10.657 ca nhiễm mới, 390 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố
Theo tin từ Bộ Y tế, trong ngày 20-8, nước ta ghi nhận 10.657 ca nhiễm mới, 12.756 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Ngoài ra, nước ta cũng ghi nhận 390 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố.
Cụ thể, tính từ 19h ngày 19-8 đến 18h30 ngày 20-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.657 ca nhiễm mới, trong đó có 7 ca nhập cảnh và 10.650 ca ghi nhận trong nước tại Bình Dương (4.223), thành phố Hồ Chí Minh (3.375), Đồng Nai (686), Long An (495), Tiền Giang (367), Đà Nẵng (167), Đồng Tháp (156), Cần Thơ (147), Khánh Hòa (147), Tây Ninh (122), An Giang (111), Hà Nội (72), Nghệ An (61), Thừa Thiên - Huế (61), Bến Tre (59), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Đắk Lắk (56), Trà Vinh (47), Bình Thuận (29), Phú Yên (27), Vĩnh Long (23), Bắc Giang (18), Quảng Nam (17), Hà Tĩnh (15), Kiên Giang (14), Bình Định (14), Bình Phước (11), Bắc Ninh (10), Gia Lai (10), Quảng Ngãi (9), Cà Mau (7), Lạng Sơn (7), Quảng Bình (7), Lâm Đồng (4), Bạc Liêu (4), Ninh Thuận (4), Thanh Hóa (3), Ninh Bình (2), Sơn La (2), Lào Cai (1), Quảng Trị (1), Hà Nam (1), Hưng Yên (1); trong đó có 6.132 ca trong cộng đồng.
Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 11 ca so với 24 giờ trước đó. Tại Bình Dương tăng 968 ca, Đồng Nai tăng 29 ca; thành phố Hồ Chí Minh giảm 1.050 ca, Long An giảm 50 ca, Tiền Giang giảm 111 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 323.268 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.288 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 319.209 ca, trong đó có 130.041 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái. Ngoài ra, 3 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao là thành phố Hồ Chí Minh (164.524), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Tiền Giang (5.619), Đồng Tháp (5.554).
Về tình hình điều trị, có thêm 12.756 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 20-8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 132.815 ca. Ngoài ra, có 666 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU, 24 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Ngày 20-8, Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 390 ca tử vong, tại thành phố Hồ Chí Minh (312), Bình Dương (41), Long An (8), Đồng Nai (7), Tiền Giang (7), Khánh Hòa (3), Sóc Trăng (3), Cần Thơ (2), Hà Nội (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Trà Vinh (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 20-8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
|
Các chốt phòng chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh |
Những hoạt động của ngành y tế trong ngày
- Bộ Y tế tiếp nhận 200 máy thở chức năng cao do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Dự kiến, ngay trong hôm nay 200 máy thở này sẽ được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phục vụ công tác điều trị.
- Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4019/QĐ-BYT ngày 20/8/2021 về việc phê duyệt tiếp nhận viện trợ khẩn cấp vật tư y tế do địa phương của CHLB Đức và cộng đồng Việt Nam tại Đức viện trợ để phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
- Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BYT ngày 19/8/2021 về việc hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin phòng COVID-19 trong trường hợp cấp bách.
- TP Hồ Chí Minh tăng cường mạnh hơn nữa một số giải pháp phòng, chống dịch từ ngày 23/8. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung 5 nhóm giải pháp chính:
(1) Người dân thành phố đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly với khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly phường xã thị trấn.
(2) Tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỷ lệ tử vong.
(3) Tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực "vùng đỏ trên bản đồ COVID-19 TP Hồ Chí Minh".
(4) Tăng cường, đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 cho người dân.
(5) Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư.
|
Sáng 20/8, hơn 100 nhân viên y tế được huy động để hỗ trợ công tác lấy mẫu cho hơn 2.000 cư dân của tòa nhà HH4C. Việc lấy mẫu xét nghiệm dự kiến hoàn thành trước 14h cùng ngày. Ảnh: Zing.vn |
Hà Nội ghi nhận 81 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 12h đến 18h ngày 20-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 16 ca mắc mới Covid-19, trong đó, có 6 ca trong khu cách ly, 10 ca tại cộng đồng.
Các ca mắc mới phân bố tại 8 quận, huyện: Hoài Đức (6), Thanh Xuân (2), Hoàng Mai (2), Gia Lâm (1), Ba Đình (2), Thường Tín (1), Đống Đa (1), Tranh Trì (1) và phân bố bệnh nhân theo chùm ca bệnh: Ho sốt thứ phát (7), chùm sàng lọc khu vực nguy cơ cao (8), chùm liên quan thành phố Hồ Chí Minh (1).
Riêng 10 ca ghi nhận tại cộng đồng theo quận, huyện: Hoài Đức (6), Hoàng Mai (2), Đống Đa (1), Gia Lâm (1) và phân bố theo chùm: Ho sốt thứ phát (2), sàng lọc khu vực nguy cơ cao (8).
Như vậy, tính từ 18h ngày 19-8 đến 18h ngày 20-8, Hà Nội ghi nhận 81 ca, trong đó 43 ca ghi nhận tại khu cách ly, 38 ca ghi nhận tại cộng đồng.
6 bệnh nhân (BN) thuộc chùm sàng lọc khu vực nguy cơ cao ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức. BN sống tại khu vực nguy cơ cao. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
9 BN thuộc chùm ho, sốt thứ phát:
BN1: D.T.T, nữ, sinh năm 1985; ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. BN là F1 của BN N.Đ.H. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN2: T.Q.A, nam, sinh năm 1989; ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. BN là F1 của BN N.T.P. Ngày 16-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
BN3: P.Q.A, nam, sinh năm 1991; ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. BN là F1 của BN N.T.P. Ngày 16-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
BN 4: Đ.V.T, nam, sinh năm 1958; ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín. BN là F1 của BN N.T.P. Ngày 6-8, BN được lấy mẫu và chuyển vào khu cách ly. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu kết quả dương tính
BN5: L.T.T.H, nữ, sinh năm 1992; ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. BN là F1 của BN N.T.D. Ngày 4-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 11-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả âm tính. Ngày 18-8, BN xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN6: L.K.T, nữ, sinh năm 1961; ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa. BN là chị gái của BN L.D.T và là F1. Hằng ngày, BN và F0 của BN T, chia nhau ra nhà mẹ ở Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu để chăm mẹ (tại đây có tiếp xúc gần nhau). Từ 12 đến 14-8, BN cùng BN T cùng ra ki-ốt số 2 Ga Trần Quý Cáp để bán hàng rau, tại đây cũng tiếp xúc F0 là T.T.Q. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
BN7: N.N.T, nam, sinh năm 1960; ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình. BN là F1 của BN N.Đ.H. Ngày 12-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 19-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
BN8: N.M.Đ, nam, sinh năm 2016; ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. BN sống tại khu vực nguy cơ cao. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
BN9: N.Đ.M, nam, sinh năm 2013; ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. BN sống tại khu vực nguy cơ cao. Ngày 20-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 BN thuộc chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh:
BN là N.V.V, nam, sinh năm 1990; ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. BN là nhân viên y tế làm nhiệm vụ vận chuyển người bệnh từ thành phố Hồ Chí Minh đến Bệnh viện Phổi trung ương. Ngày 19-8, sau khi đến Bệnh viện Phổi trung ương, BN được làm xét nghiệm, kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 2.490 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.277 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.213 ca.
|
Ảnh: Zing.vn |
Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng ý giãn cách xã hội đến 6h ngày 6/9
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết điều này trong cuộc họp trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí liên quan đến việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 chiều 20/8.
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết, đã gần 30 ngày Thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhằm tranh thủ “thời gian vàng” để bóc tách các F0 ra cộng đồng, từng bước khống chế dịch bệnh. Đến nay, Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó, nhờ xét nghiệm diện rộng, đã phát hiện được các vùng có nguy cơ cao.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thành quả quan trọng nhất là đã huy động được sự vào cuộc của nhân dân với những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn đứng trước nhiều nguy cơ do vẫn còn F0 trong cộng đồng, dịch bệnh tại các tỉnh phía nam còn nghiêm trọng, một số mục tiêu của việc giãn cách chưa đạt được và lượng người ra đường vẫn còn đông.
“Nếu chúng ta không chống dịch quyết liệt hơn nữa thì dịch sẽ càng dễ bùng phát”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh và cho biết, trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, Thường trực Thành ủy đã đồng ý với đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đến 6h ngày 6/9 và giao UBND Thành phố ban hành Công điện mới.
Mục tiêu của đợt giãn cách này là nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đẩy mạnh tiêm chủng, nâng cao năng lực y tế Thủ đô và hoàn thiện các nội dung, công việc đã bộc lộ những hạn chế trong thời gian giãn cách vừa qua.
|
Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, chiếm trên 83% tổng ca mắc trong ngày. |
TP Hồ Chí Minh: Giảm trên 1.000 ca mắc nhưng số ca tử vong tăng
Số liệu thống kê của Bộ Y tế vào tối 20/8, trong 24 giờ qua, số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh giảm trên 1.000 ca nhưng số trường hợp tử vong tăng thêm 5 trường hợp, lên 312 ca.
Theo thống kê từ Cổng thông tin COVID-19 TP Hồ Chí Minh, trong ngày 20/8, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3.347 trường hợp mắc COVID-19 mới và 312 trường hợp tử vong.
Từ số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh giảm trên 1.000 trường hợp so với ngày trước đó nhưng số ca tử vong lại tăng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng cũng tăng, chiếm trên 83% số ca mắc mới. Các quận, huyện có số ca mắc trong cộng đồng cao nhất trong ngày gồm Quận 10 với 318 ca, Bình Thạnh với 286 ca; Quận 5 với 217 ca; quận Tân Bình với 178 ca, Quận 3 với 169 ca...
Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã lý giải số ca mắc trong cộng đồng tăng là do trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, qua điều tra truy vết, khoanh vùng, đã 6 ngày qua TP Hồ Chí Minh không phát sinh ổ dịch mới, hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.
Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, trong ngày 20/8, Thành phố đã tiêm được cho 106.831 người. Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 5.152.055 liều; trong đó Quận 1, quận Phú Nhuận, Quận 5 đạt 100% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19; Quận 7 đạt trên 98%; Quận 11 đạt trên 97,6%; thành phố Thủ Đức đạt gần 91%...
Nhằm đảm bảo bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát, hoàn tất đầy đủ việc tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho những người trên 65 tuổi. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã phân bổ hơn 146.000 liều vaccine cho các đơn vị để tổ chức tiêm cho người trên 65 tuổi.
|
Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam. Ảnh: TTXVN |
Tăng cường lực lượng quân y giúp các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch COVID-19
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 20/8, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng có công điện hỏa tốc về việc tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, Cục Quân y đề nghị Học viện Quân y huy động 300 bác sỹ và học viên đại học tăng cường cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam, trong đó có 120 bác sỹ là học viên đang đào tạo sau đại học thuộc các đơn vị của Học viện; 180 học viên đại học từ năm thứ hai trở lên. Số bác sỹ, học viên trên chia thành các tổ, mỗi tổ 5 người gồm 2 bác sỹ và 3 học viên, sẵn sàng lên đường ngay khi có lệnh. Học viện Quân y lập danh sách chia tổ cụ thể và báo cáo về Cục Quân y và danh sách toàn bộ lực lượng tăng cường báo cáo về Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần).
Lực lượng tăng cường này sẽ có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao. Học viện Quân y có nhiệm vụ tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ theo nhiệm vụ cho số bác sỹ, học viên trên.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng chủ trương tiếp tục thành lập các bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân trên địa bàn này. Nhằm kịp thời cơ động lực lượng cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị đến các địa bàn có dịch, cùng ngày, Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) đã có văn bản về việc vận chuyển lực lượng cán bộ, nhân viên y tế chi viện phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, từ 21 - 23/8, dự kiến sẽ có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không (từ sân bay Nội Bài vào sân bay Tân Sơn Nhất). Tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong vùng dịch, trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 triển khai thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía Nam. Theo Cục Quân y, tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có khoảng trên 2.000 cán bộ, y bác sỹ, nhân viên...
Hương Diệp