Tin mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

(Mặt trận) - Trong chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 - 45 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), chiều 8/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và có phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS).

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm QĐND Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

ASEAN BIS là diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được ASEAN BAC tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, với những diễn giả là những lãnh đạo cấp cao, Thủ tướng, Tổng thống của các nước trong khu vực ASEAN và các nước đối tác, các Bộ trưởng phụ trách kinh tế, lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn lớn và uy tín trong khu vực. 

Với chủ đề “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi kinh tế”, ASEAN BIS 2024 được tổ chức từ 8 - 11/10 tại Viêng Chăn thu hút sự quan tâm và tham dự của trên 800 lãnh đạo doanh nghiệp lớn của ASEAN và thế giới. Tham dự Hội nghị trong các phiên khác nhau có Thủ tướng Chính phủ Lào, Tổng thống Philippines, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Canada, Phó Tổng thống Indonesia; lãnh đạo các nước ASEAN, các nước đối tác của ASEAN và đông đảo doanh nghiệp ASEAN và các đối tác quốc tế.

Hội nghị đề cập và thảo luận về các vấn đề toàn cầu quan trọng và tìm ra những hướng chiến lược, cũng như giải pháp để vượt qua những thách thức mà các doanh nghiệp trong khu vực đang phải đối mặt, trong đó tập trung thảo luận trong 6 lĩnh vực ưu tiên, gồm: chuyển đổi số, phát triển bền vững, phục hồi ngành y tế, an ninh lương thực, thuận lợi hóa thương mại – đầu tư, hội nhập kết nối và chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại Hội nghị, cảm ơn sự đón tiếp thân tình, nồng hậu, trọng thị, chu đáo của các bạn Lào - Chủ tịch ASEAN 2024, nhất là Thủ tướng Sonexay Siphandone dành cho các đoàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định là tổ chức thống nhất trong đa dạng, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với tinh thần “tự lực, tự chủ, tự cường” ASEAN vẫn đứng vững và tâm điểm của tăng trưởng. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN.

Ghi nhận, cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đóng góp để các nước ASEAN tiếp tục phát huy đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường và là tâm điểm của tăng trưởng, ủng hộ các chính phủ thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện “5 tiên phong”, gồm: Thứ nhất, tiên phong đóng góp cho một ASEAN tự cường, tham gia xử lý các vấn đề mới nổi, các vấn đề toàn cầu, toàn dân. Vì “Một ASEAN tự cường không thể thiếu một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tự cường”, do đó, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…

Thứ hai, tiên phong thúc đẩy kết nối nền kinh tế (gồm kết nối mềm như xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực ưu tiên và kết nối cứng về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối năng lượng…); lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển.

Thứ ba, tiên phong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh và phát triển các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đồng thời khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực từ mặt trái của phát triển khoa học công nghệ, nhất là chú trọng vấn đề an ninh mạng. 

Thứ tư, tiên phong trong xây dựng hạ tầng chiến lược tại từng quốc gia và kết nối giữa các quốc gia, cụ thể là trong xây dựng chính sách, nâng cao năng lực quản trị, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng…

Thứ năm, tiên phong trong hội nhập nội khối ASEAN và với thế giới, trong bối cảnh không quốc gia nào có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu, toàn dân, nên phải đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, mang lại lợi ích cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

Chia sẻ về những yếu tố nền tảng phát triển và những thành tựu quan trọng của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. 

Chia sẻ với các đại biểu về 6 nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong đối ngoại và hội nhập, phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. 

Với mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 nước, vùng lãnh thổ. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 34 trong số các nền kinh tế lớn và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD. 

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3%, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu 20,8 tỷ USD. Thu hút FDI đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất trong 5 năm qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cùng với việc thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và với các đối tác, Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. 

Việt Nam đang dành ưu tiên cao cho việc cải thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, sản xuất chip bán dẫn, và chuyển đổi số toàn diện. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Cảm ơn doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN đã đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy hết khả năng, sự sáng tạo của mình và đồng thời phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo với phương châm “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”, giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng  Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên thần “4 cùng”: “Cùng lắng nghe và thấu hiểu”, “cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển”, “cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào”; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản