|
Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (Hậu Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long |
Theo đại biểu Thái Thu Xương, trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời thực hiện đồng bộ và quyết tâm cao với nhiều giải pháp hiệu quả nhằm ổn định tình hình, phát triển đất nước. Kinh tế - xã hội có sự phát triển tích cực với nhiều dấu ấn nổi bật, an sinh xã hội bảo đảm. Đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, do biến động của tình hình kinh tế - chính trị của khu vực và thế giới phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả không ổn định, tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động. Đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo, lao động nhập cư tại các đô thị, khu công nghiệp lớn.
Trước thực tế trên, đại biểu Thái Thu Xương cho biết, cử tri còn nhiều phản ánh bức xúc, kiến nghị đối với các nhóm vấn đề liên quan đến tăng lương cơ bản, tình hình cán bộ công chức, viên chức bỏ việc, an sinh xã hội cho người lao động.
Về tình hình nhiều cán bộ công chức, viên chức bỏ việc, theo đại biểu Thái Thu Xương, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Đối với viên chức ngành giáo dục, phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến áp lực lớn. Nhưng sự quan tâm đối với hai lực lượng này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ tương xứng với công sức họ bỏ ra.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ tại buổi thảo luận tổ ngày 22.10 vừa qua, từ đầu năm 2020 đến nay đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chủ yếu là ở hai lực lượng y tế và giáo dục; lực lượng công chức là hơn 4.000 người; viên chức 35.525 người, trong đó có 12.198 viên chức ngành y tế, chiếm 30,81%, ngành giáo dục là 14.427 người, chiếm 41,35%.
Đối với lực lượng công nhân lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở, chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động. Vấn đề nhà trẻ mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông tại các khu cụm công nghiệp chưa phát triển nhiều, nhất là thiếu điểm giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều gia đình công nhân lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để thuận tiện trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con do mỗi địa phương chọn mỗi bộ sách giáo khoa khác nhau nên khi chuyển thì phải mua bộ sách khác và học sinh phải tìm hiểu, quen dần với bộ sách mới.
Thời gian gần đây, nhất là khi có thông tin lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng thì giá cả mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục trong khi tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay không tăng; lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số trượt giá và tốc độ tăng GDP. "Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo âu cho các đối tượng này", đại biểu Thái Thu Xương nêu rõ.
Từ ý chí, nguyện vọng của cử tri và cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Thái Thu Xương kiến nghị, trước hết phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiết hụt nhân lực của lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho Nhân dân.
"Cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, đề xuất tăng lương từ ngày 1.1.2023, vì theo phương án của Chính phủ là từ ngày 1.7.2023, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm. Đồng thời, kiềm chế lạm phát, kìm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn", đại biểu Thái Thu Xương đề nghị.
Đây cũng là đề nghị của ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), đó là Chính phủ cần tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch, vào ngày 1.1.2023 thay vì 1.7.2023.
Đại biểu Thái Thu Xương cũng đề nghị, Chính phủ đưa ra quyết định phù hợp; nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định 56 ngày 4.7.2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập. Trong đó, nâng mức lương phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% tăng lên tất cả đều hưởng mức 100%. Xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
"Bên cạnh đó, phải quyết tâm và thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách về công tác quy hoạch, đầu tư các thiết chế phục vụ người lao động và con em của họ tại các đô thị, khu công nghiệp tập trung như: nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời, nghiên cứu vấn đề chọn sách giáo khoa sao cho phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh khi phải chuyển trường do di cư theo cha mẹ trong quá trình mưu sinh", đại biểu Thái Thu Xương đề xuất.