Tin mới

Tổng hợp COVID-19 ngày 11/8: Cả nước thêm 8.766 ca nhiễm mới, tốc độ tiêm vaccine tăng nhanh những ngày gần đây

(Mặt trận) - Cả nước có thêm 8.766 ca nhiễm mới; TP Hồ Chí Minh có trên 1.500 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải thở máy, thêm 2 ổ dịch mới; tốc độ tiêm vaccine COVID-19 của cả nước đang tăng nhanh những ngày gần đây; TP Hồ Chí Minh mua 5 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna và đề nghị cho phép thu phí tiêm vaccine theo nguyên tắc "mua 5 tặng 1"… là những tin nổi bật trong ngày 11/8.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Bệnh viện Dã chiến 10 tăng số giường cấp cứu để kịp thời xử lý các tình huống chuyển nặng của bệnh nhân. Ảnh: BYT 

Ngày 11/8: Thêm 8.766 ca nhiễm mới, trong đó có 1.786 ca tại cộng đồng

Theo tin từ Bộ Y tế, trong ngày 11-8, nước ta ghi nhận 8.766 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.752 ca ghi nhận trong nước tại 33 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có thêm 4.806 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 11-8.

Cụ thể, tính từ 6h đến 18h30 ngày 11-8, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.964 ca nhiễm mới, bao gồm 4 ca nhập cảnh và 3.960 ca ghi nhận trong nước tại thành phố Hồ Chí Minh (1.288), Bình Dương (961), Đồng Nai (551), Long An (448), Đồng Tháp (176), Cần Thơ (103), Bà Rịa - Vũng Tàu (79), Khánh Hòa (61), Đà Nẵng (56), Bình Thuận (41), An Giang (39), Hà Nội (37), Phú Yên (33), Bình Phước (19), Ninh Thuận (19), Nghệ An (14), Thanh Hóa (13), Quảng Ngãi (5), Hải Dương (4), Quảng Nam (4), Hà Tĩnh (2), Nam Định (2), Bạc Liêu (2), Thừa Thiên - Huế (1), Quảng Trị (1), Cà Mau (1). Trong đó, có 651 ca trong cộng đồng.

Trong ngày 11-8 (tính từ 18h30 ngày 10-8 đến 18h30 ngày 11-8), nước ta ghi nhận 8.766 ca nhiễm mới, bao gồm 14 ca nhập cảnh và 8.752 ca ghi nhận trong nước tại 33 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (3.416), Bình Dương (1.897), Đồng Nai (979), Long An (963), Tây Ninh (263), Đồng Tháp (191), Bà Rịa - Vũng Tàu (181), Tiền Giang (177), Cần Thơ (103), Khánh Hòa (102), Bình Thuận (68), Phú Yên (66), Vĩnh Long (63), Đà Nẵng (56), Hà Nội (40), An Giang (39), Bình Phước (19), Ninh Thuận (19), Sơn La (19), Nghệ An (16), Quảng Ngãi (14), Thanh Hóa (13), Kiên Giang (12), Bình Định (10), Hà Tĩnh (9), Hải Dương (4), Quảng Nam (4), Nam Định (3), Bạc Liêu (2), Cà Mau (1), Lạng Sơn (1), Quảng Trị (1), Thừa Thiên - Huế (1). Trong đó, có 1.786 ca trong cộng đồng.

Như vậy, tính đến chiều 11-8, Việt Nam có 236.901 ca nhiễm, bao gồm 2.381 ca nhập cảnh và 234.520 ca nhiễm trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 232.950 ca, trong đó 82.380 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn. Ngoài ra, có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Về tình hình điều trị, có thêm 4.806 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 11-8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 85.154 ca. Ngoài ra, có 489 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Chiều 11-8, Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 342 ca tử vong (từ số 4.146 đến 4.487) tại thành phố Hồ Chí Minh (261), Cần Thơ (24), Bình Dương (22), Đồng Nai (11), Đồng Tháp (10), Long An (10), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

Như vậy, hiện Việt Nam đã ghi nhận 4.487 ca mắc Covid-19 tử vong, trong đó 4.452 ca tử vong tại đợt dịch thứ tư này.

Triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức. 

Hà Nội: Lấy gần 178 nghìn mẫu xét nghiệm tại nơi nguy cơ cao, phát hiện 8 mẫu dương tính

Cùng với việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng, ngày 11/8, các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đối tượng nguy cơ và khu vực nguy cơ.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến 18h ngày 11-8, thành phố đã lấy được 177.924 mẫu (đạt 59% tiến độ đề ra), qua đó đã phát hiện 8 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Tại huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, ngoài thôn Khảm Lâm đang bị phong tỏa thì 85 người dân 5 thôn còn lại của xã Phúc Lâm (bán hàng ở các khu vực nội thành, ngoại thành, chủ cửa hàng dịch vụ ở địa phương, lái xe và một số đi giao hàng, người địa phương đi làm việc bên ngoài trở về) đã được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm chuyên sâu lần này. Huyện Mỹ Đức phấn đấu đến ngày mai (12-8), sẽ lấy xong 2.000 mẫu theo kế hoạch được giao.

Tương tự, huyện Hoài Đức cũng đã lấy 2.000 mẫu đối với người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ, nhóm người có nguy cơ. Kết quả, 2.000 mẫu được lấy đều âm tính với SARS-CoV-2.

Huyện Gia Lâm cũng đã triển khai lấy 2.000 mẫu và hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.

Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất triển khai lấy 2.000 mẫu xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ tại địa bàn 8 xã, gồm: Hữu Bằng, Bình Phú, Canh Nậu, Chàng Sơn, Thạch Hòa, Đại Đồng, Hương Ngải, Hạ Bằng. Kết quả, tất cả các mẫu trên đều âm tính.

Còn tại huyện Đông Anh, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 4.315 người (tại Cụm công nghiệp Nguyên Khê pha 1, pha 2 và Cụm công nghiệp ô tô 1/5, chợ Hải Bối, chợ Vân Trì, chợ Tó...) và đang chờ kết quả.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả xét nghiệm đối tượng nguy cơ và khu vực nguy cơ trong ngày 11-8 là 106.539 mẫu. Như vậy, trong 2 ngày 10 và 11-8, thành phố đã lấy được 177.924 mẫu (đạt 59% tiến độ). Kết quả có 8 mẫu dương tính tại 3 quận, huyện: Đống Đa (4), Thanh Trì (3), Hoàng Mai (1) và 57.649 mẫu âm tính; số mẫu còn lại chưa có kết quả.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, trước mắt, từ ngày 10 đến 17-8, thành phố triển khai lấy khoảng 300.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 186.000 mẫu tại khu vực nguy cơ, 114.000 mẫu là đối tượng nguy cơ.

Sau đợt cao điểm này, căn cứ diễn biến dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo đánh giá nguy cơ để tiếp tục triển khai xét nghiệm theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 đang tăng nhanh những ngày gần đây

Những ngày gần đây, tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được đẩy mạnh, kỷ lục ngày 10/8, cả nước đã tiêm được hơn 1,4 triệu mũi/ngày. Các chuyên gia cho rằng, nếu với tốc độ này và có đủ vaccine, từ giờ đến hết năm, Việt Nam có thể tiêm được cho 70- 80 triệu người dân.

Những ngày gần đây, tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 đang tăng nhanh tại các địa phương; chẳng hạn ngày10/8, Việt Nam đạt kỷ lục khi tiêm được 1.408.453 liều; ngày 9/8 tiêm được 599.941 liều; ngày 8/8 tiêm được 514.503 liều… tăng nhanh so với tốc độ chỉ vài chục nghìn liều/ngày trong thời gian trước.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 10/8, Việt Nam đã tiêm được tổng số 11.341.864 liều vaccine COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là 10.305.762 liều, tiêm mũi 2 là 1.036.102 liều.

Tính đến hiện tại, một số tỉnh, thành được phân bổ lượng vaccine nhiều như: TP Hồ Chí Minh được phân bổ nhiều nhất với hơn 5 triệu liều; Hà Nội được phân bổ thực tế hơn 2,9 triệu liều; Bình Dương 568.060 liều; Đồng Nai 539.040 liều…

Đánh giá tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Những ngày gần đây, công tác tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam đã tốt hơn; mới đây Bộ Y tế đã có Hướng dẫn tổ chức tiêm vaccine tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ tiêm. Với tốc độ như hiện nay, chỉ trừ trường hợp không có vaccine, còn nếu có vaccine, các địa phương thậm chí có thể tiêm được nhanh hơn nữa”.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, với tốc độ tiêm hơn 1 triệu mũi/ngày như hiện tại; nếu có đủ vaccine và duy trì tốc độ này, chỉ cần khoảng 3 tháng sau hoặc đến đầu năm 2022, Việt Nam có thể tiêm được cho khoảng 70- 80 triệu người (tương đương 70- 80%) dân số được tiêm chủng, để hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, tốc độ tiêm chủng vaccine của các địa phương đã nhanh hơn so với trước đó, tuy nhiên nếu tính tỷ lệ phần trăm so với số vaccine đã được phân bổ thì vẫn thấp. Hiện có một số địa phương có tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 chậm như: Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Thanh Hoá.

TP Hồ Chí Minh: Trên 1.500 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải thở máy, thêm 2 ổ dịch mới

Ngày 11/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số 31.885 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị, có 1.504 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, qua điều tra và truy vết khoanh vùng, trong ngày 11/8 thành phố phát hiện thêm 2 ổ dịch mới. Hiện có 27 ổ dịch diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến sáng 11/8, có 132.321 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố. Trong đó, có 131.938 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 383 trường hợp nhập cảnh.

Riêng trong ngày 10/8, có 2.964 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 60.994. Hiện Thành phố đang điều trị 31.885 bệnh nhân, trong đó có 1.504 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, thành phố đang theo dõi, điều trị F0 tại nhà là 12.613 trường hợp và 10.552 trường hợp F1 được cách ly tại nhà. Những trường hợp này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, để phát hiện sớm các trường hợp F0 trong cộng đồng cũng như kịp thời trả kết quả cho các khu cách ly, bệnh viện điều trị, TP Hồ Chí Minh thực hiện điều chỉnh việc phân bổ, điều phối mẫu xét nghiệm dựa trên công suất, nhu cầu của các đơn vị.

Tp Hồ Chí Minh tập trung tiêm chủng cho người dân

TP Hồ Chí Minh đề nghị cho phép thu phí tiêm vaccine theo nguyên tắc "mua 5 tặng 1"

Ngày 11/8, UBND TP Hồ Chí Minh gửi công văn trả lời Bộ Y tế về việc Thành phố mua 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Moderna.

Trong văn bản phản hồi với Bộ Y tế, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố luôn ý thức rõ về tầm quan trọng của vaccine trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế và cộng đồng doanh nghiệp, Thành phố luôn nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội để mang vaccine đảm bảo chất lượng về cho người dân Thành phố nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Về tiến độ đàm phán mua vaccine Moderna, theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, sau khi được sự chấp thuận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc TP Hồ Chí Minh mua và nhập khẩu vaccine, UBND TP Hồ Chí Minh giới thiệu cho Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco), Tập đoàn VinaCapital tiến hành đàm phán với Công ty TNHH Zuelling Pharma - đại diện nhà sản xuất vaccine Moderna để mua 5 triệu liều vaccine Moderna cho thành phố.

Cho đến nay, Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều vaccine Moderna, các quy định về bảo mật nội dung hợp đồng cho Công ty TNHH Zulling Pharma, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco để thương thảo và ký kết hợp đồng chính thức. Nếu hợp đồng được ký kết, dự kiến quý 4/2021 giao vaccine hoặc chậm nhất quý 1/2022.

Hiện tại, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco tiếp tục thương lượng, yêu cầu Moderna, Công ty TNHH Zuellig Pharma đảm bảo số lượng cung ứng tối thiểu 2 triệu liều giao trong tháng 10 năm 2021.

Ngoài ra, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco đang tiến hành đàm phán với Moderna, Công ty TNHH Zuellig Pharma để mua ít nhất 10 triệu liều vaccine mũi tăng cường, giao trong đầu quý 2/2022. Bởi mũi thứ 2 này rất quan trọng, hiện nay các nước đặt hàng nhiều.

Để đảm bảo việc tiếp cận vaccine, tăng khả năng huy động nguồn lực của xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế có chủ trương chính thức cho phép VinaCapital thực hiện hợp tác công - tư, tổ chức thu phí tiêm vaccine theo cơ chế "mua 5 liều vaccine sẽ tặng xã hội một liều". Hiện tại, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về thực hiện tổ chức tiêm cho các trường hợp có nhu cầu và tự chi trả phí tiêm chủng.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng. Bộ có thể tổng hợp nhu cầu vaccine Moderna của các địa phương khác nhằm tăng cường số lượng đặt hàng vaccine gồm 5 triệu liều chính và 10 triệu liều tăng cường để thúc đẩy giao hàng sớm, có thể giảm giá mua.

Các doanh nghiệp mong muốn áp dụng linh hoạt phương án "3 tại chỗ". 

Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị thay đổi phương thức "3 tại chỗ"

Những ngày này, các hiệp hội và doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Chính phủ, TP Hồ Chí Minh xem xét thay đổi cách thực hiện "3 tại chỗ" linh hoạt hơn theo hướng phù hợp với thực tế và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất trong mùa dịch, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

tại các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, đa số doanh nghiệp cho biết Chính phủ cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đại diện Công ty CP Saigon Food, quy định "3 tại chỗ" tại các nơi không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và tăng cho phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí "3 tại chỗ" rất lớn, đặc biệt là chi phí xét nghiệm COVID-19 cứ 5 ngày/lần đối với nhân sự làm việc "3 tại chỗ" cũng khiến doanh nghiệp mệt mỏi, đuối sức. Trong khi đó, những khoản tiền này không nằm trong chi phí chung của công ty, nay muốn đưa vào chi phí cũng không được bởi sẽ khiến chi phí đội lên, kéo theo giá thành sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh này, dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng không tăng giá, nếu tăng giá thì không khách hàng, người tiêu dùng nào chấp nhận.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, hiện nay doanh nghiệp còn hoạt động đang phản ánh sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50-60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, xét nghiệm cho người lao động. Chưa kể, các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng loạt tại các địa phương đang gây khó cho doanh nghiệp, trong đó có ngành dệt may.

Theo ông Vũ Đức Giang, phương án "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến" chỉ có thể là giải pháp tình thế trong ngắn hạn. Thực tế, có một số doanh nghiệp phát hiện có F0 phải đóng cửa và rất lúng túng trong cách xử lý và đến ngày 5/8, một số tỉnh yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa ngay cả khi chưa có ca F0.

Bến Tre cách chức cán bộ không chấp hành quy định phòng, chống dịch

Ngày 11/8, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre Võ Văn Thanh cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi UBND tỉnh, Tổng cục Thuế, Đảng ủy Khối cơ quan-doanh nghiệp tỉnh, UBND huyện Châu Thành về kết quả xử lý công chức vi phạm liên quan đến trường hợp ông Trần Khởi Nghĩa - Đội trưởng Đội thuế liên xã số 5 (thuộc Chi cục Thuế khu vực Bến Tre-Châu Thành).

Ông Nghĩa đã có những hành vi không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch, chống đối lực lượng trực tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên cầu Thành Triệu, thuộc xã Thành Triệu, huyện Châu Thành vào ngày 21/7.

Cụ thể, Đảng ủy Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo Đảng bộ bộ phận Chi cục Thuế khu vực Bến Tre-Châu Thành kiểm điểm xử lý kỷ luật đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy định số 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, hình thức kỷ luật đảng đối với ông Trần Khởi Nghĩa là cảnh cáo.

Cục Thuế tỉnh tiến hành các trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật hành chính theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp quản lý. Hình thức kỷ luật đối với ông Nghĩa là cách chức Đội trưởng Đội thuế liên xã số 5.

Trước đó, vào lúc 8 giờ 20 phút ngày 21/7/2021, tại cầu Thành Triệu giáp địa bàn xã Tiên Thủy, ông Trần Khởi Nghĩa (sinh năm 1964), Đội trưởng Đội thuế liên xã số 5, Chi cục Thuế khu vực Bến Tre-Châu Thành đến chốt kiểm tra.

Khi được yêu cầu kiểm tra giấy đi đường của cơ quan hoặc địa phương, ông Nghĩa đã to tiếng với lực lượng làm nhiệm vụ. Mặc dù đã được giải thích và yêu cầu xuất trình giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách nhưng ông Nghĩa không chấp hành, có lời lẽ khiếm nhã với lực lượng làm nhiệm vụ tại đây. Sau đó, ông Nghĩa lái xe qua chốt, không chấp hành yêu cầu kiểm tra.

Không dừng lại ở đó, vào khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, cũng tại chốt cầu Thành Triệu, ông Trần Khởi Nghĩa đi làm về đến chốt, lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu kiểm tra giấy đi đường của cơ quan hoặc địa phương, ông tiếp tục không chấp hành và có lời lẽ không đúng mực với lực lượng chức năng.

Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Thành Triệu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Khởi Nghĩa, số tiền 2,5 triệu đồng do không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ tại chốt kiểm soát dịch cầu Thành Triệu.

Xuất hiện tình trạng mua bán giấy đi đường để "qua mặt" chốt kiểm soát dịch

Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ 11 giờ ngày 10/8 đến 11 giờ ngày 11/8, tại 23 chốt kiểm soát các cửa ngõ ra - vào Thủ đô, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt hành chính 863 trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời tăng cường kiểm soát cả hai chiều ra - vào thành phố.

Đáng chú ý, lợi dụng tâm lý của người tham gia thông cần giấy đi đường để di chuyển qua các chốt trên địa bàn thành phố, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng làm giả, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ để “thông chốt” kiểm soát dịch.

Điển hình, ngày 11/8, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an quận Thanh Xuân đang điều tra làm rõ 3 trường hợp mua 9 giấy đi đường ở cửa hàng cầm đồ để di chuyển qua các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 6/8, tại chốt kiểm soát dịch ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), tổ công tác đã phát hiện 3 trường hợp gồm: T.Đ.L., Đ.H.T. (đều 28 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) và Đ.V.B. (34 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội), sử dụng giấy đi đường để qua chốt có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã đưa những trường hợp này về trụ sở công an để làm việc.

Tại Cơ quan Công an, các trường hợp này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng (Đống Đa, Hà Nội). Hiện Công an quận Thanh Xuân đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Hà Nội quản lý an toàn phòng dịch cho đội ngũ shipper

Hà Nội đã ghi nhận nhân viên giao hàng mắc COVID-19 cho thấy, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bưu kiện, shipper đặt ra cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 cho đội ngũ này cần được đặt lên hàng đầu.

Ngày 9/8, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có công văn về việc rà soát 341 người liên quan đến các trường hợp F0 tại Công ty TNHH MTV Logistic Viettel, do trước đó (từ ngày 5-9/8), quận này đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại công ty này.

Với tính chất phức tạp của ổ dịch tại công ty TNHH MTV Logistic Viettel, do đây là công ty vận chuyển hàng hóa, bưu kiện đi đến các quận, huyện và một số tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều người dân cảm thấy lo ngại về tính an toàn phòng dịch COVID-19 trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, shipper.

Ngay sau khi ghi nhận các ca F0 tại Công ty TNHH MTV Logistic Viettel, UBND quận Bắc Từ Liêm đã đề nghị UBND các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Lai Châu, Nghệ An, Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Điện Biên, Bắc Ninh và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có liên quan phối hợp rà soát những người liên quan để có biện pháp phòng dịch theo quy định.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản quyết định dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và “xe ôm”, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper). Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu, các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe) tạm dừng việc cung cấp ứng dụng gọi xe từ ngày 24/7 cho đến khi có thông báo mới đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô.

Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân, thành phố vẫn cho phép nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử được hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch và được quản lý chặt chẽ.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thành phố chỉ đạo ngành công thương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thống nhất những đối tượng thuộc vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử được phép lưu thông trên địa bàn. Cụ thể là những nhân viên shipper của hệ thống siêu thị, hệ thống logistic của sàn thương mại điện tử, nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ.

Về danh sách những doanh nghiệp quản lý shipper được phép hoạt động vận chuyển hàng hóa đến tay người dân ở Hà Nội hiện nay, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trên cơ sở đề nghị của các Sở quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp mã xác nhận qua tin nhắn cho nhân viên sử dụng phương tiện xe mô tô, xe 2 bánh tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu và bưu gửi.

Bình Dương xin phân bổ khẩn 1 triệu liều vaccine

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ xin phân bổ thêm 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Với năng lực hàng trăm đội tiêm chủng như hiện nay, dự kiến 1 triệu liều vaccine sẽ được tỉnh tiêm cho dân hoàn thành trong 10 ngày để sớm đưa Bình Dương đạt được miễn dịch cho cộng đồng, trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9/2021 theo kế hoạch mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã đề ra.

Tỉnh Bình Dương đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế nhằm sớm kiểm soát được dịch bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong. Song song đó, với việc triển khai xét nghiệm diện rộng để sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng, cộng với chiến dịch tiêm vaccine để từng bước mở rộng "vùng xanh", quyết liệt thu hẹp "vùng đỏ" tiến tới kiểm soát dịch bệnh trên các địa bàn trọng điểm. Tỉnh tập trung quét mạnh F0 trong các nhà máy để các doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động "3 tại chỗ", giảm đứt gãy sản xuất và cung ứng hàng hóa, góp phần đảm bảo mục tiêu kép về phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch đạt được mục tiêu trong năm 2021.

Với quy mô dân số trên 2,6 triệu người, Bình Dương cần tiến hành tiêm vaccine cho hơn 2 triệu người, trong đó ưu tiên các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và lực lượng công nhân, người lao động để nối lại nhịp sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, xuất khẩu quốc tế…

Ngày 11/8, tỉnh Bình Dương tiếp tục ghi nhận 1.268 ca mắc COVID-19 (giảm 35% so với ngày 10/8), đưa tổng số trường hợp ghi nhận trong toàn tỉnh đến nay đã là 33.748 ca. 451 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, nâng số ca xuất viện đến nay là 7.367 ca. Trong ngày, tỉnh ghi nhận 22 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 ở tỉnh này lên 423 trường hợp. Số ca đang điều trị tại các cơ sở y tế 10.339; trong đó 430 ca có bệnh nền; 592 trường hợp chuyển biến nặng.

Tính từ ngày 17/7, đến nay, Sở Y tế triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng đợt 1 bằng test nhanh và test RT-PCR tại tất các địa phương. Kết quả đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.292.846 người, kết quả phát hiện 12.667 người dương tính với SARS-CoV-2 (chiếm 0,98%). Từ ngày 2/8 đến nay, Sở Y tế tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng đợt 2 tại các địa phương và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho 237.519 người, có 7.707 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, Bộ Y tế phân bổ vaccine phòng COVID-19 với số lượng 544.060 liều (từ đợt 1 đến đợt 16). Trên cơ sở đó, Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm với năng lực hơn 100.000 liều/ngày. Tính đến ngày 11/8, Bình Dương đã cơ bản hoàn thành việc tiêm số lượng vaccine nêu trên. Tuy nhiên, do công tác nhập dữ liệu lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia chưa theo kịp tốc độ tiêm chủng nên dữ liệu trên hệ thống chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Hiện tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác nhập dữ liệu, dự kiến sẽ hoàn thành đưa lên hệ thống trong 2-3 ngày tới.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản