Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết điều này trong cuộc họp trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí liên quan đến việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 chiều 20/8.
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết, đã gần 30 ngày Thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhằm tranh thủ “thời gian vàng” để bóc tách các F0 ra cộng đồng, từng bước khống chế dịch bệnh. Đến nay, Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó, nhờ xét nghiệm diện rộng, đã phát hiện được các vùng có nguy cơ cao.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thành quả quan trọng nhất là đã huy động được sự vào cuộc của nhân dân với những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn đứng trước nhiều nguy cơ do vẫn còn F0 trong cộng đồng, dịch bệnh tại các tỉnh phía nam còn nghiêm trọng, một số mục tiêu của việc giãn cách chưa đạt được và lượng người ra đường vẫn còn đông.
“Nếu chúng ta không chống dịch quyết liệt hơn nữa thì dịch sẽ càng dễ bùng phát”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh và cho biết, trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, Thường trực Thành ủy đã đồng ý với đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đến 6h ngày 6/9 và giao UBND Thành phố ban hành Công điện mới.
Mục tiêu của đợt giãn cách này là nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đẩy mạnh tiêm chủng, nâng cao năng lực y tế Thủ đô và hoàn thiện các nội dung, công việc đã bộc lộ những hạn chế trong thời gian giãn cách vừa qua.
|
Quang cảnh cuộc họp |
Bác bỏ thông tin sai lệch về 7 ngày “3 tại chỗ”
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để tiếp tục tận dụng hiệu quả thời gian giãn cách xã hội, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để "bóc tách" F0; tăng cường tiêm vắc xin; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế, lượng người ra đường vẫn còn đông. Việc này, lãnh đạo thành phố đã giao Công an thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thực hiện chiến lược vắc xin, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức tiêm ngay khi có vắc xin. Đến nay, ngoài các đối tượng ưu tiên, 48% công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được tiêm vắc xin. Trong đợt tiêm thứ 10 sắp tới, thành phố sẽ ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, những trường hợp thuộc diện tiêm phòng vắc xin mũi 2, người lao động tham gia chuỗi cung ứng, các dịch vụ, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, công nhân vệ sinh môi trường...
Chủ động các phương án phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn, đến nay, thành phố đã chuẩn bị xong phương án 10.000 giường bệnh điều trị F0, đang chuẩn bị phương án 20.000 giường, 40.000 giường điều trị F0. Đến nay, các khu cách ly tập trung ở ngoại thành cũng đã sẵn sàng với 30.000 chỗ cách ly F1. Thành phố cũng đã sẵn sàng đưa vào vận hành các khu cách ly đáp ứng 70.000 chỗ và 100.000 chỗ cách ly F1.
Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phòng, chống dịch. Trong đó, nâng cấp Trung tâm Cấp cứu 115, kết nối tất cả xe cấp cứu, tập huấn và chuẩn bị thêm 500 xe taxi phục vụ nhanh cho công tác cấp cứu, được quản lý bằng phần mềm. Hà Nội cũng đang thử nghiệm phần mềm quản lý F1 có liên thông với F0, bảo đảm chặt chẽ, khoa học.
Đề cập thông tin lan truyền trên mạng về việc thành phố thực hiện 7 ngày “3 tại chỗ” đối với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn không chính xác.
Ghi nhận 2.695 ca mắc
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc (1.262 ca ngoài cộng đồng, 1.179 ca ghi nhận trong khu cách ly, khu vực phong tỏa, 212 ca ghi nhận trong bệnh viện và 42 ca nhập cảnh).
Hiện TP đã bố trí, kích hoạt 10.600 giường điều trị F0. Trong đó, có 1.000 giường tại 7 bệnh viện đang điều trị bệnh nhân F0; 3.000 giường tại 12 bệnh viện khác của TP đã sẵn sàng chuyển trạng thái công năng điều trị bệnh nhân F0 mức độ vừa trở lên; 6.600 giường tại cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại 4 cơ sở (Đền Lừ III 2.000 giường; Đại học Phenikaa 600 giường; Khu Nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp A5 2.000 giường và Khu Thượng Thanh, Long Biên 2.000 giường). Tuần từ 16/8 - 22/8, TP tiếp tục kích hoạt thêm 4.000 giường điều trị. Tuần từ 23/8 - 05/9, TP tiếp tục kích hoạt thêm 5.000 giường điều trị.
Ngoài ra, tính đến 12 giờ ngày 20/8, TP có 464 điểm phong toả. Số điểm phong tỏa mới từ ngày 24/7/2021 đến 244 điểm. Tổng số xét nghiệm PCR-Realtime do Hà Nội và các bệnh viện thực hiện đợt dịch thứ tư: từ ngày 29/4 đến nay 594.505 mẫu. Hiện tại TP có 9 cơ sở xét nghiệm RT-PCR: 8 bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đáp ứng với công suất: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đáp ứng khoảng 7.300 mẫu đơn/ngày (tương đương 73.000 mẫu gộp 10/ngày); 8 bệnh viện, cơ sở xét nghiệm có thể đáp ứng từ 80.000-100.000 mẫu gộp/ngày.
Triển khai Kế hoạch số 184/KH-UBND triển khai xét nghiệm diện rộng để chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP với mục tiêu như sau: Đợt 1 đã lấy được 322.925 mẫu (đạt 107,6% kế hoạch), kết quả đã phát hiện được 29 ca mắc. Đợt 2 đã lấy được 421.108 mẫu (đạt 48,8% kế hoạch), kết quả đã phát hiện được 18 ca mắc.
Công tác tiêm chủng vaccine, tổng cộng 10 đợt phân bổ vaccine với 1.919.500 liều các loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt. Kết quả, tiêm 9 đợt được tổng cộng 1.768.981 mũi tiêm (1.671.987 mũi 1; 96.994 mũi 2) cho 1.671.987 người dân TP (bằng 27% số người dân trong độ tuổi tiêm chủng và bằng 20,1% dân số).
Bên cạnh đó, TP hiện có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập gồm (20 cơ sở do TP thành lập; 9 cơ sở trong doanh trại quân đội, công an quản lý và 106 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã) có khả năng tiếp nhận ngay cách ly 42.982 người và hiện đang cách ly 5.120 người.
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá cho người dân
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, về cung ứng hàng hóa, qua 2 đợt giãn cách Hà Nội luôn bảo đảm hàng hóa cho người dân trên toàn hệ thống phân phối, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định phục vụ người dân.
Quá trình triển khai cũng có vướng mắc khi chợ đầu mối, dân sinh, một số hệ thống cửa hàng tiện lợi dừng hoạt động, thời điểm cao nhất là 34 chợ, 65 cửa hàng tiện lợi đóng cửa ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuy nhiên, TP luôn chủ động nguồn cung để bảo đảm đời sống dân sinh, chủ động điều phối hàng hóa theo dự báo dịch bệnh để bảo đảm hàng hóa, điều phối xe đến địa bàn có tâm dịch, đưa hàng vào hệ thống chợ, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó ban hành văn bản quyết định trưng tập 5 địa điểm tại ngoại thành để giãn cách các chợ đầu mối.
Đối với doanh nghiệp có hệ thống phân phối, TP luôn chỉ đạo doanh nghiệp dự trự hàng hóa tăng 30% tại các kho hàng, dự trữ hàng hóa tại quầy kệ tăng 50% để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tại Hà Nội không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, việc cung cấp hàng hóa trên địa bàn được bình thường.
Đến thời điểm này đã cấp 2.200 xe ô tô, cấp mã trên 9.000 xe máy vận chuyển hàng hóa, cấp mã trên 14.000 shipper vận chuyển hàng. Ngoài ra, đã có 8.255 điểm bán bình ổn hàng hóa tăng 7 lần so với chương trình mọi năm. Sở đang tiếp tục phối hợp mở các điểm bán hàng của các quận, huyện, thị xã bán hàng lưu động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Để tiếp tục phục vụ đa dạng cung cấp thực phẩm, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp tại các quận, huyện thị xã triển khai bán hàng tại các nhà trọ đông dân cư, tránh người dân di chuyển nhiều; triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động.
Qua gần 28 ngày giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, Sở Công Thương luôn triển khai các giải pháp sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh trong điều kiện tiếp theo, dù trong tình huống nào vẫn bảo đảm hàng hóa, người dân hoàn toàn yên tâm không phải tích trữ thực phẩm.
Triển khai hỗ trợ trên 3.431 hộ nghèo
Tính từ ngày 1/1/2021 đến ngày 19/8/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã nhận được sự ủng hộ với tổng số tiền và hàng hoá là 505,8 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt 387,1 tỷ đồng, tiếp nhận hàng hoá trị giá 118,7 tỷ đồng, 70 tấn hàng hoá do tỉnh Hoà Bình ủng hộ. Đăng ký tiêm vaccine 2,6 triệu liều và đã tổ chức hỗ trợ cho các lực lượng phòng, chống dịch của các bệnh viện, các trung tâm y tế, các khu cách ly, các quận, huyện, thị xã, ở và người nghèo, người khuyết tật trên địa bàn TP, Nhân dân tỉnh Hải Dương.
Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo TP “Không để người dân nào bị thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm”, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Nghị quyết 68 của Chính phủ, trong những ngày vừa qua, để kịp thời hỗ trợ cho những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã triển khai hỗ trợ trên 3.431 hộ nghèo với mỗi hộ 1 suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 84.000 suất quà với trị giá trên 29 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức “Chợ 0 đồng” tặng 2.021 suất cho những người khó khăn do dịch bệnh trị giá 785 triệu đồng tại các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã bàn giao 20 máy thở, 9 xe cứu thương sang Sở Y tế Hà Nội để góp phần kiểm soát, khám chữa bệnh trên địa bàn, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân Thủ đô và cả nước.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP đến 12 giờ ngày 20/8/2021 như sau: Đến nay các Sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với kinh phí 207,61 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện được 186,87 tỷ đồng).
Các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 144.304 người có công, đối tượng BTXH và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 144,304 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện chi trả cho 66.305 người, hộ gia đình với số tiền 66,305 tỷ đồng).
Cụ thể, hỗ trợ hộ nghèo theo Quyết định của Ủy ban MTTQ, TP đã hỗ trợ cho 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 với 3.431 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3,431 tỷ đồng.
Hỗ trợ các đối tượng khó khăn qua công tác xã hội hoá của các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền các địa phương: Ủy ban MTTQ các cấp đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ khó khăn với số tiền 17,5 tỷ đồng (trong đó, tiền mặt là 10,1 tỷ đồng; hàng hoá phòng dịch và nhu yếu phẩm trị giá 7,4 tỷ đồng). Các cấp Công đoàn TP đã chăm lo, hỗ trợ cho 38.590 lượt người lao động khó khăn với tổng số tiền 37,73 tỷ đồng (trong đó, Liên đoàn Lao động TP hỗ trợ 21.090 lượt người lao động với số tiền 29,73 tỷ đồng; Công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ 17.500 lượt người lao động với số tiền 08 tỷ đồng).
Hỗ trợ quốc tế và các tỉnh TP khác, TP đã ủng hộ cho Cu Ba 2.000 tấn gạo, Lào (Viêng Chăn và các tỉnh Bắc Lào) trang thiết bị vật tư y tế. Hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam máy xét nghiệm, thiết bị y tế và nhu yếu phẩm.
Xử phạt 19.609 cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch
Đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thành lập 23 chốt kiểm soát y tế ra, vào TP: Kiểm soát 447.561 lượt phương tiện (yêu cầu 116.443 phương tiện quay đầu); 497.325 lượt người (trong đó, 352 người có Quyết định kết thúc cách ly tại địa phương khác, phát hiện 16 người nghi nhiễm COVID-19, đưa 17 người đi cách ly, thông báo cho chính quyền địa phương về 64 trường hợp để theo dõi).
Xử phạt 19.609 cá nhân (không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp cách ly, ra khỏi nhà khi không có lý do cấp thiết...) với tổng số tiền phạt hơn 24 tỷ đồng; đang tiếp tục xác minh 8 trường hợp khác có hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch bệnh trên không gian mạng; 110 cơ sở kinh doanh hoạt động không thiết yếu với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.
Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trong thực hiện đợt giãn cách thứ hai, người dân ra đường còn rất đông, Công an thành phố đã thành lập 6 tổ công tác hoạt động như mô hình tổ 141. Trong 3 ngày kiểm tra 33.700 lượt phương tiện, xử lý hành chính 265 lượt vi phạm. Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tăng cường hoạt động của các tổ công tác, kết hợp với các tổ tuần tra, kiểm soát của công an các địa phương kiểm soát chặt người ra đường, bảo đảm hiệu quả giãn cách xã hội.
Khai giảng trực tuyến vào 5/9
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, do nhiều năm nay Hà Nội tổ chức tuyển sinh trực tuyến lớp 1, lớp 6 nên trong tình hình dịch bệnh phức tạp, tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đạt tỷ lệ cao. Đến thời điểm hiện tại đã đạt 87,4% lớp 1; lớp 6 trên 86%. Ông Phạm Văn Đại cho biết chưa bao giờ tuyển sinh trực tuyến đạt tỷ lệ cao như hiện nay.
Về khai giảng năm học 2021 - 2022, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đúng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Hà Nội sẽ tổ chức lễ khai giảng vào 7 giờ 30 ngày 5/9 (Chủ Nhật) bằng hình thức trực tuyến, lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đến toàn thể học sinh và Nhân dân Thủ đô.