Tin mới

Tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm

(Mặt trận) - Sáng 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đồng chủ trì Hội nghị.

Tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm nêu rõ sau 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và gần đây đã bổ sung phòng chống tiêu cực, cải cách tư pháp, các cơ quan đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân và kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện các Quy chế phối hợp; từ đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan cho những năm tiếp theo.

Báo cáo sơ kết Quy chế phối hợp của bốn cơ quan do đồng chí Nguyễn Hòa Bình trình bày nêu rõ từ khi Quy chế phối hợp được ban hành, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày càng chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, thượng tôn pháp luật và đúng quy định của Đảng, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các cơ quan phối hợp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Qua việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đã chủ động, sáng tạo tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) nhiều chủ trương, quan điểm lớn, cơ chế, nguyên tắc chỉ đạo xử lý các vấn đề phức tạp, các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng như: "Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách"; "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai"; "Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"; "Xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại gây ra..."...

Bốn cơ quan đã tham mưu có hiệu quả với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm các vi phạm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Thực hiện đúng quan điểm của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư "có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật". Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý 123 vụ án, 925 bị can, 72 vụ việc; Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý 160 vụ án/1121 bị can, 124 vụ việc; đã truy tố 118 vụ/1056 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 112 vụ án/ 1008 bị cáo, xét xử phúc thẩm 77 vụ án/ 666 bị cáo.

Các cơ quan phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Từ năm 2015 đến nay, các cơ quan đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 06 Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo, các đồng chí Thủ trưởng ngành là thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp làm Trưởng các Đoàn kiểm tra, giám sát đồng thời cử lãnh đạo cơ quan và cán bộ có kinh nghiệm tham gia 35 Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo tại 86 đảng ủy, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và 702 đơn vị trực thuộc; đã kiến nghị 433 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị Ban Chỉ đạo giao cấp ủy, tổ chức đảng theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý 466 vụ án, vụ việc. Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...

Tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chúc mừng những kết quả đạt được trong thực hiện các Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian qua.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã rất trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Các cơ quan kịp thời phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có tính đột phá mạnh mẽ, quyết liệt, tạo bước tiến mới trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, không để oan sai, không để lọt tội phạm; xử lý kịp thời, đồng bộ vừa nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là "nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh, cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Bốn cơ quan đã phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại; những vấn đề liên quan đến an ninh tôn giáo, dân tộc; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, bắt giữ người trái pháp luật; các vụ việc tụ tập đông người, biểu tình, gây rối, nhằm âm mưu gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch... góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Các cơ quan đã chủ động phối hợp tham mưu cho Đảng sơ kết, tổng kết, xây dựng ban hành chỉ thị, nghị quyết, đề án quan trọng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực và cải cách tư pháp; xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Qua 7 năm thực hiện Quy chế, các cơ quan đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành gần 200 nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; phối hợp tham mưu xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách lớn về đảm bảo an ninh quốc gia; về xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp... tạo cơ sở chính trị - pháp lý siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, xử lý vi phạm và tội phạm; từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo, kiểm tra, giám sát những khâu yếu, lĩnh vực trọng tâm, nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ việc, vụ án ở địa phương...

Qua đó, góp phần thúc đẩy, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan thực hiện tốt hơn công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận quan tâm được chỉ đạo, xử lý dứt điểm; hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được nâng lên.

Các cơ quan phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả chương trình công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo, chất lượng tài liệu, nội dung các Phiên họp, Cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo. Các cơ quan chủ động phối hợp cung cấp thông tin, định hướng dư luận về kết quả điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, góp phần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, kịp thời đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, tạo sự đồng thuận cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh những kết quả này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý vẫn còn những hạn chế như báo cáo đã nêu, nhất là phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu, đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý... vẫn còn hạn chế. Có lúc, có việc, công tác phối hợp vẫn chưa thực sự nhịp nhàng, có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi”; có vụ, việc chậm được hướng dẫn, chỉ đạo xử lý hoặc hướng dẫn thiếu thống nhất, gây khó khăn, kéo dài trong xử lý một số vụ án, vụ việc ở địa phương. Bốn cơ quan cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong thời gian tới.

Xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp

Nhắc lại phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo quan trọng cho công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính nói chung và giữa bốn cơ quan nói riêng.

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Báo cáo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nêu lên một số vấn đề cụ thể. Đó là cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; các chủ trương, giải pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trước mắt cần tập trung phối hợp nghiên cứu, xây dựng Đề án về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án về mô hình cơ quan đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thẩm định, tham gia ý kiến các đề án, văn bản về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm cho pháp luật phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Các cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”; và “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Đồng chí nhấn mạnh, những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời. Một số vụ việc cần đẩy mạnh hơn, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, liên quan tới nhiều người, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt, đã có chỉ đạo, phải khẩn trương giải quyết. Dẫn chứng 3 vụ việc xử lý vừa qua có tác dụng xã hội tốt, xa hơn là vụ xử lý nhóm "báo sạch", gần đây là xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng và mới đây là vụ thao túng thị trường chứng khoán, đồng chí nêu rõ đây là ba vụ sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những xử lý đó là nghiêm minh, kịp thời. Các cơ quan phối hợp tham mưu có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu, chủ động phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04-HD/TW của Ban Bí thư. Quan tâm phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ.

Các cơ quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước ở các cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và thực hiện kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo. Trước mắt, các cơ quan cần phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính, tư pháp trong sạch, liêm chính, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; chủ động phối hợp, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách để hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia ý kiến trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy quản lý trong các cơ quan nội chính. Phối hợp tham mưu cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; đổi mới cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh tư pháp…, xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng thực sự liêm chính, bản lĩnh, công tâm, khách quan "phụng công thủ pháp"; phải là những "bao công" trong thời đại mới, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã nhấn mạnh: phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng đã đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về công tác phối hợp của bốn cơ quan trong thời gian tới, nhất là là phải nêu cao trách nhiệm, thực sự trong sáng, chân thành, thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ thông tin và hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo đã trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng”, Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho nhiều tập thể và cá nhân...

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản