Tin mới

Tăng cường đối thoại để giải quyết những vấn đề phát sinh tại địa phương

(Mặt trận) - Sáng 11/1, Hội nghị tổng kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017 đã diễn ra tại Hà Nội. Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trần Thanh Mẫn cho rằng, nét khởi sắc trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chính là thay đổi về nhận thức từ phía Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Cùng với đó, công tác tuyên truyền của các ngành, các cấp có nhiều chuyển biến rõ rệt, tạo được sức lan tỏa trong nhân dân.

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Tham dự Hội nghị còn có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Quang cảnh Hội nghị

Theo bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; tập trung đánh giá kết quả thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW (khóa XII), đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với các phong trào thi đua, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa.

Ban Chỉ đạo các cấp đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở khá nền nếp.

Bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Theo đó, trong năm 2017, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau 3 năm triển khai, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức thành viên đã tổ chức được 10 chương trình giám sát có phạm vi toàn quốc; 63 tỉnh, thành phố tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc.

MTTQ các cấp quan tâm thực hiện tốt việc tiếp xúc, lắng nghe, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước với 6.608 ý kiến; thực hiện tốt việc thăm hỏi, động viên, chăm lo và nắm bắt tình hình trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng, tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư.

Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, nhận thức về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có chuyển biến và được nâng lên, các cơ quan thẩm quyền đã lồng ghép việc thực hiện QCDC thông qua nhiều mô hình và tổ chức được nhiều cuộc đối thoại nhằm giải quyết được các vấn đề cụ thể, tạo thêm được các kênh ghi nhận ý kiến của người dân. Cùng với đó, các hoạt động kiểm tra ở địa phương trong cụm đã được phát huy, từ đó các tỉnh trong cụm có thể trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau thông qua các mô hình tốt, cách làm hiệu quả.

Tuy nhiên, thông qua hoạt động kiểm tra ở địa phương,việc thực hiện QCDC đã phát sinh nhiều bất cập và hiện đã có những văn bản bổ sung hoàn thiện quy chế được đề xuất, nhưng thực tế vẫn chưa có chuyển biến trong việc hoàn thiện những quy chế này.

Ở một góc nhìn khác, ông Mai Trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Việc đối thoại với nhân dân là một hình thức dân chủ trực tiếp và cần được phát triển vì thông qua bài học Formosa, Đồng Tâm, việc thực hiện đối thoại đã đánh giá được năng lực, trách nhiệm của cán bộ, chính vì vậy cần đưa đối thoại vào quy chế, định kỳ thường xuyên. Dân vận, Mặt trận phải giám sát vấn đề này để đánh giá và giám sát phải đi vào thực chất.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ ghi nhận: Công tác cải cách hành chính thực sự là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được quan tâm. Mặt trận Tổ quốc và Hội Cựu chiến binh đã thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân, năm 2017 đã thực hiện giám sát, kiểm tra đánh giá sự hài lòng của người dân ở khắp 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thừa cho rằng kỷ cương, kỷ luật ở một số cơ quan hành chính ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện, thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, các dịch vụ đánh giá sự hài lòng của người dân vẫn còn tồn tại khi người dân vẫn phải trả thêm phí dịch vụ, việc trả lời đơn thư chưa hiệu quả...

Tán thành với nội dung báo cáo năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018 mà Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã đề ra, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, báo cáo đã phản ánh đầy đủ, toàn diện các mặt công tác, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước của Ban Chỉ đạo, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, tới hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở địa bàn dân cư và cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra được các mô hình, cách làm hay từ các địa phương, phân tích được những nguyên nhân, hạn chế trong việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, trong năm 2017, MTTQ các cấp đã phối hợp triển khai hiệu quả việc lấy ý kiến hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, vì công nhận nông thôn mới chính là công nhận cho nhân dân, đời sống tinh thần, an sinh xã hội của nhân dân tại địa bàn được nâng lên. “Khi người dân chưa hài lòng thì công nhận nông thôn mới chưa đi vào lòng dân.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Cùng với đó, việc thực hiện hương ước, quy ước, thực hiện công tác hòa giải, phát huy dân chủ ở cơ sở góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm thông qua Ngày hội Đại đoàn kết với hơn 100.000 khu dân cư tổ chức, có sự tham dự đầy đủ của người dân trên địa bàn. Điều đó thể hiện được vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong huy động sự vào cuộc của nhân dân. “Nếu địa bàn khu dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân được chung tay đóng góp thì lòng tin của người dân đối với Đảng và chính quyền ngày càng được tăng cường. Vì mục tiêu dân chủ hiện nay là làm sao lấy lại lòng tin của người dân, lấy lại lòng tin trong nội bộ và lấy lại lòng tin của doanh nghiệp; phải làm sao gần dân, sát dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, nét khởi sắc trong thực hiện QCDC ở cơ sở chính là thay đổi về nhận thức và công tác tuyên truyền của các ngành, các cấp có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, việc thành lập các đoàn kiểm tra tại mỗi địa phương đã phát huy được sức mạnh tại mỗi địa bàn theo phương châm tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã và đã chỉ ra được điểm yếu cũng như những điểm cần phát huy. “Phải đi xuống với dân, tìm hiểu những băn khoăn, lo lắng của nhân dân, trực tiếp đối thoại với nhân dân để từ đó giải quyết dứt điểm các khiếu kiện kéo dài, từ đó làm cho nhân dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khảng định.

Đề cập đến việc giám sát tại các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị việc giám sát công tác Đảng, công tác kiểm tra và công tác tổ chức, dân chủ trong cơ quan phải phát huy được quyền làm chủ của từng cán bộ, công chức trong cơ quan và phải làm rõ được trách nhiệm của người đứng đầu trong từng vụ việc.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác dân chủ ở cơ sở; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên; công khai, minh bạch thông qua việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi xảy ra hiện tượng mất dân chủ, xem xét kỷ luật đối với cá nhân vi phạm. Đồng thời công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí cần tiếp tục được xử lý nghiêm minh, xử lý sao công bằng, hợp tình, hợp lý, từ đó tạo niềm tin trong nhân dân. “Mặt trận, Dân vận và các đoàn thể phải gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại với nhân dân vì đây là việc làm thiết thực để giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh tại địa phương.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị.

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhận định, năm 2017 đã có sự chuyển biến về nhận thức, từ phía Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Thể chế hóa các quy định Hiến pháp năm 2013, nhiều luật, đạo luật đã được ban hành nhằm phát huy dân chủ của người dân. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các dịch vụ công... được cải tiến ở nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân...

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, còn nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó, đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai thông qua phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, vẫn còn một số vụ việc khiếu kiện kéo dài, chính vì vậy cần có những giải pháp, chính sách hài hòa để bảo đảm đời sống, lợi ích của người dân.

Hiện, tác động của mạng xã hội làm ảnh hưởng đến người dân, vì vậy, cần những thông tin tuyên truyền trực tiếp từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để giải đáp vướng mắc cho người dân. Quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với người dân cần phải phát huy tốt hơn thông qua đối thoại.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị cần tăng cường cơ chế giám sát trách nhiệm người đứng đầu, nếu thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị.

Dự kiến, năm 2018, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ tổ chức ba đoàn kiểm tra do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy làm Trưởng đoàn, giám sát việc thực hiện quy chế tại các tỉnh Đông Nam bộ, các tỉnh biên giới phía Bắc và các bộ, ngành như: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thời gian kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2018.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản