Tin mới

Tiếp tục có những giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng, chống dịch

(Mặt trận) - Các giải pháp liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục là vấn đề “nóng” trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại Quốc hội diễn ra vào ngày 9/11. Nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế mau chóng phục hồi.

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgari Rumen Radev

Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi thật sự chưa cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Các ý kiến đại biểu Quốc hội nhận định, năm 2021 là năm diễn ra nhiều biến cố do dịch COVID-19 tái bùng phát với biến chủng mới phức tạp hơn, nguy hiểm hơn. Dịch bùng phát ở nhiều địa phương, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất trong một khoảng thời gian dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và các mặt khác của đời sống kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp với điều kiện về tình hình thực tế. Công tác phòng, chống dịch có sự vào cuộc rất trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả nước chung sức đồng lòng vượt qua đại dịch.

Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh tuy đã được kiểm soát song còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) và một số đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế mau chóng phục hồi.

Để thực hiện được mục tiêu nên trên, các đại biểu cho rằng trước hết cần xây dựng chương trình tổng thể công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cả về con người, vật chất, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch, nhất là khâu điều trị.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm bảo đảm sức khỏe, động viên tinh thần hơn nữa lực lượng này, nhất là đối tượng nhân viên y tế là tình nguyện viên, tổ COVID cộng đồng nhằm duy trì hoạt động trong thời gian tới.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trước mắt và lâu dài. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì dịch bệnh COVID-19 được phát triển toàn diện.

Ở góc độ khác, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nhìn nhận, tác động COVID-19 khiến nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung các đối tượng yếu thế trong thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; quan tâm rà soát, nghiên cứu có thêm các chính sách an sinh xã hội. Kịp thời hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là lao động tự do. Đồng thời tăng nguồn ngân sách bố trí thêm hằng năm cho lĩnh vực y tế. Nghiên cứu đưa vaccine phòng, chống dịch COVID-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine trên toàn quốc.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đề ra những giải pháp hữu hiệu mang tính đột phá, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Có kế hoạch đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động trong quá trình tìm việc, chuyển đổi nghề. Khen thưởng, động viên kịp thời những địa phương làm tốt về công tác phòng, chống dịch mà vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế.

Nhấn mạnh, đợt dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh phía nam lần này đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng, nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, điều này không chỉ tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của trẻ em mà còn tước đoạt đi nhiều cơ hội phát triển bình thường khác của các em, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ cần có chính sách huy động hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ trẻ em mồ côi trong đợt dịch vừa qua. Bên cạnh đó, quan tâm củng cố, tăng cường tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng và y tế tư nhân. Có những hình thức tôn vinh, động viên kịp thời đối với lực lượng tuyến đầu, song cũng phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch.

Nhấn mạnh vai trò của nguồn lực trong công tác phòng chống dịch, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi thật sự chưa cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, ý kiến của nhiều đại biểu mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19, sớm triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, bào chế và sản xuất vaccine trong nước để chúng ta có thể chủ động nguồn cung, tự chủ vaccine.

Chú ý đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở cũng như có cơ chế để huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì phục hồi kinh tế trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản