Tin mới

Thủ tướng: Tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính 'xoay chuyển' tình thế, 'chuyển đổi' trạng thái

(Mặt trận) - Sáng 23/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%

Theo báo cáo, tình hình thế giới trong năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động tiêu cực kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.

Nêu rõ 6 quan điểm chỉ đạo điều hành, Thủ tướng lưu ý cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nắm chắc thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo của Chính phủ xác định Mục tiêu tổng quát năm 2024 là: Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền; nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước..

Báo cáo nêu 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.

Trình Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới.

Theo đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng trên 15%.

Tập trung khắc phục hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm; bảo đảm tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch. Trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết thí điểm về phân cấp trọn gói, cơ chế, chính sách phù hợp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện.

Thực hiện hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Dự toán thu NSNN 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển. Trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới, tập trung vào các thị trường mới ở khu vực Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, trong đó có Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE); hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thể chế hóa, thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và Quốc hội. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi; trong năm 2024 dự kiến trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung 23 dự án Luật; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phục hồi và phát triển các loại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng… Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên; nâng cấp luồng vào khu bến cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), luồng vào khu bến cảng Thọ Quang (Đà Nẵng), luồng hàng hải Quy Nhơn và tuyến Chợ Gạo...; đồng thời thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025.

Nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia; phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024.

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng… Kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, nhưng phải bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn. Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện mục tiêu 1 triệu ha đất trồng lúa sạch, ít phát thải carbon để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững; phấn đấu đến hết năm 2024 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách Trung ương (cả thu NSNN và chi đầu tư phát triển); đồng thời nâng cao tính chủ động, tích cực, linh hoạt của ngân sách địa phương. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nhất là vốn vay nước ngoài, thủ tục thông thoáng, sử dụng hiệu quả; tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính "xoay chuyển" tình thế, "chuyển đổi" trạng thái, chấm dứt tình trạng dàn trải, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.

Tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh đầu tư vốn của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các dự án quy mô lớn, tác động dẫn dắt, lan tỏa trong các ngành kinh tế chủ lực, các ngành, lĩnh vực mới; sửa đổi Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý từng bước chắc chắn dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài; hoàn thành cơ cấu lại 3 dự án hóa chất và trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương xử lý đối với 4/12 dự án còn lại.

Chú trọng phát triển kinh tế tập thể, triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023. Phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với các lĩnh vực khác,  như chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Về lĩnh vực văn hóa, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam.

Về lĩnh vực xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Rà soát, hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và đối tượng tham gia; khắc phục hiệu quả tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập và thúc đẩy mạnh mẽ các sàn giao dịch việc làm.

Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1/7/2024; đồng thời tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Chính phủ cũng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, trong đó có các loại khoảng sản quý, đất hiếm… Quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP26 và Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP); đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen; hoàn thành khảo sát, đánh giá năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nghiên cứu rà soát, báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; thúc đẩy tự chủ cao hơn.

Quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ

Tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế, hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế. Đẩy mạnh quan hệ song phương, đa phương thực chất, hiệu quả; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân; làm tốt công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách; chú trọng thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm quý từ thực tiễn để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề "nóng", bức xúc xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Chính phủ trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ, kề vai sát cánh và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, toàn thể đồng bào, cử tri cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra của năm 2023 và năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc; xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản