Tham dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương; ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các vị trong Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nội.
61/63 tỉnh thành phố ký kết triển khai chương trình phối hợp
Theo ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, thực hiện chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, ngay sau khi Chương trình phối hợp được ban hành, 61/63 tỉnh, thành phố đã ký kết và triển khai chương trình,
Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch. Sau 5 năm thực hiện chương trình phối hợp, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân cũng được đẩy mạnh. Ở trụ sở tiếp dân Trung ưng, có 758 lượt luật sư đã tư vấn cho 2.869 lượt công dân với hàng nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Tổng số vụ việc mà các luật sư, luật gia tư vấn miễn phí cho công dân thời gian qua (2015 - 2018) ở các địa phương là 45.613 vụ việc cho hơn 60.000 lượt người ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.
Đối thoại thực chất, không hình thức
Tại Hội nghị, những ý kiến thẳng thắn của đại biểu tham dự cũng cho thấy, tình hình khiếu nại tố cáo ngày càng phức tạp, đòi hỏi các biện pháp thực chất hơn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, trong 5 năm qua, tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 72.601 lượt công dân đến trình bày 21.259 vụ việc; có 2.023 lượt đoàn đông người.
“Nếu chỉ tập trung vào một cơ quan như TTCP, địa phương hay bộ ngành thì rất khó giải quyết và chưa tạo được sự thông suốt trong nhân dân, đòi phải có thông tin nhiều chiều. Nên việc thực hiện các đoàn giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả rất lớn, các vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo hơn”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Khái cũng cho hay, hiện TTCP đang chỉ đạo hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khi cơ sở dữ liệu này đầy đủ số liệu thì việc tiếp công dân sẽ biết tình trạng đang thế nào để ứng xử kịp thời, không chuyển lòng vòng. Đồng thời cần phải nâng cao trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu, theo đó trưởng ngành nên tiếp công dân hàng tháng theo quy định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, với những vụ việc kéo dài, phức tạp, nếu chuyển đơn qua lại thì không bao giờ giải quyết được, mà cần có sự phối hợp. Ví dụ có thể tổ chức một cuộc đối thoại chung với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan, có sự đối chất, như vậy vấn đề mới rõ và giải quyết sớm được.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng,.Chương trình phối hợp 5 bên thời gian qua đã góp phần làm giảm khiếu nại, tố cáo nhưng so với yêu cầu thì còn khiêm tốn, do đó cần có giải pháp mới. Có các đối tượng lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để chống phá, kích động gây rối loạn tình hình, vì vậy các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
“Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả, cần phải đối thoại đến cùng với dân để tìm ra nguyên nhân, trong quá trình đó giới luật sư tham gia để cùng giải quyết và bảo vệ cái đúng. Đối thoại phải thực chất, không hình thức, phải phân định rõ đúng, sai và giải quyết tận gốc tình hình, tránh tình trạng để nhân dân bức xúc và khiếu kiện lên cấp trên”, ông Đỗ Ngọc Thịnh chia sẻ.
Giảm khiếu kiện vượt cấp
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện ở Trung ương và địa phương, hai chương trình trên đã cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu, nội dung, lĩnh vực đề ra trong công tác phối hợp. Biểu hiện rõ nhất là qua triển khai ở 61/63 tỉnh, thành phố đã hưởng ứng, tham gia CTPH, góp phần giảm dần tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
“Công tác phối hợp giữa các bên trong chương trình đã dần dần đi vào nề nếp, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. MTTQ và các tổ chức thành viên đã làm tốt hơn vai trò đại diện, vai trò cầu nối giữa người dân với chính quyền”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, nơi nào chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm tới đối thoại với người dân, quan tâm công tác hòa giải thì nơi đó người dân ít đi khiếu kiện, yên tâm lo sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thẳng thắn chỉ ra tình hình khiếu kiện của công dân diễn biến rất phức tạp, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người kéo dài gây mất trật tự, ổn định là căn nguyên của nhiều vấn đề, nếu không có giải pháp, sự tương tác phối hợp trách nhiệm, kịp thời, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương bằng nhiều kênh khác nhau, nguy cơ “điểm nóng, điểm ấm” là không tránh khỏi.
Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác khiếu nại, tố cáo trong cả hệ thống chính trị và người dân để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ các chương trình phối hợp. Song song với đó, các cơ quan phải chủ động phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm để khi có mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh phải quan tâm giải quyết ngay từ cơ sở, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, 5 cơ quan tham gia chương trình phối hợp cần tăng cường giám sát một cách thường xuyên, liên tục với những giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên, BT, BOT…
“Cần tăng cường giám sát đột xuất từ các điểm nóng. Chọn các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và có hiện tượng vi phạm pháp luật, các vụ việc ở địa phương đã giải quyết nhưng chưa thỏa đáng, còn gây bức xúc trong nhân dân. Với mục đích từ giải quyết những vụ việc này sẽ tạo sức lan tỏa, làm mẫu, giải quyết các vụ việc, trường hợp tương tự”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp của cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương để tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm mang lại kết quả và hiệu quả cao nhất. Đặc biệt phải tăng cường đối thoại với người dân, giải quyết thấu tình đạt lý từ cơ sở, cũng như giám sát các kết luật sau thanh tra phải được làm tới nơi tới chốn, đảm bảo chất lượng.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, tới đây, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản chỉ đạo cho Ủy ban MTTQ các cấp tham gia vào việc tiếp công dân ở địa phương, đồng thời đôn đốc hai địa phương chưa thực hiện khẩn trương trương triển khai các chương trình phối hợp này.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, trong thời gian tới, chương trình phối hợp giữa 5 cơ quan sẽ nhận được sự ủng hộ của các địa phương với tinh thần quyết liệt, quyết tâm, quyết thực hiện để việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đạt kết quả, hiệu quả cao nhất.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là giảm khiếu kiện vượt cấp, ổn định đời sống người của người dân, đảm bảo sản xuất kinh doanh để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã trao Bằng khen cho các đồng chí có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình phối hợp về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các bên tiếp tục tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo; chủ động tham gia phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở khi có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân thông qua các biện pháp hòa giải, tuyên truyền, giáo dục, giải thích chính sách, pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở để phòng ngừa, hạn chế phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; giám sát một số chuyên đề, lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Hương Diệp - Ảnh: Quang Vinh