Tin mới

Tổng Bí thư trả lời phỏng vấn nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018

Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, chia sẻ về những kết quả mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong năm qua và những công việc cần tập trung làm tốt trong năm mới. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến việc củng cố niềm tin trong nhân dân, phải hiểu lòng dân, dựa vào dân và được nhân dân đồng lòng ủng hộ - đây chính là nguồn động lực to lớn đưa đất nước tiếp tục vững bước đi lên và Đảng ta, dân tộc ta mãi trường tồn. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Thưa Tổng Bí thư, hình ảnh "lò" đã nóng được nhân dân nhắc đến rất nhiều, như một sự ghi nhận, đồng tình ủng hộ trước những nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư đánh giá thế nào về những kết quả đạt được trong năm qua?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phòng, chống tham nhũng là công việc lớn, rất quan trọng. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết; Quốc hội không kỳ họp nào không bàn; cử tri không cuộc tiếp xúc nào không nói đến. Và không phải đến bây giờ, công tác phòng, chống tham nhũng mới được tiến hành, mà đã tiến hành từ lâu. Nhìn lại năm vừa qua, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ hơn, bài bản, chắc chắn, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được, vì vậy đã tạo được chuyển biến tích cực trên thực tế, kết quả rõ rệt hơn, nhân dân tin tưởng, phấn chấn hơn.

Có được kết quả đó, trước hết là do Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kiên quyết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác, có nhiều giải pháp cụ thể nhằm chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Với sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, hầu hết những nội dung quan trọng trong chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đã được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo đúng kế hoạch. Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm.

Ngay trong những ngày đầu năm 2018 này, việc đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ... cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công-tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó.

Năm vừa qua, 8 đoàn công tác của Trung ương được thành lập, đi đến 20 tỉnh, thành phố để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, qua đó đã thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh."

Đi nhiều nơi, tiếp xúc qua nhiều kênh, hiểu rõ lòng dân thì thấy mừng, vì nhân dân đồng thuận rất cao, luôn đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. "Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng.

Thưa Tổng Bí thư, thông qua công tác kiểm tra, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, đằng sau những sai phạm đó, phải chăng còn có những "lỗ hổng" trong công tác cán bộ cần sớm được khắc phục?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đúng là năm vừa qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao.

Qua kiểm tra đã phát hiện có nơi, có chỗ còn vi phạm quy chế, quy định của Đảng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai, vốn, tài sản của nhà nước, vi phạm trong công tác cán bộ, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, công trình trọng điểm không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách quốc gia, gây mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng...

Thực tế tại nhiều địa phương, đơn vị cũng cho thấy, công tác cán bộ còn rất nhiều việc phải làm. Ví như việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là rất cần thiết, nhưng không phải cốt để có cái "mác" lớp nguồn vào Trung ương, vào cấp ủy… Hay đi luân chuyển là để rèn luyện, trưởng thành, chứ không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, "tráng" qua thực tế để rồi về giữ chức nọ, chức kia. Thời gian luân chuyển chưa được bao lâu, chưa kịp thể hiện, chưa đóng góp được gì nhiều cho cơ sở đã ngấp nghé xin về.... Rồi công tác đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, đều phải công tâm, khách quan, tránh hình thức. Ngay như quy trình, thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt, cái đúng, cho nên phải chặt chẽ, thực hiện nghiêm, tránh tình trạng quy trình thì đúng nhưng cán bộ được đề bạt lại không đúng...

Qua kiểm tra, các tổ chức, cá nhân có sai phạm đều đã bị xử lý nghiêm; những tồn tại, khuyết điểm đã được chỉ rõ để khắc phục, sửa chữa kịp thời. Nhưng quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm đó một cách căn cơ, bài bản, bằng các quy định, quy chế, bằng luật pháp, chính sách; phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế. Trên cơ sở đúc rút từ thực tiễn, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; về quy trình 5 bước đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; về luân chuyển cán bộ; về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản... Việc tuyển chọn, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, cũng được quy định chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện hơn, có nhiều đổi mới, cải tiến nhằm hạn chế các sơ hở, tiêu cực.

- Thưa Tổng Bí thư, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét trên thực tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sẽ làm "chùn", làm "chậm" sự phát triển?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thực tế đã cho câu trả lời. Những kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, cùng với những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đã làm nên những thành tựu quan trọng, đáng tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm qua. Một không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan rộng khắp cả nước.

Lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt và vượt yêu cầu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 30 tỉ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, gần 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới...

Năm vừa qua cũng đã ghi nhận những thành công nổi bật trong công tác đối ngoại, với việc đăng cai tổ chức rất thành công năm APEC 2017, tiến hành 18 chuyến thăm cấp cao đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ, thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam, qua đó đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả; chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, chúng ta đã kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Hai nhiệm vụ này luôn song hành, bổ trợ cho nhau. Thực tế cho thấy, những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Và đây chính là nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, chứ không phải ngược lại.

Một quan điểm lớn đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh khi lần đầu tiên tới dự và phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, triển khai nhiệm vụ năm 2018, đó là "Phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới." Để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo đó, cần tập trung vào những nội dung cốt yếu nào thưa Tổng Bí thư?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo điều kiện để mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo luật định.

Phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nước, tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; không vì sức ép tăng trưởng mà coi nhẹ việc giải quyết những vấn đề có tính nền tảng, lâu dài; không vì chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng tăng trưởng.

Cùng với phát triển kinh tế, phải quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân; chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ; chú trọng giữ gìn bản sắc, cốt cách văn hóa Việt Nam, phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt những thời cơ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thực sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực và chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. 

Một mùa Xuân mới lại đang về, mỗi người đều có những ước mong, niềm hy vọng về một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công hơn. Xin Tổng Bí thư chia sẻ một vài cảm nghĩ trước thềm Xuân mới Mậu Tuất 2018? 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chúng ta còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước.

Nhân dịp Xuân mới, tôi xin chúc toàn thể đồng bào, chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn dồi dào sức khỏe, an khang, hạnh phúc, tiếp tục phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, đồng sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, vững bước đi lên mạnh mẽ hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư!

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản