Tin mới

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam

(Mặt trận) -Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh” nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến xuất sắc của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chiều 8/7, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh”, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022).

Dự, chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ban, sở, ngành, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn).

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Hội thảo nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh; đồng thời bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến xuất sắc của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, nay là khu phố Phù Khê, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1928, đồng chí được kết nạp và tham gia hoạt động cách mạng trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và năm 1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử là đại diện Xứ ủy giúp việc liên lạc và chỉ đạo Đặc khu ủy vùng mỏ. Tháng 2/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị kết án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo từ năm 1931 đến năm 1936.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Anh Tuấn)

Cuối năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia thành lập “Ủy ban sáng kiến” - cơ quan có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ; sau đó tham gia tái lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ (3/1937) và được cử là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Tại Hội nghị Trung ương Đảng (mở rộng) năm 1937, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và đến Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi mới chưa đầy 26 tuổi. Ngày 18/1/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (23/11/1940), đồng chí bị thực dân Pháp buộc tội chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa và ngày 28/8/1941, đồng chí đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.

Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta.

Thông qua những tham luận được trình bày tại Hội thảo làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, niềm tự hào của quê hương Bắc Ninh. Đây là những tư liệu hết sức quý báu và là tài liệu quan trọng để các đơn vị, địa phương, nhất là tỉnh Bắc Ninh thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về sự cống hiến của các bậc lãnh đạo tiền nhân đối với đất nước, quê hương; khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập và phát triển.

Với 50 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học tham gia, Hội thảo tập trung vào các nội dung: Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Người cộng sản kiên trung thế hệ đầu tiên của Đảng; Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam; Tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực; Người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh.

Hội thảo thống nhất khẳng định, lựa chọn lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân, cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ là tấm gương tiêu biểu của người thanh niên yêu nước nhiệt thành. Đồng chí đã từ bỏ con đường mưu cầu danh lợi cá nhân để đến với lý tưởng Cộng sản cao đẹp và trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.

Quyết tâm vì sự nghiệp và lý tưởng cách mạng cao đẹp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong hành trình hoạt động cách mạng: khi đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ than Đông Bắc, khi bị kẻ thù tra tấn, đày ải tàn bạo nơi lao tù đế quốc, thậm chí ngay cả trước mũi súng quân thù khi ra pháp trường.

Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo 

Đồng chí luôn thể hiện tấm gương cao đẹp của người Cộng sản, tấm gương học tập không ngừng nghỉ, tấm gương kiên trung, bất khuất. Với 29 năm tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng liên tục cho đến lúc hy sinh, dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn thể hiện tấm gương đạo đức trong sáng, nêu cao tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất, đặt lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng lên trên hết, trước hết.

Đồng chí là tấm gương về lối sống giản dị, thương yêu, chăm lo cho đồng chí, đồng đội, là trung tâm quy tụ, đoàn kết các chiến sĩ cách mạng vì lý tưởng chung. Đồng chí chính là hình ảnh tiêu biểu của một người cán bộ dân vận xuất sắc của Đảng, luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, hòa mình vào đời sống thực tiễn của người lao động, lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng của quần chúng Nhân dân để tuyên truyền, giác ngộ Nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã làm rạng danh quê hương Bắc Ninh, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của vùng đất Kinh Bắc. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh mãi mãi tự hào về đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn, ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Kinh Bắc, đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ tại Tượng đài Tổng Bí thư ở thành phố Bắc Ninh. (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Bắc Ninh - Kinh Bắc, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, Bắc Ninh có nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - lãnh đạo chủ chốt của Đảng, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh đã trở thành niềm tự hào to lớn, là động lực tinh thần cổ vũ các thế hệ người Bắc Ninh trong quá trình xây dựng và phát triển. Đồng chí khẳng định, hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

 Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Anh Tuấn)

Trước đó, Đoàn đại biểu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng Đoàn đã dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ tại Tượng đài Tổng Bí thư ở thành phố Bắc Ninh./.

Anh Tuấn

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản