Tin mới

Tết Tân Sửu sẽ bình an trong điều kiện bình thường mới

(Mặt trận) - Đây là ý kiến được nhóm chuyên gia đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2), sáng 3/2, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Thành phố Hồ Chí Minh: Họp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội. Ảnh VGP

Hải Dương đã khoanh vùng, kiểm soát tốt tình hình

Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Hải Dương khẳng định đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ.

Tính từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên, đến hôm nay là ngày thứ 8, Hải Dương đã ghi nhận tổng cộng 235 ca dương tính; kết quả cho thấy số ca dương tính giảm dần, giảm rõ rệt, (từ ngày đầu tiên ghi nhận 72 ca, ngày hôm qua chỉ còn 11 ca), trong khi đó số lượng xét nghiệm tăng lên hàng ngày (ngày 2/2 xét nghiệm 8000 mẫu). Tỉnh xác định, Công ty POYUN là ổ dịch chính chiếm hơn 150 ca.

Đáng chú ý là 2 ca ở Cẩm Giàng và Ninh Giang (ghi nhận ngày 2/2) chưa tìm thấy mối liên hệ. Hiện Hải Dương đang tập trung khẩn trương truy vết, tìm nguồn gốc 2 ca này.

Về công tác điều trị, dưới sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Hải Dương cũng đã thiết lập Bệnh viện dã chiến thứ 3 để tiến hành thu dung, điều trị người bệnh, sẵn sàng đối phó trong trường hợp bệnh lan rộng.

Hải Dương cũng đã lên phương án liên quan đến việc chăm lo Tết Nguyên đán cho người dân, công nhân trong khu vực đang bị phong toả…

Hải Dương cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh để tiếp tục nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, điều trị cho tỉnh.

Quảng Ninh không để bệnh nhân COVID-19 tử vong trên địa bàn

Báo cáo nhanh tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh  đã truy vết hơn 74.000 trường hợp; hiện Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm các trường hợp F1, hiện đã ghi nhận 42 ca dương tính.

Đến thời điểm hiện tại Quảng Ninh khẳng định đã kiểm soát được ổ dịch ở Sân bay Vân Đồn. Đáng chú ý, tối qua tại thành phố Hạ Long đã phát hiện 3 ca dương tính. Các trường hợp này tỉnh phát hiện qua thí điểm xét nghiệm sàng lọc;

Tỉnh cũng đầu tư thêm dàn máy để nâng cao năng lực xét nghiệm; nâng cao năng lực cách ly;… Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu tới ngày 28 Tết sẽ khoanh vùng được tất cả các ổ dịch; cố gắng không để có bệnh nhân chuyển biến nặng, không có bệnh nhân tử vong trên địa bàn.

Tỉnh Quảng Ninh đề xuất Trung ương hỗ trợ cho tỉnh về nghiệp vụ điều trị; đề xuất điều chỉnh quy định về chế độ phụ cấp cho người thực hiện nhiệm vụ chống dịch cho phù hợp (nâng mức phụ cấp, mở rộng đối tượng);…

Hà Nội nâng cao 1 mức phòng chống dịch

 

Tại cuộc họp, lãnh đạo Hà Nội cho biết, tính từ 28/1 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 21 ca dương tính mắc ngoài cộng đồng. Trong đó đáng lo ngại nhất ca công chứng viên mắc COVID-19 ghi nhận ngày hôm qua (đã xác định được 22 trường hợp F1 của bệnh nhân này). Trường hợp này có lịch trình di chuyển khá phức tạp, đến cả một số địa phương khác.

Hiện Hà Nội đang đẩy mạnh điều tra, xét nghiệm. Tổng số 653 trường hợp F1 đều đã được xét nghiệm, (trừ số 22F1 phát hiện mới ngày hôm qua), tất cả F1 đều được cách ly tập trung. Hà Nội cũng tiến hành giám sát chặt chẽ các trường hợp F2 cách ly tại nhà…

Hà Nội đang tiếp tục khẩn trương khoanh vùng, điều tra, truy vết các trường hợp mắc bệnh và những người có liên quan để lấy mẫu sớm nhất, đồng thời tiến hành công tác phong toả phù hợp để không ảnh hưởng rộng…

Hà Nội đã nâng cao 1 mức công tác phòng chống dịch; tạm dừng một số hoạt động không cần thiết (quán bar, vũ trường, quán game, internet…); điều chỉnh quy mô lễ hội; yêu cầu toàn bộ công an xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; tập trung lấy mẫu và xét nghiệm tất cả các trường hợp F1, F2.

Lây nhiễm chủ yếu do không đeo khẩu trang

Về đặc điểm tình hình đợt dịch này, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 cho biết, các trường hợp lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc gần (tiếp xúc trong gia đình, không gian kín); chu kỳ xoay vòng nhanh (3-4 ngày); tải lượng virus cao; (lây nhanh hơn, nồng độ virus mạnh hơn); đáng chú ý các trường hợp lây nhiễm đều không đeo khẩu trang;…

Nhìn chung công tác chống dịch tại các địa phương trên toàn quốc đã cơ bản bắt kịp tình hình dịch; tỷ lệ rủi ro dịch bệnh đã giảm xuống, trừ Bình Dương, Gia Lai (trước đây chúng ta mất 1 tuần mới bắt kịp tình hình dịch, bây giờ sau 3 ngày đã bắt kịp tình hình dịch).

Đến thời điểm hiện tại có thể yên tâm với tình hình các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội. Thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục tiến hành truy vết triệt để ngăn chặn dịch.

Phong toả nhiều lớp, thay đổi chiến lược

Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh hiện đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng; chú trọng phong toả nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.

Các tỉnh thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơp một mức so với đợt dịch trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15/CT-TTg phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao;

Xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại khu vực lây nhiễm cộng đồng; Tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính;

Khuyến cáo mạnh mẽ, yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu…

Các địa phương chủ động xây dựng phương án chống dịch; tổ chức diễn tập, tập huấn về công tác phòng chống dịch; sẵn sàng phương tiện, thuốc men, vật tư chống dịch, không để bị động, bất ngờ khi có ca bệnh trên địa bàn…

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng đến thời điểm này, các ổ dịch liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh chúng ta đã kiểm soát được, tất nhiên sẽ còn xuất hiện một số ca lẻ tẻ. Do đó, chúng ta cũng phải đề phòng, không quá lo lắng hay hoảng loạn, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nhập cảnh vẫn rất cao. Thực tế cho thấy đợt dịch này bùng phát là do nhập cảnh vào.

Tết Tân Sửu sẽ bình an trong bình thường mới với điều kiện ngành y tế và đội ngũ chống dịch cần luôn sẵn sàng – Đại diện nhóm chuyên gia đánh giá.

Về tình hình bệnh tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn… Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu.

Ngay lập tức Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai. Sáng nay (3/2) Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy vào hỗ trợ tỉnh. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y cho biết lực lượng quân đội đã tổ chức 2 địa điểm cách ly tập trung tại Gia Lai. Lực lượng quân y trên địa bàn thường xuyên phối hợp với lực lượng y tế địa phương trong phòng chống dịch; khi cần thiết Cục Quân y sẽ tăng cường chuyên gia vào hỗ trợ truy vết,…

Thống nhất tinh thần phải đặt an toàn của người dân là trên hết, đất nước thanh bình là trên hết, Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả những người đi qua vùng dịch và đi từ vùng dịch về phải khai báo y tế. Những đối tượng trốn khai báo y tế phải xử lý nghiêm. Trước hết, đề nghị các nhà mạng lớn (VNPT, Viettel, Mobifone) cắt thuê bao vĩnh viễn đối với các trường hợp cố tình trốn khai báo y tế (sau khi đã nhắn tin nhắc nhở).

Đồng thời, Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Chính phủ quy định bắt buộc khai báo y tế toàn dân.

Chạy đua với thời gian để người dân đón Tết an toàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Ảnh VGP  

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, trân trọng cảm ơn sự nỗ lực của tất cả các đội ngũ tham gia chống dịch, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc, công an, quân đội, nhân dân trong vùng dịch…

“Chúng ta đã chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút. Nhờ nỗ lực đó đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn và địa phương, ổ dịch ở Vân Đồn đã kiểm soát được, ổ dịch ở Chí Linh đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt. Ở Hà Nội đã làm rất tích cực, rất sớm bài bản, nên về cơ bản hơn 17.000 mẫu cần xét nghiệm của những người về từ vùng dịch TP. Chí Linh (Hải Dương), cơ bản hoàn thành, vì vậy đã cơ bản kiểm soát được nguồn từ ổ dịch Chí Linh”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta vẫn phải chạy đua với thời gian để bà con nhân dân cả nước ngoài vùng dịch, và kể cả trong vùng dịch, sớm yên tâm sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị đón Tết.

“Đón Tết của bà con nhân dân không chỉ là tình cảm, sự yên vui mà Tết còn là dịp để nhiều người có thêm những thu nhập bù lại khó khăn trong cả năm qua trong điều kiện bình thường mới. Muốn vậy chúng ta phải thần tốc hơn nữa, rút ngắn thời gian bắt kịp dịch”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác cách ly và đã cách ly là phải an toàn. Thực tế vừa qua, những ngày đầu trong các khu cách ly rất khổ, vất vả và tiềm ẩn không ít rủi ro. Lực lượng quân đội tiếp tục tăng cường, sẵn sàng cho các địa phương khác trong tổ chức cách ly tập trung. Bên cạnh đó, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội qua thực tiễn cách ly trong trường học, những địa điểm công cộng trong xã, thôn thì cần mạnh dạn nghiên cứu các mô hình cách ly tập trung quy mô nhỏ hơn.

“Vừa qua các đồng chí đã đề ra mô hình phong tỏa trong phong tỏa, thì trong cách ly tập trung cũng cần mạnh dạn làm thử ở một số điểm trên tinh thần gọn, nhỏ, an toàn”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Đối với những địa phương đang phong tỏa, Phó Thủ tướng lưu ý để lo cho người dân ở nơi đó, và bà con ở những nơi khác trong tương lai, thì cần hết sức chú ý mục đích của việc phong tỏa là kiểm soát được người đi ra ngoài, nhưng bên trong cũng phải kiểm soát nếu không rất nguy hiểm. Phong toả cố gắng ở quy mô nhỏ nhất có thể. Chúng ta đã có mô hình phong toả trong phong toả xã trong thành phố, cần tiếp tục rút kinh nghiệm làm nhỏ hơn nữa như phong tỏa thôn trong xã, cụm dân cư trong thôn, hay phong toả “có thời hạn linh hoạt” để điều tra dịch tễ…

Đối với công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát và sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, sinh phẩm để chi viện cho từng khu vực, cùng với đó cho xét nghiệm cộng đồng rộng ở một số nơi.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Và một trong những biện pháp sẵn sàng là phải khai báo y tế. Các doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông sẽ nhắn tin cho các thuê bao đi từ vùng dịch ra yêu cầu phải khai báo y tế. Trường hợp nào cố tình không khai báo y tế sau khi đã có khuyến cáo sẽ bị từ chối dịch vụ.

Nhấn mạnh giải pháp đeo khẩu trang là an toàn, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả các địa phương phải quyết liệt, xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng.

Các địa phương phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm tất cả các cơ sở y tế, trường học, nơi lưu trú, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, phương tiện giao thông công cộng, xe khách liên tỉnh…, đặc biệt những nơi bán hàng tết, chợ hoa Tết phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ và cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

“Chúng ta phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản