Tin mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tuyệt đối không để dân đói, rét, không có chỗ ở sau khi bão đi qua

(Mặt trận) - Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) - một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở Ban Chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại thành phố Đà Nẵng, trụ sở UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đà Nẵng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó với bão số 4; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo về công tác ứng phó bão số 4, với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ.

Ngày 27/9, ngay sau cuộc họp khẩn do Thủ tướng chủ trì về ứng phó bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương đã vào miền Trung trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó bão.

Sáng 28/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đến kiểm tra tình hình sau bão số 4 tại địa bàn biên giới biển thành phố Huế và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tiếp tục có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão.

 Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó bão. Với tinh thần phòng hơn chống, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu trong ứng phó bão.

Cuộc họp nhanh nhằm đánh giá và dự báo tình hình, khắc phục hậu quả do bão gây ra và ứng phó mưa lũ, thiên tai có thể tiếp diễn sau bão, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản nhân dân và nhà nước, nhằm nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh sau bão để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, trên tinh thần là làm nhanh, khẩn trương, hiệu quả; đồng thời, rút kinh nghiệm với các tình huống tương tự, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thiệt hại được giảm thiểu đến mức thấp nhất nhờ công tác ứng phó tốt

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, đêm 27 và sáng ngày 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.

Bão gây mưa lớn từ 150-300 mm tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum, một số trạm mưa rất lớn như: Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 362 mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 344 mm, Việt An (Quảng Nam) 628 mm, An Long (Quảng Nam) 372 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 337 mm.

Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm, nhưng cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc khẩn trương, đồng bộ, nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9/2022 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn. Vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ. Tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa,…; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.

Tính đến 10h ngày 28/9, có 04 người bị thương ở Quảng Trị, sập 03 nhà (Quảng Trị: 02, Thừa Thiên Huế: 01), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà). Chìm 03 ghe nhỏ (Đà Nẵng 02, Quảng Nam 01). Có 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4.369, Đà Nẵng: 3.340, Quảng Ngãi: 1.718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 09 xã, Gia Lai: 06 xã). Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163). Ngoài ra, tại Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam) bị đổ 01 trụ antenna; 2 đồn biên phòng  ở Quảng Nam bị hư hỏng... Gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai. 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Cẩn trọng với diễn biến mưa lũ sắp tới

Cung cấp thông tin dự báo thiên tai sau bão, đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, đến sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần; từ trưa và chiều ngày 28/9 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam

Ngày 28/9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Từ ngày 28/9 đến ngày 30/9, ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa dự báo Quảng Bình, Hà Tĩnh 200-250 mmn, có nơi trên 350 mm; Nghệ An, Thanh Hóa 150-200 mm, có nơi trên 300 mm; khu vực khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình 100-150 mm.

Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).

Từ ngày 28-30/9, trên các sông ở Bắc Trung Bộ xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã, cả lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An), Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Kinh nghiệm của Quảng Ngãi: Không đợi thiên tai xảy ra mới chống

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã tạo tâm thế tự tin, quyết tâm và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho địa phương trong phòng chống bão, “luôn có Trung ương ở bên cạnh”. Tỉnh xác định phòng chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị, khi có thiên tai là cả xã hội vào cuộc với trách nhiệm cao nhất.

Tỉnh đã ban hành 4 công điện từ ngày 25/9, phân công từng đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó tại các địa phương. Phòng chống thiên tai thì không đợi thiên tai xảy ra mới chống, mà hằng năm phải tổng kết kinh nghiệm, những gì làm tốt thì phát huy, những gì làm chưa tốt thì khắc phục. Theo đó, phải làm tốt phương châm 4 tại chỗ. Việc sơ tán người dân không nhất thiết phải tập trung tại các điểm công cộng, mà khi kinh tế phát triển hơn, có thể sơ tán người dân tới các hộ dân có nhà cửa kiên cố, lo lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân. Thường xuyên hương dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc neo đậu tàu thuyền.

Với các địa phương có nguy cơ cô lập, phải chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân. Xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể chính trong phòng chống bão lũ, nếu người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực thì nhất định thành công. Thông tin chính xác, kịp thời, thường xuyên.

Tỉnh xác định phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân, giảm thiểu thiệt hại tài sản của người dân và Nhà nước, bảo đảm an toàn các công trình quan trọng. Trước bão, tỉnh đã làm tốt công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, sơ tán dân, chằng chống nhà cửa; trong bão kêu gọi ai ở đâu yên đó; sau bão thì tập trung khắc phục hậu quả, nhất là về điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc.

Về ứng phó mưa lớn, kinh nghiệm là trong bão có mưa lớn nhưng sau bão mưa thường càng lớn, nguy cơ sạt lở và lũ lụt cao, đe dọa tính mạng người dân vùng núi; nên phải sơ tán người dân vùng có nguy cơ về nơi an toàn; thực hiện nghiêm, hiệu quả quy trình vận hành hồ chứa để điều tiết lũ… Kết quả ứng phó bão, đến giờ phút ngày, tỉnh chưa có thiệt hại về người, một số nhà cửa, công trình bị tốc mái. Tỉnh chủ động khắc phục hậu quả nhưng cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ công tác này.

Đà Nẵng: 3 bài học kinh nghiệm lớn trong phòng chống thiên tai

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của cơ bão số 4, Thành phố đã chủ động các phương án phòng chống bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do bão gây ra.

Theo thống kê, đến nay Đà Nẵng không có thiệt hại về người; có 7 ngôi nhà bị tốc mái, gần 2.000 cây xanh bị đổ; không có tàu thuyền nào hư hỏng nặng hoặc chìm. Việc cung cấp nước sinh hoạt và hoạt động giao thông đến thời điểm hiện tại đã trở lại bình thường.

Các cơ quan chức năng đang tích cực thu dọn cây xanh bị đổ gẫy, thực hiện vệ sinh môi trường, tập trung theo dõi, cảnh báo khu vực sạt lở để có những biện pháp kịp thời, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Qua công tác phòng chống bão số 4, Đà Nẵng rút ra 3 bài học kinh nghiệm lớn. Thứ nhất là cần quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có khả năng sạt lở bằng các biện pháp kiên quyết, kiên trì; cùng với bảo vệ tính mạng người dân là thực hiện tốt việc bảo đảm tài sản của người dân.

Thứ hai là thực hiện nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong công tác phòng chống bão lụt. Tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng chống lụt bão để giảm thấp nhất rủi ro, thiệt hại về người và tài sản.

Thứ ba là sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản về phòng chống bão lụt và tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án, kịch bản này trên tinh thần phương châm 4 tại chỗ.

Quảng Nam: Cần dự báo, cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết: Xác định cơn bão rất nguy hiểm, nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó rất tập trung, quyết liệt, nhận thức của nhân dân nâng lên, đồng tình, ủng hộ rất cao. Đây là nguyên nhân quan trọng để không có thiệt hại về người, thiệt hại nông nghiệp thấp, chỉ có 2 tàu bị chìm, 4 tàu trôi và mắc cạn khi neo đậu. Các tuyến giao thông cơ bản được bảo đảm không bị ảnh hưởng. Mạng lưới viễn thông bị hư hại không đáng kể.

Tuy nhiên, 3.997 trạm biến áp mất điện do cột điện, đường dây ngã đổ. Tỉnh đang yêu cầu các hồ thủy điện vận hành phù hợp tình hình, bảo đảm an toàn hồ đập và cho hạ du. Các công trình thủy lợi, kè biển cơ bản không có sự cố, trong đó có hệ thống kè tại Cửa Đại, Hội An – một công trình quan trọng - vẫn được giữ vững.

Tỉnh đang lập 4 đoàn đi kiểm tra, khắc phục hậu quả bão.

Về kinh nghiệm, Quảng Nam chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, cập nhật hằng năm, phù hợp thực tế, diễn tập thường xuyên tại các địa bàn. Phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn rất cụ thể, nhất là với tình huống có địa bàn bị chia cắt. Thông tin, tuyên truyền cho người dân bằng mọi phương tiện, hình thức khác nhau như mạng xã hội, tin nhắn, loa truyền thanh, báo chí, truyền hình… để người dân nắm tình hình, diễn biến và lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp. Theo dõi chặt chẽ tàu thuyền, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc đi vào vùng an toàn. Tuy nhiên, khi có bão là có cá, nên nhiều tàu vẫn đánh bắt. Các hồ thủy điện phối hợp chặt chẽ, thống nhất rất cao với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp để vận hành nhịp nhàng.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Quảng Nam, Kon Tum gần đây có động đất, tỉnh kiến nghị nghiên cứu, đánh giá thêm về nguyên nhân gây động đất. Đồng thời, cần sự tham gia của các nhà khoa học để dự báo, cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất tại các vùng núi để di dời người dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Kết quả phòng chống bão không phải do may mắn mà có

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đến thời điểm này, cơ bão số 4 đã đi qua với thiệt hại thấp nhất về tài sản, không có thiệt hại về người. Các công trình thủy lợi, trong đó có nhiều công trình ứng dụng công nghệ mới, được bảo đảm an toàn, khẳng định khả năng ứng phó và chống chịu được với tác động của bão lũ, thiên tai của công trình, giúp chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý liên quan đến việc xây dựng và vận hành các công trình thủy lợi.

Trong công tác phòng chống cơn bão này, nhiều điều không phải do may mắn mà có, mà đây thực sự là nỗ lực, sự chủ động của các cấp, các ngành trong phòng chống thiên tai. Cụ thể, đó là sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết, kịp thời, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan chức năng. Các nhiệm vụ phòng chống bão được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, hệ thống thông tin liên lạc về phòng chống bão là thông suốt…

Bên cạnh đó, trong công tác phòng chống bão lần này, phải kể đến sự nghiêm túc, sát sao trong triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương cũng như sự chủ động ứng phó của 8 địa phương trong vùng ảnh hưởng, qua đó đã pháp huy hiệu quả được phương châm 4 tại chỗ. Việc khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở cao được các địa phương triển khai hết sức khẩn trương. Người dân nêu cao ý thức tự giác và tuân chủ các chỉ đạo cũng như rất tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, chủ động trong thực hiện công tác phòng chống bão lụt.

“Từ sự chủ động, các biện pháp được triển khai từ sớm, từ xa, đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, qua đó chúng ta đã giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, dù đây được đánh giá là cơ bão lớn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định và cho biết từ nay tới cuối năm dự báo sẽ còn có 10-12 cơn bão nữa.

Từ kinh nhiệm chống bão lần này, nhiều bài học đã được rút ra để chúng ta chủ động hơn trong ứng phó với các cơ bão tiếp theo có thể đổ bộ vào nước ta.

Chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp đầy đủ thiệt hại do bão gây ra, để sớm khắc phục - Ảnh: VGP/Đức Tuân 

Cho biết đến thời điểm này, chưa có người thiệt mạng do bão là điều đáng mừng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa trong phòng, chống bão. Thủ tướng Chính phủ liên tục có các cuộc họp, ban hành các công điện đề ứng phó bão khi bão còn ở rất xa.

Hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Điều quan trọng nữa, theo Phó Thủ tướng, là sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Thủ tướng, của cấp uỷ, chính quyền. "Đến 5 giờ chiều, không còn bóng người ngoài đường", Phó Thủ tướng nói. "Trước đây, nhiều vụ tai nạn do đi đường bị cây đổ, ngã xuống sông, nhà tốc mái".

Nhấn mạnh sự đùm bọc trong nhân dân góp phần vào kết quả phòng, chống bão, Phó Thủ tướng cho biết, sáng nay ông và đoàn công tác đi khảo sát một số khu vực tại Thừa Thiên Huế thì thấy sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của bà con, "người sống trong nhà cấp 4 thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành cho bà con trú tránh".

Sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa và ý thức chấp hành của người dân là yếu tố quyết định đến kết quả phòng, chống bão.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp đầy đủ thiệt hại do bão gây ra, báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm khắc phục hậu quả của bão. Đặc biệt, ngay sau cuộc họp, một số công trình như điện, trường học, nhà dân bị tốc mái cần khẩn trương được khôi phục.

Lưu ý tránh tâm lý chủ quan sau bão, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát các khu vực nguy hiểm như đập tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để bố trí lực lượng ứng trực, không để người dân qua lại khu vực này.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm

 Thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến giờ này hôm nay, chúng ta đỡ căng thẳng hơn giờ này hôm qua. Kết quả ứng phó bão khả quan và tích cực. Đây là điều đáng mừng sau một cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, khen ngợi, cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn, quân đội, công an, báo chí truyền thông trong công tác phòng chống cơn bão số 4. Nhờ đó, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước, đến giờ này mới chỉ có 4 người bị thương. Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương cần khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày mai. Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, khôn để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ.

Các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, gửi ngay về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, các địa phương sử dụng quỹ phòng chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để chủ động xử lý, khắc phục các thiệt hại vè tài sản của nhà nước và nhân dân.

Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ về gạo và kinh phí cho các địa phương.

Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan hỗ trợ các địa phương, khẩn trương khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

EVN và các đơn vị khẩn trương khôi phục hệ thống truyền tài điện. Các công ty cấp thoát nước, môi trường, cây xanh nhanh chóng khắc phục các hậu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành theo sát tình hình, dự báo kịp thời các diễn biến thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần sẵn sàng hơn, chủ động hơn, phòng hơn chống, phương châm 4 tại chỗ (lấy địa phương và người dân là chính), bảo đảm an toàn khi triển khai các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ (nếu có).

Các đại biểu đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, chứng tỏ bám sát, nắm chắc tình hình, tâm huyết và trách nhiệm trong thực hiện công việc.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm này trong phòng chống thiên tai, bão lũ thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão.

Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm llà yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.

Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm 4 tại chỗ.

Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Thứ năm, thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.

Thứ sáu, theo quy luật tự nhiên, miền Trung là nơi thường xuyên có mưa lũ, bão gió vào tháng 9, 10, 11, vì vậy, phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Phải ứng phó thiên tai, bão lũ với sự bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với nội lực, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản