghị Chính phủ cần ưu tiên phân bổ nguồn lực để đầu tư cho ngành y tế trong việc sản xuất sinh phẩm vaccine và trang thiết bị liên quan phục vụ điều trị COVID-19 thay vì hiện nay chúng ta vẫn phải nhập nhiều thứ cần thiết để phục vụ cho phòng và điều trị COVID-19 như các loại kit test nhanh, máy thở rồi đến vaccine", ông Tuấn đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần đầu tư mỗi địa phương có ít nhất một bệnh viện tuyến tỉnh, một phòng bệnh viện tuyến huyện đủ trang thiết bị cần thiết để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở cấp độ cao nhất. Có như thế mới có thể thích nghi an toàn với dịch COVID-19 vốn được dự báo là loại dịch phổ biến và sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Bùi Văn Nghiêm – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long kiến nghị, trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực để đầu tư cao cho chất lượng y tế cơ sở, nâng cao y tế dự phòng, thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 một cách an toàn với các giải pháp ưu tiên tiêm vaccine để bảo vệ người dân trước tình hình dịch bệnh, đảm bảo để hệ thống y tế không bị quá tải và có đủ cơ sở năng lực để đáp ứng tình hình diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.
Cần có đánh giá kỹ tác động của dịch bệnh
ĐBQH Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ quan điểm, việc lựa chọn ưu tiên sức khỏe, sinh mạng nên phải chấp nhận hy sinh về kinh tế, phải cân đối giữa ngắn hạn với dài hạn, giữa an toàn với hiệu quả. Có thể nói là dịch bệnh chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Không dừng lại ở đó, những diễn biến khó đoán định của dịch bệnh chắc chắn sẽ còn tiếp tục thách thức, gây khó khăn cho chúng ta trong thời gian tiếp theo, cần được quan tâm, tháo gỡ.
ĐBQH Trần Văn Sáu – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không thể tách rời câu chuyện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không chỉ 5 năm mà còn có thể lâu dài hơn.
Để cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta cần có đánh giá kỹ tác động của dịch bệnh đối với mọi mặt đời sống xã hội, đánh giá một cách toàn diện, kể cả việc Chính phủ cần có chiến lược dài hạn về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID.
ĐBQH Hoàng Thị Đôi – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm nội dung về kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, trong quan điểm kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong thời điểm hiện tại và trong 5 năm tiếp theo. Bởi theo bà Đôi, từ năm 2020 dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã làm chậm tiến độ thực hiện cơ cấu nền kinh tế, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh đến các nước trên thế giới và Việt Nam.
Về dự báo bối cảnh quốc tế, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 buộc các nước, trong đó có Việt Nam phải tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, tránh những tác động tiêu cực của dịch bệnh nhưng cũng là cơ hội để các nước nhận ra những điểm yếu và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế để phục hồi nhanh hơn và phát triển bền vững hơn.
Một số xu hướng chuyển dịch trên thế giới dưới tác động của COVID-19 cần phải được xem xét trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị nội dung về kiểm soát hiệu quả dịch bệnh cần được thể hiện trong quan điểm kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế làm căn cứ để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Cuối cùng, nữ đại biểu đoàn Sơn La bày tỏ nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ trình và xin đề xuất thêm: "Các nhiệm vụ, giải pháp cũng cần phải gắn với tình hình thực tế trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh".
Lê Bảo - Hoàng Dương