Tin mới

Thủ tướng: Thực hiện 3 cân bằng 'học - chơi - ăn ngủ' cho học sinh tiểu học

(Mặt trận) - Hòa chung không khí tưng bừng, hân hoan của các thầy, cô giáo và hơn 23 triệu học sinh cả nước dự khai giảng năm học mới 2022-2023, sáng 5/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Thủ tướng chào mừng các em học sinh, các thầy cô giáo trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 
Thủ tướng hòa chung niềm vui ngày khai giảng với các em học sinh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Cùng dự có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là ngôi trường đầu tiên được xây dựng theo mô hình song ngữ của thành phố Hà Nội trên cơ sở các lớp tăng cường tiếng nước ngoài, thuộc Trường Phổ thông Bán công Chuyên ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn 25 năm qua, nhà trường luôn tự hào là ngôi trường đi đầu của Thủ đô trong chất lượng đào tạo, giáo dục toàn diện, rèn luyện tính tự lập và chú trọng bồi dưỡng năng khiếu ngoại ngữ cho học sinh để hội nhập quốc tế.

Tại lễ khai giảng, thầy và trò nhà trường được nghe Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đọc thông điệp, khai giảng năm học mới với chủ đề “Đồng hành, bứt phá”.

Các em học sinh Lớp 1 đón chào Thủ tướng và các đại biểu tới dự Lễ Khai giảng năm học mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 
"Cháu chào bác Thủ tướng" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Mở đầu bài phát biểu tại lễ khai giảng năm học và nhân dịp Tết Trung thu sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những tình cảm, suy nghĩ của mình đến tất cả các cháu học sinh, thầy cô và phụ huynh để cùng nhau thực hiện lời dạy và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và “Trung thu trăng sáng như gương - Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.

Thủ tướng nhớ lại trong lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây khó khăn với việc dạy và học, trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã truyền cảm hứng: “Mong các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Thủ tướng xúc động kể về những bài học đầu tiên thầy cô dạy cho mình ở ngôi trường của một vùng quê miền núi nghèo xa xôi, thiếu thốn đủ điều, nhớ hình ảnh cha mẹ cần mẫn lo cho con học hành. Thủ tướng tin rằng những bài học và tình cảm của thầy cô hôm nay sẽ luôn là hành trang đầy ý nghĩa với các cháu sau này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin các cháu sẽ được học những bài học về lòng biết ơn và tình yêu quê hương, đất nước; biết ơn cha mẹ, ông bà, thầy cô đã ngày đêm tận tụy chăm sóc dạy dỗ mình; hiểu và được truyền cảm hứng từ những tấm gương sáng trong lịch sử đất nước; học được bài học về sự tử tế, trung thực và nhân ái, sự cố gắng, nỗ lực, sống có hoài bão và lý tưởng…

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng căn dặn các cháu nên chăm chỉ đọc sách, vì tâm hồn các cháu giống như mầm cây, ngày ngày ông bà, bố mẹ, thầy cô đang vun tưới để cây được phát triển. Muốn tâm hồn mình như cây xanh tốt, hằng ngày các cháu cần trang bị tri thức bằng việc đọc sách. Nhờ đọc sách, các cháu sẽ biết được rất nhiều điều thú vị, hiểu sâu, biết rộng hơn về bầu trời tri thức. Bên cạnh đó, các cháu cần chăm chỉ học ngoại ngữ, tin học, luyện tập thể chất, nhất là các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn như bơi lội, ứng phó động đất, cháy nổ, có ý thức tham gia giao thông…

Đối với thầy cô, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp “Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Thủ tướng bày tỏ thấu hiểu các thầy cô rất vất vả để dạy dỗ các cháu, chăm sóc đến mấy chục cháu là công việc không đơn giản. Nhưng các thầy cô giáo cần nỗ lực hơn nữa với phương châm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để lại những dấu ấn yêu thương và tốt đẹp với các cháu.

“Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thụ tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ mong nhà trường, thầy cô, quan tâm và thực hiện được 3 cân bằng cho các cháu, đó là học - chơi - ăn ngủ; mong các bậc cha mẹ phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc các cháu.

Thủ tướng gióng trống khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và những bất cập phát sinh. Trong đó thực hiện Công điện ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường điều kiện, bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Trước mắt cần sớm giải quyết được 3 thiếu, đó là thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa; thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, khoa học, hiệu quả để các cháu khỏe mạnh đến trường, cha mẹ yên tâm công tác, thầy cô yên tâm giảng dạy.

Về lâu dài cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục, trong đó tập trung đổi mới tư duy thiết kế chương trình học tập; xã hội hóa việc học tập; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, tăng cường chất lượng.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, nâng cao thu nhập cho giáo viên, bảo đảm cân đối, hài hòa trong tổng thể chung của các ngành nghề khác và phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Đồng thời, quan tâm đầu tư vật chất, xây dựng các cơ sở giáo dục, nhất là ở các khu công nghiệp, vùng khó khăn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các cấp chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo, thầy cô, phụ huynh và toàn xã hội dành sự quan tâm tới môi trường vệ sinh, an toàn học đường, chăm sóc các em học sinh là người khuyết tật, con thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh là người dân tộc để đường đến với con chữ của các em bớt gian nan, để các em tự tin vươn lên trong học tập, cuộc sống; nhất định không để cháu nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tất cả các thế hệ học sinh Việt Nam nói chung đều nhớ đến mong muốn của Bác Hồ kính yêu: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu”.

Thủ tướng bày tỏ, trong mỗi ngôi trường trên khắp cả nước ta hôm nay, từ thành thị, nông thôn đến những bản làng xa xôi, hải đảo đều rộn ràng tiếng cười, hội ngộ của các cháu và thầy cô với nhiều cảm xúc. “Tất cả các cháu hãy cố gắng, hãy quyết tâm, hãy vượt qua mọi hoàn cảnh, hãy biết yêu thương, chia sẻ, hãy sống nhân ái, có ý thức trách nhiệm, hãy chinh phục tri thức, hãy có khát vọng để không phụ sự quan tâm, tin yêu của gia đình, thầy cô, để mai sau góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng chia sẻ.

Nhân dịp này, Thủ tướng thân ái gửi tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công; chúc thầy và trò Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu luôn luôn đổi mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

* Ngay sau khi dự lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường và có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo nhà trường về công tác chuẩn bị cho năm học mới và thực tế triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội thiếu khoảng 8.000 biên chế giáo viên; vừa qua, các cấp có thẩm quyền đã phân bổ thêm khoảng 2.000 chỉ tiêu biên chế cho Thành phố. Thành phố sẽ thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu được phân bổ bảo đảm số lượng và chất lượng; đồng thời quán triệt và chủ động triển khai nghiêm Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện, bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng cho biết Thành phố sẽ nghiên cứu triển khai cơ chế “đặt hàng” dịch vụ từ các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặt hàng một cách công bằng, bình đẳng, cạnh tranh, minh bạch giữa công lập và ngoài công lập. Nhà nước sẽ “đặt hàng” các gói dịch vụ cơ bản; còn người dân ngoài các đối tượng được cung cấp các dịch vụ giáo dục theo quy định thì có thể đặt mua các gói cơ bản hoặc nâng cao. Đây là cơ sở để các trường có thể tiến tới tự chủ, trong đó có việc tự chủ về tuyển dụng giáo viên, giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Cùng với đó, Thành phố rà soát lại quỹ đất dành cho giáo dục; đặc biệt là ở các quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn, số học sinh tăng rất nhanh. Ông Thanh lấy ví dụ như phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hiện có trên 75.000 người dân trên hồ sơ quản lý và thực tế cao hơn nhiều.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự liên hoan chào mừng năm học mới sau lễ khai giảng của các em học sinh Trường Đoàn Thị Điểm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo bố trí việc dự lễ khai giảng tại một trường ngoài công lập để có thể tìm hiểu cụ thể về những khó khăn, thách thức và cả những mô hình, cách làm hay.

Trước đó, nhân dịp năm học mới, Thủ tướng đã tới thăm 3 ngôi trường công lập khác ở Lào Cai và Phú Thọ. Các chuyến thăm này nhằm khảo sát thực tế thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với lễ khai giảng trang trọng của Trường Đoàn Thị Điểm, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “tôn sư trọng đạo”, coi “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, truyền thống này càng được coi trọng và phát huy, với quan điểm xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Thủ tướng nhấn mạnh, nền giáo dục dân tộc với truyền thống tốt đẹp đó phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với nền giáo dục hiện đại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để chúng ta vừa giữ vững độc lập, tự chủ, vừa tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; xây đựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, ngày càng hùng cường, thịnh vượng như Bác Hồ hằng mong muốn, lấy nội lực (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu luôn luôn đổi mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bày tỏ tâm đắc với 3 đổi mới của Trường Đoàn Thị Điểm: Một là đổi mới dạy học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập, dạy ngoại ngữ ngay từ nhỏ cho các em; hai là đổi mới hoạt động bán trú, đây là vấn đề rất quan trọng với cấp tiểu học, một mặt để bố mẹ các em yên tâm công tác, làm việc, mặt khác góp phần giúp việc giáo dục học sinh tại nhà trường không chỉ đơn thuần về mặt văn hóa; ba là đổi mới giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn như bơi lội, ứng phó động đất, cháy nổ, có ý thức tham gia giao thông, bảo vệ môi trường…

Thủ tướng cũng mong muốn nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung liên tục cập nhật, đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức giáo viên trong bối cảnh thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Ông lấy ví dụ, biến đổi khí hậu đang gây nhiều tác động trên toàn cầu và tại Việt Nam, cần giáo dục, tạo ý thức cho các em ngay từ nhỏ trong bảo vệ môi trường bằng những việc tưởng như nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bếp ăn của nhà trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô giáo là động lực”; mọi hoạt động phải hướng tới học sinh, giáo dục toàn diện đức – trí – thể - mỹ cho học sinh; thầy cô giáo phải là động lực để chăm lo, tạo sự tin yêu, thực là tấm gương cho các em noi theo.

Thủ tướng đề nghị tổng kết các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách để xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Thủ tướng cho rằng đây là chủ trương đúng nhưng phải tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương, giúp các cơ sở giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, công bằng.

Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, các nhà trường; khắc phục bằng được tình trạng “thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa”, trong đó có việc cho học sinh mượn sách giáo khoa và giáo dục các em ý thức tiết kiệm, giữ gìn sách để sử dụng lâu dài…

Thủ tướng mong muốn đội ngũ lãnh đạo, giáo viên Trường Đoàn Thị Điểm giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống, tinh thần vượt khó, tiếp tục mở rộng “hệ sinh thái Trường Đoàn Thị Điểm” đủ sức cạnh tranh với các trường quốc tế. “Không có việc gì là không khó, nhưng cũng không có việc gì là không thể, như truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn càng thông minh, sáng tạo, cái khó ló cái khôn”, Thủ tướng chia sẻ.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản