Tin mới

Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu, lưu ý 5 vấn đề với ngành công thương

(Mặt trận) - Ngày 27/12, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành công thương, Thủ tướng nhấn mạnh, phải xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP, lưu ý không được để mất thị trường bán lẻ…

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của ngành công thương, ngành đóng góp đến 80% GDP cả nước, “trong bối cảnh toàn cầu tụt dốc, thậm chí có nước lớn cũng không thể tăng trưởng cao, thì thành quả toàn diện của năm 2019 chúng ta nhìn nhận khách quan là có sự đóng góp trực tiếp, to lớn của toàn ngành công thương”. GDP năm 2019 tăng trưởng trên 7%.

Kết quả này có sự đóng góp “không bàn cãi” của ngành công thương, của các doanh nghiệp trong ngành công thương. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế vẫn là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trên 10,5% và thương mại, thể hiện ở sức cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, tăng 11,9%, đều vượt kế hoạch.

Tổng quy mô ngoại thương của nền kinh tế đã lên đến 516 tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có, trong đó, riêng xuất khẩu đạt hơn một nửa, là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới với 264 tỷ USD, đặc biệt cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục xấp xỉ 10 tỷ USD, một con số mà hàng chục năm trước đây chúng ta không thể hình dung nổi. Điều ấn tượng nữa là chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc, lên 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó nhiều trụ cột có đóng góp làm tăng thứ hạng Việt Nam liên quan đến ngành công thương.

Cho rằng Bộ Công Thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại rất quan trọng và rất phức tạp, Thủ tướng nêu ra 5 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.

Thể chế chính sách, nhất là quy hoạch phát triển, thể hiện một thể chế tiên tiến, làm đà cất cánh cho Việt Nam nói chung, nhất là những ngành công nghiệp mũi nhọn là một yêu cầu cấp bách cho ngành công thương.

Để làm những việc này, ngành công thương cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương để tạo nên một bước phát triển đúng hướng.

 Thứ hai, phải nâng cao năng suất nội ngành của ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp chế biến dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và cạnh tranh. Phải thực sự coi cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho khát vọng phồn vinh của dân tộc.

Thủ tướng thực hiện nghi thức khai trương thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu D điện tử - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ ba, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển của ngành công thương, tiếp tục tạo ra sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phải thảo luận chuyên đề để đón bắt thời cơ các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam, cơ chế nào để tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam.

Thứ tư, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, để tăng năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu nội địa lớn, do đó, Bộ Công Thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ.

Thứ năm, phải tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu.

Nêu các định hướng cho ngành công thương trong năm 2020, năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, “mọi mặt phải tốt hơn năm 2019”, tiếp tục phương châm “hành động, bứt phá, hiệu quả” để về đích vượt so với kế hoạch 5 năm 2016-2020. Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 mục tiêu quan trọng năm 2020 đối với ngành công thương: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; phải xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP; tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12%.

Với mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương bám sát sản xuất và thị trường, kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất và tiêu dùng, xuất nhập khẩu.

 Triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chú trọng các thị trường tiềm năng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư. Tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài. Phải bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, không để mất điện là mệnh lệnh. Trước ý kiến góp ý cần tiếp tục phát triển điện than để đáp ứng nhu cầu điện, Thủ tướng cho rằng không nên mà phải theo hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Cần xem xét kỹ, rất hạn chế việc phát triển mới các dự án điện than và cần kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ môi trường - một nhiệm vụ đối với Bộ Công Thương chứ không chỉ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phải tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành.

Bộ Công Thương phải đi đầu giải quyết vấn đề quy hoạch, không vì quy hoạch mà gây ách tắc cho phát triển. Có chủ trương, biện pháp cụ thể để giải phóng các nguồn lực đang trì trệ.

“Các đồng chí phải lo Tết cho người dân đủ hàng hóa ở mọi vùng, không được để tình trạng đẩy giá lên, đừng để cái gọi là lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý xảy ra”, Thủ tướng nói. Cần xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Tại Hội nghị, Thủ tướng thực hiện nghi thức khai trương thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu D điện tử.

Theo VGP

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản