Tin mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, tạo khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới

(Mặt trận) - Kết luận phiên họp Chính phủ tháng đầu tiên của năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong tháng 2, quý II và năm 2024, đặc biệt là nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nội dung trong bài viết rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo khí thế mới, động lực mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tiếp tục giành những thắng lợi mới.

Thủ tướng kiểm tra, động viên công tác khắc phục hậu quả bão tại Hải Phòng

Thủ tướng đi thị sát, động viên người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 tại Quảng Ninh

Thủ tướng chỉ đạo 5 mục tiêu và các giải pháp cấp bách sau bão số 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 1/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Sáng 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 1 - tháng đầu tiên của năm 2024. Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia  và những trọng tâm chỉ đạo thời gian tới; góp ý vào dự thảo Nghị quyết phiên họp, nhất là về nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

Tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, dứt khoát, rõ ràng

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, với tinh thần không để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, dứt khoát, rõ ràng, việc nào dứt việc đó.

Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, xác định chủ đề điều hành của năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 168 nhiệm vụ cụ thể thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết 02 về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ tổ chức Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 5 dự án luật, đề nghị xây dựng luật; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện, trình, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5. Chính phủ, Thủ tướng ban hành 7 văn bản quy phạm (6 nghị định và 1 quyết định quy phạm của Thủ tướng). Chính phủ cũng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông, đường dây 500 kV mạch 3; chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn...; chỉ đạo trình, hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch các tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và phê duyệt một số chiến lược, chương trình quan trọng.

Nhiều bộ, ngành, cơ quan tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024; trong đó tập trung quán triển quan điểm chỉ đạo, điều hành, phương châm hành động và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thời gian tới.

Quang cảnh phiên họp 

PMI quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm

Các báo cáo, ý kiến cũng thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhập trên các lĩnh vực.

Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,37% so với cùng kỳ (chủ yếu do tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế và bán lẻ điện theo kế hoạch).

Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm; ngay từ đầu năm, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện.

Thu ngân sách Nhà nước đạt 231.000 tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán, giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 42% (khu vực trong nước tăng 62,6%, cao hơn nhiều khu vực FDI - tăng 35,6%), nhập khẩu tăng 33,3%, xuất siêu 2,92 tỷ USD.

An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo tháng 1 đạt 500.000 tấn, kim ngạch 347 triệu USD, tăng lần lượt 39,4% và 86,1% so với cùng kỳ); cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Mức tăng là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,3% so với cùng kỳ (đây là mức tăng khá cao, thể hiện xu hướng tích cực, trong đó một phần là do năm nay nghỉ Tết rơi trọn vào tháng 2, trong khi năm 2023 nghỉ Tết vào tháng 1), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; bảo đảm nhu cầu tăng vào dịp Tết. Thương mại, dịch vụ khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 8,1%. Đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 73,6% so với cùng kỳ.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 1 ước đạt 2,58% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ (1,81%). Vốn FDI đăng ký đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2%. Vốn FDI thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động. Công tác quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay có 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt. Kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng hơn. Tập trung triển khai công tác đảm bảo người dân được đón Tết Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo đúng Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ. Xuất cấp 3.700 tấn gạo để hỗ trợ dịp giáp hạt và học sinh vùng khó khăn, con số này không đáng kể so với các năm trước, cho thấy đời sống người dân được cải thiện và các địa phương cũng chủ động hơn trong chăm lo đời sống người dân.

Các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân được chuẩn bị kỹ, đảm bảo đúng thuần phong, mỹ tục, nét đẹp truyền thống. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng 1/2024 không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 92,4%.

Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra ngày từ đầu năm; tích cực cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên; tạo thuận lợi, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại; góp phần tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. EuroCham đánh giá Việt Nam là "ngôi sao đang lên" về đầu tư trên toàn cầu và "nêu bật vị trí chiến lược" của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam được Nikkei đánh giá là "thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài"…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 1/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn, chủ động, linh hoạt hơn

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất, đánh giá cao các bộ, ngành đã chuẩn bị kỹ các tài liệu, báo cáo và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, sát thực tiễn của các thành viên Chính phủ, đại biểu dự họp; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu ý kiến, sớm hoàn thiện Nghị quyết phiên họp trình ban hành.

Theo Thủ tướng, công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng có kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn, chủ động, linh hoạt hơn trong phản ứng chính sách. Điểm lại một số nét nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành tháng 1, Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với nâng cao năn lực thực thi, phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; bám sát, nắm chắc tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn thời gian tới.

Tháng 1 vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng (các kỳ họp bất thường Trung ương, Quốc hội) trong đó Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 2 luật, 2 nghị quyết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với yêu cầu tuyệt đối không được say sưa, chủ quan với thắng lợi, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình.

Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lạm phát, tỷ giá, nợ xấu tiềm ẩn rủi ro. Nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ còn gặp khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới. Khu vực nông nghiệp đối mặt với El Nino trong nửa đầu năm, thiên tai, bão lũ trong nửa cuối năm.

Căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển đi Hoa Kỳ và EU, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam; tiêu dùng toàn cầu chưa có sự phục hồi rõ nét. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu.

Thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoan diễn biến khó lường. Tình hình an ninh, trật tự, tội phạm trên một số địa bàn phức tạp…

Cơ bản đồng tình với các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng lưu ý một số điểm như về khách quan, tình hình thế giới tiếp tục khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế - chỉ một biến động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn đến bên trong.

Về nguyên nhân chủ quan, sự tự lực, tự cường của một số cơ quan, đơn vị chưa cao; năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới…

Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả. Thứ hai, phải tăng cường đoàn kết, nhất trí trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, đoàn kết trong cả hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân để huy động mọi nguồn lực phát triển. Thứ ba, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống chính trị, tạo ra sức mạnh chung của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo, điều hành. Theo đó, phát huy những thành quả đạt được, kinh nghiệm đã tích lũy, bản lĩnh hơn, giữ vững nguyên tắc, kiên trì, kiên định nhưng chủ động, sáng tạo, đổi mới, nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thế giới, có giải pháp, bước đi, lộ trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, không giật cục, phanh gấp. Phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm; nâng cao hiệu quả phối hợp, nhất là trong giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng; chủ động báo cáo và đề xuất giải pháp những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tháng 2, quý I và năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trước mắt trong tháng là phải tập trung tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn đầm ấm, vui tươi, nghĩa tình, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai không có Tết.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai các nghị quyết, kết luận chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ. Tập trung chuẩn bị các đề án theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra. Xây dựng kế hoạch, chương trình, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường thứ 5.

Tiếp tục phát huy hiệu quả của 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ và 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, trực tiếp làm việc, nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương ngay từ đầu năm.

Thứ ba, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (Trung Đông châu Phi, Mỹ La tinh, thị trường thực phẩm Halal). Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước (tập trung đầu tư cho phát triển dự án lớn, tiền lương, an sinh xã hội); kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia.

Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng. Tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công tư); quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...

Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng. Kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của đối tác. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...; khai thác thị trường Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.

Về tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước... Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, hoàn thiện quy hoạch, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tranh thủ các cơ hội mới, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen. Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Thứ năm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024. Đổi mới cách làm, triển khai quyết liệt hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia; phát động và triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển.

Thứ sáu, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư đã ban hành. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung triển khai thực hiện Đề án 06 theo tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ bảy, phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ). Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu (nhất là khi năm 2024 được dự báo là năm hạn hán, thiếu nước nặng nề do El Nino).

Thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các mặt hàng nông sản chất lượng, giá trị gia tăng cao; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; triển khai tốt chương trình 1 triệu ha lúa chất lương cao, phát thải thấp; quyết liệt tháo gỡ ách tắc, khắc phục "thẻ vàng" (IUU) của ngành thủy sản.

Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…); Bộ GTVT triển khai ngay quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; có giải pháp cụ thể để tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm.

Thứ tám, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân. Có giải pháp hỗ trợ kịp thời, ổn định đời sống người lao động; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề bền vững. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa. Chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, ổn định đời sống.

Thứ chín, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn cả nước. Tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm ma túy… Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hóa các thoả thuận, cam kết trên cơ sở kết quả các chuyến thăm, làm việc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thứ mười, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách; nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ cơ sở; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nội dung trong bài viết rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), tạo khí thế mới, động lực mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tiếp tục giành những thắng lợi mới.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản