Tin mới

Thủ tướng: Phải coi doanh nghiệp là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương

(Mặt trận) - Sáng 3/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết tại tỉnh Phú Thọ

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và ngành Công Thương.

Duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp

Năm 2022, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dị biệt. Trong khi đó, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong nhiều năm qua… Trong đó, ngành Công Thương đã đóng góp nhiều kết quả tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân được cung ứng đầy đủ. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng 8,1%.

Xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.

Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, góp phần phát triển chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, đưa nước ta vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Bước vào năm 2023, ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, ngành Công Thương đã có chương trình hành động, triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trước mắt, ngành Công Thương tập trung triển khai thực hiện tốt 3 nhóm nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; xây dựng kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành hiệu quả; theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp… nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, đa dạng hóa thị trường, duy trì tốt các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu tập trung phân tích tình hình; xác định những thuận lợi, khó khăn, thách thức; thảo luận sâu sắc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất trong nước; nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển bền vững thị trường trong nước; hoạt động xúc tiến thương mại; việc đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thúc đẩy xuất khẩu...

Đồng thời tổ chức xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch; xử lý các dự án đầu tư yếu kém; đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu; sự phối hợp giữa ngành Công Thương với các ngành tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, xuất khẩu...

Ngành Công Thương đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; sớm xây dựng, phê duyệt các Quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch ngành; chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng và mới phát sinh; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan ngành Công Thương...

Phải coi doanh nghiệp là trọng tâm

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1/2023, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

Điểm lại những kết quả của nổi bật của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế cần tập trung khắc phục như: Sản xuất và xuất khẩu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); sức mua trong nước hồi phục chậm; buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn; bảo đảm an ninh năng lượng có nhiều thách thức...

“Chúng ta đã chỉ ra được những khó khăn, hạn chế, phân tích nguyên nhân thì phải có giải pháp để khắc phục”, Thủ tướng chỉ rõ.

Về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, ngoài những công việc thường xuyên phải giải quyết với yêu cầu đòi hỏi cao hơn, còn phải xử lý những vấn đề tồn đọng, những vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra.

Do đó, ngành Công Thương phải biến nguy thành cơ; càng chịu áp lực thì lại càng nỗ lực; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trong quá trình đó phải bám sát, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành “đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả".

“Ngành Công Thương phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa sản phẩm; đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo ngành Công Thương phải đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, xây dựng thể chế; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện 4 quy hoạch được giao gồm quy hoạch điện, năng lượng, khoáng sản và hạ tầng dầu khí.

Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

“Các đồng chí phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam; chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; đồng thời theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Ngành Công Thương phải tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... Đặc biệt, xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng, không để gây bất ổn thị trường, giá cả.

“Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Công Thương có giải pháp cụ thể để huy động và phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa với các hình thức đầu tư phù hợp cho mục tiêu phát triển; tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, hạ tầng năng lượng, thương mại điện tử. Xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Thủ tướng lưu ý, ngành Công Thương xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, uy tín phục vụ phát triển ngành; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, xuất khẩu...

Đối với các kiến nghị của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý xem xét, cho rằng đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra, cần giải quyết. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có văn bản cụ thể gửi các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trên tinh thần vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì mục tiêu phát triển ngành Công Thương và mục tiêu chung của đất nước.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành phối hợp với Bộ Công Thương để thúc đẩy giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản