|
Tổng Bí thư Tô Lâm đến chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cùng đi với Tổng Bí thư có các đồng chí: Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư…
Khai thác hiệu quả nhiều tiềm năng thế mạnh
Tại buổi làm việc, báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Thuận cho thấy, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy đã ban hành 23 nghị quyết chuyên đề, 14 chương trình hành động, 10 đề án, 59 chỉ thị, 354 kế hoạch, 51 quy định... để lãnh đạo, chỉ đạo trên các mặt công tác.
Qua 5 năm thực hiện, kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, ước hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9% thuộc top đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp; khai thác hiệu quả được nhiều tiềm năng thế mạnh. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện. Dịch vụ, du lịch phục hồi, lượng du khách đến tỉnh tăng mạnh, đến cuối năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện đáng kể, huy động nguồn lực đầu tư đạt kết quả tích cực. Trong vòng 10 năm qua thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,34% xuống còn 2,69%.
|
Tổng Bí thư Tô Lâm với cán bộ chủ chốt tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Văn hóa-xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo bước đầu đạt kết quả. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, vị thế của tỉnh được nâng lên.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực, tỉnh đã bám sát các văn bản của Trung ương, tập trung lãnh đạo quyết liệt, chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động triển khai thực hiện kịp thời Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đến nay, từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đầy đủ các khâu tổ chức học tập, quán triệt, ban hành kế hoạch thực hiện đến việc chủ động chuẩn bị điều kiện về văn kiện, nhân sự.
Theo Báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Thuận, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12, ngày 25/11/2009, xác định quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tổng diện tích Quy hoạch xây dựng nhà máy là 1.642,22 ha, ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 người/1.100 hộ. Thực hiện dừng chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và các công trình phúc lợi công cộng ở 2 xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải, vùng lân cận bị xuống cấp do không được đầu tư chờ bàn giao chuyển đi nơi ở mới. Nhân dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn, trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống-sản xuất.
Sau khi có chủ trương tái khởi động nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, tỉnh đã tuyên truyền đến nhân dân hiểu rõ hơn và đông đảo người dân ủng hộ, đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước.
|
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng và xúc động, chứng kiến vùng đất khô hạn với lượng mưa ít ỏi, thấp nhất cả nước chỉ với khoảng 700-800mm một năm, Ninh Thuận đã vượt lên khó khăn, biết khai thác những tiềm năng sẵn có, từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đến du lịch xanh và nông nghiệp công nghệ cao. Ninh Thuận ngày nay không chỉ là điểm đến hấp dẫn, mà còn là lời nhắc nhở rằng sự quyết tâm, bền bỉ, sáng tạo có thể biến những thách thức thành cơ hội, mở ra con đường phát triển bền vững và đầy hy vọng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã đạt được trong thời gian qua.
Về một số vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, vướng mắc, để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng của quốc gia nói chung, trong đó có các dự án năng lượng ở Ninh Thuận.
Đối với điện hạt nhân, vừa qua Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay, điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Trong lịch sử có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, những công nghệ hạt nhân hiện nay đã tiến bộ rất xa, trải qua rất nhiều thế hệ mới so với những công nghệ cũ trước đây. Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân này còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.
|
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tổng Bí thư mong muốn, người dân Ninh Thuận và các địa phương lân cận chia sẻ, dành nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để phát triển dự án năng lượng phục vụ sự phát triển cho cả nước, chắc chắn sẽ phải được tái phân phối, thụ hưởng những thành quả xứng đáng của sự phát triển. Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau.
Nhấn mạnh quá trình phát triển của Ninh Thuận còn chưa tương xứng với tiềm năng, Tổng Bí thư chỉ rõ những thế mạnh để phát triển như tiềm năng du lịch; kinh tế biển, cảng biển và trung tâm dịch vụ logistics; năng lượng điện mặt trời, điện gió; công nghiệp muối và hóa chất sau muối… Tất cả giá trị tiềm tàng của Ninh Thuận rất lớn cần có cách nhìn mới mang tính thời đại, toàn cầu, mang hơi thở của kỷ nguyên vươn mình để đánh thức tiềm năng đang ẩn chứa trong đất và người Ninh Thuận.
Tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế- xã hội
|
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, khối Đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên vi phạm; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cùng với đó là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tỉnh phải quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Ninh Thuận tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, hiệu quả, gắn với làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Tổng Bí thư yêu cầu, bám sát Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp cấp trên, chuẩn bị thật tốt các điều kiện và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; trọng tâm là công tác nhân sự phục vụ Đại hội đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu; văn kiện Đại hội khách quan, khoa học, lấy ý kiến rộng rãi, thể hiện ý chí khát vọng vươn lên, vững tin bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tỉnh cần tiếp tục đổi mới, nâng cao giáo dục và đào tạo, đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có cơ thế thu hút nhân tài, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Trong tương lai, Ninh Thuận không chỉ là nơi hội tụ, thu hút nhân tài đến làm việc mà phải là nơi có đủ các điều kiện cần thiết, hấp dẫn để họ mang gia đình đến sinh sống, vì vậy lại càng cần chú trọng đầu tư các hạ tầng căn bản phục vụ phát triển con người.
Tổng Bí thư đề nghị, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Thực hiện có hiệu quả công tác quân sự-quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tỉnh cần chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo chủ trương của Trung ương, nhất là công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời chú trọng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa toàn diện, đặt ngang hàng với kinh tế, xã hội. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; chú trọng giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho nhân dân, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững; xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Tổng Bí thư đề nghị các Ban đảng Trung ương, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương tìm hướng xử lý, giải quyết với quan điểm Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, sáng tạo, phát huy được tiềm năng, thế mạnh.
Với tinh thần mới, khí thế mới, Tổng Bí thư lưu ý, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương của Đảng, quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng trung tâm “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, bám sát các trụ cột quan điểm mới ra đời xung quanh “Tư tưởng trung tâm” này, khẩn trương thẩm thấu trong suy nghĩ, biến thành hành động trong tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tinh thần khẩn trương nhất “vừa chạy vừa xếp hàng”, việc gì làm được ngay thì thực hiện ngay. Cơ hội đã đến, điều kiện đã đủ, phương pháp đã có, tất cả đều phải rất khẩn trương nếu không sẽ để lỡ cơ hội.
Tổng Bí thư tin tưởng, tỉnh Ninh Thuận sẽ tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, tạo tiền đề để đề ra những mục tiêu lớn hơn, tham vọng hơn cho những năm phát triển tiếp theo.
* Hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Ninh Thuận, tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Trong không khí trang nghiêm, với lòng biết ơn vô hạn, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người sáng lập và rèn luyện Quân đội ta; đồng thời, tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng của Đảng và của dân tộc, đem lại nền hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác nguyện tiếp bước truyền thống vinh quang của cha ông, ra sức thi đua, đem hết nhiệt huyết, trách nhiệm và sự sáng tạo, với khát vọng, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
TTXVN