Tin mới

Thủ tướng: Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển

(Mặt trận) - Sáng 29/5, tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Đây là lần thứ 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức. 

Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có khoảng 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, 29 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng. 

Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước. 

Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả vượt bậc với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ. Đóng góp vào sự tăng trưởng đó, có công lao rất lớn của những người nông dân trên cả nước và của những nông dân tiêu biểu trực tiếp tham dự đối thoại lần này.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, hướng tới hội nghị này, đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà khoa học được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Các nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề như: nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19; vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương; thúc đầy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp; vốn, tín dụng; môi trường ở nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; vấn đề di cư lao động và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long; cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc; phát triển và giữ rừng; ứng dụng khoa học, công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Đối thoại dân chủ, thẳng thắn, chân thành, tin cậy và trách nhiệm

Thủ tướng lắng nghe câu hỏi của đại biểu nông dân nêu tại đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời 14 câu hỏi, nhóm câu hỏi của nông dân tại Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lào Cai và của đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.

Các đối thoại tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất; ổn định giá vật tư nông nghiệp; đảm bảo đầu ra cho nông sản; hỗ trợ vốn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất; xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam; chính sách hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19; chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp; đào tạo nghề cho, việc làm cho nông dân ly nông không ly hương; quy hoạch phát triển các cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã; bảo hiểm nông nghiệp; ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn; giải pháp phát triển đô thị ngay tại nông thôn; phát triển hệ thống giao thông miền núi phía Bắc, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long...

Thủ tướng cũng xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trăn trở của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Phát biểu kết luận sau đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp, đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngoài câu hỏi tại các Hội nghị đối thoại thường niên Thủ tướng Chính phủ với nông dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với nông dân vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ tướng để phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông thôn, nông nghiệp, nông dân kịp thời, phù hợp với địa phương.

Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng góp quan trọng cho đất nước

Thủ tướng yêu cầu chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, trong đó nổi bật là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chính phủ luôn chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó ưu tiên hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách; triển khai nhiều đề án, dự án, chiến lược lớn, quan trọng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận tại các Hội nghị đối thoại các năm 2018, 2019, 2020, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.

Trong những năm qua, nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn chuyển hướng tích cực; xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp đồng bộ, hiện đại hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nông dân có bước vươn mình trưởng thành, mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, có nhiều điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi.

Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng góp quan trọng cho đất nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn. “Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và của nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn; khẳng định được vai trò và vị trí, tầm quan trọng, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh nêu những thành tựu nổi bật, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; đồng thời gợi mở những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển

Theo Thủ tướng, trong giai đoạn tới, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trong khi có nhiều thách thức như: Sự gia tăng rào cản kỹ thuật, bảo hộ ngành nông sản, các chuẩn mực cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; nhu cầu tiêu dùng chuyển mạnh sang các sản phẩm chất lượng cao, sạch, hữu cơ, an toàn sức khỏe, thân thiện môi trường, gắn với trách nhiệm xã hội; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, địa bàn nông thôn.

Do đó, Thủ tướng đề nghị quán triệt quan điểm: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch đẹp.

Tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Thủ tướng cũng cho rằng phải xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn; tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn, tín dụng ưu đãi.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nhất là Hội nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hàng ngày với người dân, lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.

"Phải nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản