Tin mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tất cả phải vào cuộc để vượt qua thách thức

(Mặt trận) - Ngày 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì.

Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam; lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Trước khi diễn ra phiên toàn thể của Diễn đàn đã có 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức, với các chủ đề: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì diễn đàn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Ở phiên Toàn thể, sau phát biểu khai mạc của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và báo cáo Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023 do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý quốc tế đóng góp nhiều ý kiến về giải pháp giúp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức.

Trong đó, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đã gợi mở những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế Châu Á 2023. Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu trực tuyến, với chủ đề Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Chủ tịch Quỹ VinaCapital góp ý kiến về ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023. Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế trưởng Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc - UNDP tại Việt Nam đề xuất việc tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.

 

Trong khuôn khổ phiên Toàn thể đã diễn ra Tọa đàm bàn tròn cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023 - Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”. Tại đây, các đại biểu, diễn giả đã thảo luận, làm rõ các kết quả tiêu biểu và bài học rút ra từ thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022; dự báo, phân tích tình hình, nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023; dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023; đề xuất, khuyến nghị các cơ chế, chính sách nhằm nắm bắt và cụ thể hóa cơ hội, vượt qua các khó khăn và thách thức để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Các đại biểu thảo luận sâu về các vấn đề được coi là mấu chốt để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đó là phải xử lý dứt điểm, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc nảy sinh tại các thị trường, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Đặc biệt phải khơi thông các nguồn vốn, huy động nguồn tài chính xanh; đảm bảo thanh khoản; không để xảy ra các rủi ro tại các thị trường này.

Trước mắt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, nhất là các Công điện gần đây nhất của Thủ tướng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, bất động sản; đảm bảo các thị trường hoạt động minh bạch, mang tính thị trường cao và chuyên nghiệp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN  

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao các nội dung báo cáo của các bộ, cơ quan, ý kiến của đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học; cho rằng để “ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, thì tất cả chúng ta từ nhà quản lý, người dân, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... đều phải vào cuộc; càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, chung sức cùng thực hiện; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp, “lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ”.

Theo Thủ tướng, việc phát triển phải dựa trên nền tảng: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình đó, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển; phát huy tối đa phẩm chất, trí tuệ, năng lực con người Việt Nam; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện 3 dột phá chiến lược gồm phát triển hạ tầng chiến lược, hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực.

Cùng với đó, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ thực hiện đường lối đúng đắn trên, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay. Ngay trong năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt nhiều thành quả quan trọng, cơ bản: kinh tế vĩ mô ổn định, kinh tế tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, đảm bảo các cân đối lớn; chính trị ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia đảm bảo; hoạt động đối ngoại được tăng cường...

“Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát thực tiễn của Đảng; sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.

Đề cập đến các thị trường tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong quá trình phát triển khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Tuy nhiên, khi các vấn đề nảy sinh cùng một lúc và trong lúc khó khăn thì khối lượng công việc phải xử lý nhiều và nặng nề hơn. Song khi xử lý cũng không có phương án nào là hoàn toàn đúng đắn mà phải lựa chọn phương án tối ưu nhất. Điều quan trọng là phải xử lý cho thị trường hoạt động lành mạnh, đúng bản chất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Cùng với điểm lại tình hình, kết quả, nguyên nhân, bài học trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu các quan điểm, định hướng điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thủ tướng nhận định, năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trên tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, công điện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nắm chắc tình hình, lựa chọn công việc ưu tiên vấn đề phù hợp với tình hình; tích cực, chủ động, phản ứng chính sách kịp thời; các bộ, ngành phải xem công việc của người dân, doanh nghiệp như công việc của mình.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, ổn định thị trường ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn. Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò nòng cốt của các ngân hàng thương mại nhà nước; bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Theo đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực mới như kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế.

Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; chủ động có phương án khi các nước áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập việc chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.

“Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và theo đúng quy định pháp luật...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Thủ tướng chỉ rõ, phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chương trình chống biến đổi khí hậu; khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo ổn định giá cả; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng...

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong suốt những năm qua; đồng thời tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý và những hành động thiết thực giúp Việt Nam phát triển, trên tin thần tin cậy, hiệu quả.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản