Tin mới

Thực hiện tốt và hiệu quả việc cải cách tiền lương

(Mặt trận) - Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV sáng nay, 20.5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024, cần tập trung triển khai các giải pháp để tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra 

Vượt qua nhiều thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực

Đánh giá về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, KT - XH nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ Sáu, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như thu ngân sách, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, tình hình KT - XH năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đơn cử, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế 2023 không đạt mục tiêu, tạo thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025; chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 không đạt.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, chỉ tăng 3,62% thấp nhất giai đoạn 2011 - 2023 và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Đầu tư tư nhân giảm tốc đáng kể so với giai đoạn trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng.

Thu ngân sách chưa bền vững; nợ đọng thuế còn cao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc; việc chuyển nguồn, hủy dự toán khi hết năm ngân sách lớn, trình phương án phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi chậm. Vẫn còn thiếu thuốc ở một số bệnh viện công lập; tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên chưa được xử lý dứt điểm, bạo lực học đường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở một số nơi…

Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021 - 2025. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Năm để xem xét những nội dung quan trọng, trong đó đã sửa đổi, thông qua Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực tăng khá, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng.

Nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình KT - XH những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn 6 vấn đề tốc độ tăng trưởng, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tổng cầu trong nước, những rủi ro, thách thức tiềm ẩn trong thị trường tài chính, tiền tệ, cải cách hành chính… để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển KT-XH những tháng đầu năm.

Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Trước những hệ lụy của tình trạng đầu cơ đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra.

Thực hiện tốt và hiệu quả việc cải cách tiền lương

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024.

Trong đó, tập trung điều hành kinh tế vĩ mô để tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần quan tâm xác định những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là di dời đường điện cao thế, tình trạng thiếu hụt đất đắp, cát san nền.

Thực hiện tốt và hiệu quả việc cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách cho người có công và các chính sách giảm nghèo bền vững. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tháo gỡ vướng mắc để triển khai hiệu quả chính sách nhà ở xã hội; tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, dạy nghề…

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản