Tin mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển

(Mặt trận) - Phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh TTXVN 

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, ngày 17/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

"Thưa các vị đại biểu,

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự Hội nghị tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Hội đồng Lý luận Trung ương. Với tình cảm của một người ít nhiều có quan hệ gắn bó với công việc của Hội đồng và tình đồng chí, đồng nghiệp thân thiết, tôi thân ái gửi tới các đồng chí và qua các đồng chí gửi tới toàn thể anh chị em làm công tác lý luận chính trị cả nước lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc các đồng chí luôn luôn vui khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Tôi được biết, các đồng chí đã chuẩn bị rất kỹ cho Hội nghị quan trọng này. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đồng chí đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác cho nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các nhiệm kỳ tới. Qua Báo cáo của các đồng chí và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, tôi cơ bản đồng tình, đánh giá cao các kết quả mà Hội đồng đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua (2016 - 2021), cũng như những phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho thời gian tới. Sau đây tôi xin tham góp một số ý kiến có tính chất nhấn mạnh hoặc gợi mở thêm để các đồng chí tham khảo.

1. Về kết quả công tác của nhiệm kỳ 2016 - 2021

Có thể nói, đó là những kết quả to lớn, tương đối toàn diện, rất đáng trân trọng. Nổi bật là:

- Hội đồng đã luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, phát huy các mặt thuận lợi, kinh nghiệm hoạt động và thế mạnh của Hội đồng, khắc phục các khó khăn, thách thức, triển khai một khối lượng lớn công việc, có bước tiến mới, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn; xây dựng một số báo cáo tư vấn có chất lượng, góp phần giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết, kết luận quan trọng về các vấn đề như: Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển v.v...

- Hội đồng đã tổ chức triển khai, quản lý một cách khá chặt chẽ, bài bản, có hiệu quả Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020 (KX.04/16-20). Các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình có giá trị lý luận và thực tiễn, được chắt lọc kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và góp phần thiết thực vào quá trình xây dựng dự thảo một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

- Hội đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011. Qua tổng kết đã làm rõ thêm quá trình phát triển nhận thức lý luận của Đảng, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới; những hạn chế, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần giải quyết, và bước đầu đề xuất, kiến nghị một số quan điểm, định hướng nhằm từng bước hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tôi đặc biệt hoan nghênh và ghi nhận tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động của Hội đồng, các Tiểu ban của Hội đồng, nhất là Thường trực Hội đồng trong việc tham gia xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Thường trực Hội đồng và nhiều đồng chí ủy viên Hội đồng là nòng cốt của Tổ Biên tập văn kiện Đại hội XIII đã làm việc một cách tích cực, nghiêm túc, khoa học, cầu thị, với tâm huyết, ý thức trách nhiệm cao, thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng dự thảo các văn kiện. Nhiều vấn đề do Hội đồng đề xuất trên cơ sở chắt lọc, tổng hợp kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân, đã được Tiểu ban văn kiện, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội xem xét, chấp nhận đưa vào các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

- Tôi cũng rất vui mừng nhận thấy, cơ quan Hội đồng đã thực sự là một tập thể đoàn kết, trách nhiệm, là đầu mối kết nối các thành viên của Hội đồng, tập hợp, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà khoa học, nhất là giới nghiên cứu lý luận trong cả nước; phát huy được tinh thần dân chủ, tích cực, sáng tạo và đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Hội đồng đã được cải thiện, đầu tư, nâng cấp một bước.

Có thể nói, 5 năm qua, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những cố gắng đổi mới mô hình và phương thức hoạt động, tăng cường tập hợp đông đảo các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, học viện và các trường đại học; kế thừa thành quả, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của Đảng ta, đất nước ta. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những đóng góp của Hội đồng Lý luận Trung ương trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng cũng cần nhận thức sâu sắc và nỗ lực hơn nữa, khắc phục bằng được những hạn chế, thiếu sót, nhất là hạn chế về chất lượng, hiệu quả tư vấn ở tầm quan điểm, chiến lược, đường lối về lý luận chính trị như các đồng chí đã nêu trong Báo cáo. Đất nước ta đã qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, song hiện vẫn còn không ít vấn đề lý luận, thực tiễn chưa được luận giải thấu đáo và làm sáng tỏ; vẫn còn những vấn đề mới mà thực tiễn phát triển của thế giới, nhất là của Việt Nam đặt ra cần được nghiên cứu, tổng kết để góp phần phát triển, hoàn thiện đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, làm cơ sở tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

2. Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới:

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện của đất nước ta đang đi vào chiều sâu, đặt ra những nhiệm vụ mới, hết sức nặng nề nhưng rất vẻ vang đối với giới lý luận Việt Nam, trước hết là đối với Hội đồng Lý luận Trung ương. Nhân dịp này tôi muốn trao đổi, gợi mở thêm một số vấn đề để các đồng chí cùng suy nghĩ, thảo luận.

Trước hết, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa yêu cầu của công tác lý luận chính trị trong thời kỳ mới. Đại hội XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn chiến lược và lộ trình, bước đi rất cụ thể để phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm, 25 năm tới. Bối cảnh quốc tế và yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển trên cơ sở phát huy tiềm năng, vị thế, điều kiện thực tiễn của chúng ta, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, thời đại. Do vậy, "không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn", "phải có tầm nhìn vượt trước" (như Tôi đã nói tại Kỳ họp thứ tư của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ này, ngày 23 tháng 12 năm 2017); phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Chỉ Đảng nào có lý luận tiên phong hướng dẫn thì Đảng đó mới làm tròn được vai trò là người chiến sĩ tiên phong".

Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, công tác lý luận được nhấn mạnh và định hướng rất cụ thể gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trực tiếp là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận, với yêu cầu cao: "Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" (Văn kiện Đại hội XIII, tập 2, tr.234 -235). Hội đồng Lý luận Trung ương và giới lý luận nước ta phải trả lời cho được câu hỏi quan trọng: Để phục vụ và góp phần đạt được mục tiêu phát triển đất nước qua ba dấu mốc quan trọng 2025, 2030, 2045 thì mục tiêu phát triển lý luận Việt Nam là gì? Phải chăng, đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Cần xác định và thống nhất mục tiêu phát triển lý luận như vậy để quyết tâm phấn đấu, lao động, sáng tạo. Chú ý nghiên cứu những vấn đề mới về lý luận của thế giới; các vấn đề mới do thực tiễn đặt ra; kinh nghiệm của các nước tiên tiến; của cuộc cách mạng về khoa học công nghệ,... Từng bước bổ sung, hoàn thiện lý luận, xây dựng một hệ thống (nền) lý luận của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: Xây dựng và bảo vệ đất nước, mở cửa hội nhập, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, có vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói, một chân trời sáng tạo rộng lớn, một thời cơ phát triển rất tốt đẹp đang mở ra trước Hội đồng Lý luận Trung ương và giới lý luận nước nhà.

Để phục vụ cho nhiệm vụ lớn lao ấy, Hội đồng phải tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham vấn về lý luận chính trị, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Căn cứ vào Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương, Hội đồng phải xây dựng và triển khai kế hoạch tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để kịp thời xây dựng các báo cáo tư vấn; tổng kết, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm kết luận những vấn đề thực tiễn đã chín, đã rõ; xây dựng các chuyên đề lý luận có chất lượng để phục vụ chương trình nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025; phục vụ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, kết luận; góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Phải gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; với xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế phát triển đất nước dựa chủ yếu vào nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy cao độ nhân tố con người là chủ thể phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, không rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Năm bài học kinh nghiệm được tổng kết trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, như tôi đã nói tại Đại hội, phải chăng đây là những vấn đề lý luận căn cốt của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội đồng Lý luận Trung ương phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển và làm sâu sắc những nội dung này. Muốn thế, phải rất coi trọng việc nghiên cứu lý luận cơ bản gắn với việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, học tập, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, nhất là những mô hình phát triển năng động, sáng tạo, hiệu quả. Tổng kết thực tiễn ở tầm lý luận đòi hỏi một tinh thần và cách làm việc rất công phu, nghiêm túc, khoa học.

Với trách nhiệm được giao, Hội đồng cần chủ động, thể hiện tốt vai trò là đầu mối phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy địa phương, các cơ quan và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị cả nước trong hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Sự nghiệp đổi mới càng đi vào chiều sâu, thì càng có nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn mới đặt ra, cần phát huy trí tuệ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, mà nòng cốt là các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận.

Hội đồng Lý luận Trung ương phải xây dựng được một cơ chế và tạo môi trường thuận lợi để thu hút, tập hợp được đông đảo đội ngũ cộng tác viên, những chuyên gia, những nhà khoa học giỏi, có tâm, có tầm trên tất cả các lĩnh vực của đất nước; mở rộng các hình thức thảo luận, tranh luận, đối thoại lý luận trên tinh thần khoa học, dân chủ, cầu thị; thật sự trân trọng những ý tưởng, những đề xuất lý luận có giá trị, hữu ích cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và cho quốc kế dân sinh. Hết sức tránh tư tưởng bảo thủ, cục bộ, võ đoán, quy chụp và cách làm khép kín. Phát huy dân chủ, tự do tư tưởng trong nghiên cứu lý luận vì lợi ích của đất nước, dân tộc; đồng thời chủ động, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các luận điểm phản động, thù địch, xuyên tạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội đồng cần nỗ lực nhiều hơn để xây dựng hệ thống các luận cứ lý luận - thực tiễn thật sự khoa học, có tính chiến đấu, có sức thuyết phục cao, phục vụ một cách thiết thực, hiệu quả cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận với các thế lực thù địch, phản động đang và sẽ còn diễn ra gay gắt, quyết liệt.

Hội đồng Lý luận Trung ương cần được tiếp tục kiện toàn, đổi mới để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới. Thực tiễn 25 năm với 5 nhiệm kỳ hoạt động, Hội đồng đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong hệ thống các cơ quan ở Trung ương. Như tôi đã phát biểu trong lần gặp mặt và làm việc trước đây với Hội đồng: Các đồng chí cần làm "đúng vai và thuộc bài". Cần khẳng định: Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là cơ quan tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận của Đảng, làm tham mưu, tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phục vụ việc hoạch định, phát triển và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cần tổng kết nghiêm túc và phát huy những thành quả, ưu điểm đã đạt được; chỉ ra những mặt chưa được, những hạn chế, bất cập cả về chủ quan và khách quan để kịp thời khắc phục. Hội đồng cần chủ động làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khác của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự; cơ chế, chính sách hoạt động, chế độ đãi ngộ phù hợp..., trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Đề nghị các cơ quan hữu quan tích cực giúp đỡ, phối hợp, hỗ trợ Hội đồng Lý luận Trung ương trong quá trình hoạt động, bảo đảm cho Hội đồng thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trong không khí cả nước đang náo nức, phấn khởi, tin tưởng trước thành công rất tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIV, tích cực khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp, với trách nhiệm và tình cảm gắn bó thân thiết với Hội đồng và các đồng chí, tôi xin chúc Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích hơn nữa, thắng lợi và thành công hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúc các đồng chí sức khoẻ, có nhiều niềm vui và hạnh phúc trong lao động sáng tạo và cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn"./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản