Tin mới

Thủ tướng đề nghị Hà Nội thi đua tăng trưởng cao hơn cả nước

(Mặt trận) - Sáng nay, 3/10, dự Đại hội Thi đua yêu nước TP. Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025, Thủ tướng nêu rõ, Hà Nội tiếp tục là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước. Những tháng cuối năm này, thành phố phát động phong trào thi đua để đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 đến 1,4 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tại Đại hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Cùng dự Đại hội có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hơn 600 đại biểu là các cá nhân, tập thể tiên tiến.

Trình bày tham luận tại Đại hội, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô kể lại câu chuyện cách đây 51 năm, sau khi tốt nghiệp phổ thông tại Hải Phòng, ông được lên Hà Nội, vào học khoa Sử, Đại học Tổng hợp. Bài học đầu tiên là nhập môn khảo cổ học của thầy Trần Quốc Vượng, “cuối buổi, thầy nhắc học trò: bây giờ, ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội”, GS Ngọc bày tỏ. Ông yêu môn Sử và gắn bó với Hà Nội ngay từ bài học đầu tiên ấy.

Sau thời gian gắn bó với mảnh đất văn hiến Thăng Long - Hà Nội, ông đã bắt đầu tham gia tổ chức các đề tài, thực hiện các công trình nghiên cứu có tính liên ngành và tổng kết một số lĩnh vực về Hà Nội. Ông có nhiều đóng góp cho Thủ đô, là chủ biên, tác giả nhiều tập sách trong dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được đánh giá cao. Ông cũng đang chủ biên cuốn sách Định đô Thăng Long - Tầm nhìn thiên niên kỷ, là ấn phẩm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

“Là người được vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý của Hà Nội - “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020, tôi càng thấy mình phải cố gắng hơn nữa, và tôi tin chắc rằng, Thăng Long - Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng vô tận để mỗi công dân của Hà Nội cũng như những người đã đến với Hà Nội cống hiến, để cùng thành phố phát huy truyền thống Thủ đô văn hiến, Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo…”, GS. Nguyễn Quang Ngọc bày tỏ.

Chia sẻ với Đại hội về kết quả công tác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hằng năm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức khám, điều trị sản phụ khoa cho gần 1 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú; đón nhận khoảng 40.000 ca sinh; trên 40.000 ca phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa, trong đó nhiều ca bệnh khó, nhiều trẻ sơ sinh non tháng và quá non (26 tuần tuổi) được chăm sóc và nuôi dưỡng thành công tại bệnh viện. Bệnh viện là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác khám, chữa bệnh…

“Để đạt được kết quả nêu trên, trong quá trình quản lý, điều hành bệnh viện, Ban Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xác định, thi đua là hoạt động tốt nhất để xây dựng con người mới và tạo động lực phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh khẳng định.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của thành phố luôn đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức, phong trào hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp. 5 năm qua đã có hơn 5.000 cá nhân người tốt - việc tốt tiêu biểu được thành phố biểu dương, khen thưởng. Phong trào thi đua yêu nước lĩnh vực kinh tế được thành phố triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, nêu rõ, Hà Nội nghìn năm văn hiến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm và tình cảm sâu sắc cho Thủ đô Hà Nội.

Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội, “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cũng dành những tình cảm mến yêu, tự hào và luôn hướng về Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, “một thời đạn bom, một thời hòa bình”; nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nơi có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thiêng liêng, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi Việt Nam.

“Nhìn lại giai đoạn 2015-2020, Thủ đô Hà Nội của chúng ta tiếp tục phát huy tốt vai trò trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tặng Lực lượng thanh niên xung phong TP. Hà Nội. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Thành phố đã thường xuyên phát động tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, nhiều phong trào mang sắc thái riêng của Thủ  đô, có sức lan tỏa mạnh mẽ, như phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; phong trào thi đua xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; phong trào thi đua hành động "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015, 2016”, "Năm kỷ cương hành chính - 2017”...  Đặc biệt, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương hoan nghênh Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên đã phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Cơ bản thống nhất phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp về công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025 của Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung. Đó là tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

Thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào công tác thi đua khen thưởng được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy đầy đủ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, được Nhân dân, mọi tổ chức xã hội tham gia tích cực, thường xuyên liên tục, tự giác thì mới tạo ra được động lực thực sự và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Phát huy truyền thống là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, Thủ đô Hà Nội tiếp tục là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Không ngừng vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, làm cho phong trào thi đua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, là trách nhiệm, tình cảm của mỗi sở, ngành, địa phương và của mỗi công dân Thủ đô. Chú trọng gắn các phong trào thi đua với việc bồi dưỡng xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, phát triển toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo của thế giới.

Đặc biệt, cần có những cuộc vận động phong trào thi đua xây dựng văn hóa và người Hà Nội văn minh, thanh lịch nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của lịch sử 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, phát triển toàn diện, hình thành hệ văn hóa mới, phù hợp với xu thế thời đại để trở thành một động lực quan trọng phát triển Thủ đô, tạo dấu ấn văn hóa người Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Hà Nội trong tất cả mỗi người.

Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị. Khen thưởng phải khen trúng, khen đúng, khen kịp thời và bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ.

Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được động lực tích cực lan toả trong toàn xã hội, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích. Chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất, người lao động, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, học tập và công tác.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trao danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Hà Nội tiếp tục phát động phong trào thi đua những tháng cuối năm để có thể đóng góp tăng trưởng gấp 1,13 đến 1,4 lần của cả nước, đi liền với đó là hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước như dự toán Trung ương đã giao. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng Thủ tướng tin tưởng, với bản lĩnh, ý chí của Hà Nội, nhất định thành phố sẽ đóng góp cùng cả nước trong lúc đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn thế giới.

Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tặng Lực lượng thanh niên xung phong TP. Hà Nội. Các tập thể, cá nhân của TP. Hà Nội đã đón nhận các danh hiệu, phần thưởng: Huân chương Lao động, danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2020, danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, bằng khen vì có thành tích trong phòng chống COVID-19.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản