Tin mới

Tổng hợp COVID-19 ngày 3/8: Các địa phương tập trung dập dịch dứt điểm, cả nước thêm 8.429 ca mắc mới

(Mặt trận) - Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 3/8 thu hút sự quan tâm của dư luận gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương tập trung dập dịch dứt điểm; Việt Nam ghi nhận thêm 8.429 ca mắc mới; Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.451 tỷ đồng; Bộ Y tế phân bổ thêm gần 980.000 liều vaccine cho TP Hồ Chí Minh và gần 700.000 liều cho TP Hà Nội.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số

Tổ chức trọng thể Lễ tang Đại tướng Nguyễn Quyết

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phú Yên, Khánh Hòa phải mở “chiến dịch” thật mạnh, tập trung dập dịch dứt điểm. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khánh Hòa, Phú Yên cần tập trung dập dịch dứt điểm

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên về công tác phòng chống dịch chiều 3/8 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu 2 địa phương này phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, kết hợp nhuần nhuyễn 2 phương pháp xét nghiệm để tập trung dập dịch dứt điểm, không để dịch bệnh “tiếp tục dây dưa, kéo dài”.

Qua báo cáo về công tác xét nghiệm của hai địa phương (Phú Yên chưa sử dụng hết công suất xét nghiệm, trong khi Khánh Hòa chủ yếu sử dụng xét nghiệm nhanh), các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu hai địa phương rà soát lại công tác này, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa xét nghiệm nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR, phát huy những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiết kiệm để vừa đánh giá nhanh nhất tình hình khu phong tỏa đồng thời có thể tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng. “Không chỉ vây các vùng đỏ mà phải khoanh, giữ bằng được vùng xanh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Trong công tác điều trị, Phó Thủ tướng lưu ý, trước hết, Phú Yên, Khánh Hòa phải chú trọng đến các khu tiếp nhận ca F0 không triệu chứng, bố trí tại địa điểm thông thoáng, chăm lo đầy đủ sức khỏe và tinh thần, cấp phát thuốc đông y, tây y để tăng cường thể trạng, giảm tối đa tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng. Các cơ sở điều trị F0 có triệu chứng và có dấu hiệu chuyển nặng phải có hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao… để giảm tối đa tỷ lệ chuyển sang nặng, rất nặng, nguy kịch.

Trước thực trạng người từ TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam trở về, Phú Yên, Khánh Hòa phải thực hiện triệt để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, không để sót người trở về mà không phát hiện được. Đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ đang chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố, đặc biệt khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.

 Phú Yên, Khánh Hòa phải xem xét lại công tác xét nghiệm, kết hợp hài hoà hai loại xét nghiệm để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên tinh thần tiết kiệm triệt để, hiệu quả tối đa. Ảnh: VGP/Đình Nam

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, từ ngày 23/6 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.498 ca mắc COVID-19, trong đó chủ yếu phát hiện trong các khu cách ly tập trung, 25% số ca ghi nhận trong cộng đồng, các khu phong tỏa, số ca còn lại chủ yếu từ TPHCM trở về. Hiện Phú Yên chỉ sử dụng xét nghiệm RT-PCR trong các khu phong tỏa.

“Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng trên thực tế vẫn còn hiện tượng “ngoài chặt, trong lỏng”, còn hiện tượng người dân từ nhà này sang nhà kia. Số ca mắc trong cộng đồng còn rải rác song tỉnh đang cố gắng kiểm soát tình hình dịch bệnh”, ông Trần Hữu Thế khẳng định.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo cho biết, tỉnh Phú Yên đã quyết liệt, đồng bộ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng một số nơi thực hiện còn chưa nghiêm. Số lượng mẫu xét nghiệm còn thấp so với công suất.

“Phú Yên không phải là tỉnh có mật độ dân số quá đông như các địa phương khác, trong khi đó có rất nhiều vùng xanh an toàn, hoàn toàn có thể dập dịch bằng cách thực hiện rất nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, giảm thiệt hại kinh tế-xã hội, hạn chế áp lực lên ngành y tế”, ông Bùi Thế Duy khuyến cáo.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, trong đợt dịch thứ 4, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.640 ca mắc COVID-19, trong đó có 92% số ca không triệu chứng, triệu chứng nhẹ; 27 ca nặng, 12 ca nguy kịch; 21 ca tử vong. Khánh Hòa có hai khu vực trọng điểm dịch COVID-19 tại thị xã Ninh Hòa (1.301 ca) và thành phố Nha Trang (1.029 ca). Thị xã Ninh Hòa đã khoanh chặt, số ca mắc có chiều hướng giảm rất nhanh. Thành phố Nha Trang đã bắt đầu kiểm soát được tình hình.

Cùng với áp dụng phương châm “4 tại chỗ”, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, toàn tỉnh đang tập trung xét nghiệm nhanh để sàng lọc sơ bộ tại các khu phong tỏa, sau đó xét nghiệm khẳng định RT-PCR.

Đối với tỉnh Khánh Hòa - nơi có mật độ dân cư đông đúc, nhiều giao lưu, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định do chưa giãn cách xã hội sớm nên “bị loang nhanh”, trong khi một số nơi còn chủ quan. Khánh Hòa nên làm mẫu RT-PCR mẫu gộp cho người dân các vùng an toàn (vùng xanh); giảm mật độ đi lại giữa các vùng nguy cơ cao, rất cao (vùng đỏ) và vùng xanh trên toàn tỉnh, cân nhắc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh.

Về việc đóng cửa các chợ để chống dịch tại Khánh Hoà, Ban Chỉ đạo lưu ý chuỗi lây nhiễm qua chợ, các cảng cá ở Khánh Hoà rất rõ. Trong thời gian đóng cửa các chợ, Khánh Hoà cần tổ chức lại hệ thống phân phối, không phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống siêu thị. Cụ thể như các chợ tạm đóng cửa thì cần tiến hành khử khuẩn, trước khi mở lại phải xét nghiệm cho tiểu thương, quy định số người bán hàng, mua theo ngày, mở các chợ ngoài trời cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân.

 Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở khu vực có nguy cơ cao. Ảnh: TTXVN.

Việt Nam ghi nhận 8.429 ca mắc mới

Theo tin từ Bộ Y tế, trong ngày 3-8, nước ta ghi nhận 8.429 ca mắc mới Covid-19, bao gồm 52 ca nhập cảnh và 8.377 ca tại 46 tỉnh, thành phố. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương vẫn là những địa phương có số mắc cao nhất.

Cụ thể, trong ngày 3-8, cả nước ghi nhận 8.429 ca nhiễm mới, bao gồm 52 ca nhập cảnh và 8.377 ca ghi nhận trong nước tại 46 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (4.171), Bình Dương (1.606), Long An (566), Đồng Nai (364), Tây Ninh (298), Khánh Hòa (189), Đồng Tháp (141), Cần Thơ (120), Bến Tre (98), Hà Nội (98), Bà Rịa - Vũng Tàu (81), Vĩnh Long (72), Bình Thuận (72), Đà Nẵng (66), Phú Yên (60), Gia Lai (39), Sóc Trăng (33), Trà Vinh (33), Đắk Lắk (29), Ninh Thuận (29), An Giang (26), Quảng Ngãi (23), Bình Định (18), Đắk Nông (16), Kiên Giang (16), Hậu Giang (16), Nghệ An (12), Quảng Nam (12), Thừa Thiên - Huế (9), Lào Cai (8), Hà Tĩnh (7), Ninh Bình (7), Bạc Liêu (6), Bình Phước (5), Quảng Trị (4), Kon Tum (4), Phú Thọ (3), Sơn La (3), Hải Dương (3), Thanh Hóa (3), Quảng Bình (3), Điện Biên (2), Vĩnh Phúc (2), Bắc Giang (2), Hưng Yên (1), Cà Mau (1). Trong đó, có 1.570 ca trong cộng đồng.

Như vậy, tính đến chiều ngày 3-8, Việt Nam có 170.190 ca nhiễm, trong đó có 2.324 ca nhập cảnh và 167.866 ca mắc trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 166.296 ca, trong đó có 48.057 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Bình.

Ngoài ra, có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 135.186 xét nghiệm cho 448.129 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.451.122 mẫu cho 18.303.458 lượt người. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 6.959.197 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.246.333 liều, tiêm mũi 2 là 712.864 liều.

Thông tin từ Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết, trong ngày, có 3.866 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 50.831 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) là 463 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 20 ca.

Tiểu ban điều trị cũng thông báo bổ sung 190 ca tử vong (số 1882 - 2071) tại 10 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Tại TP Hồ Chí Minh ngày 2/8 có 166 ca; tại tỉnh Long An từ ngày 27/7 - 2/8 có 7 ca; tại tỉnh Đồng Tháp ngày 2/8 có 5 ca; tại tỉnh Bến Tre từ ngày 25/7 - 2/8 có 4 ca; tại tỉnh Đồng Nai từ ngày 2 - 3/8 có 2 ca; tại tỉnh Vĩnh Long ngày 2/8 có 2 ca; tại thành phố Hà Nội ngày 3/8 có 1 ca; tại thành phố Đà Nẵng ngày 3/8 có 1 ca; tại thành phố Cần Thơ ngày 3/8 có 1 ca; tại tỉnh An Giang ngày 2/8 có 1 ca. Như vậy, Việt Nam đã ghi nhận 2.071 ca mắc Covid-19 tử vong, trong đó có 2.036 ca tử vong tại đợt dịch thứ 4 này.

Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân 

Bộ Y tế phân bổ thêm gần 980.000 liều vaccine cho TP Hồ Chí Minh và gần 700.000 liều cho TP Hà Nội

Ngày 3-8, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ hơn 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, 414.880 liều vắc xin AstraZeneca do Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len viện trợ được phân bổ về cho Hà Nội và 659.500 liều vắc xin AstraZeneca thông qua hợp đồng mua của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) được phân bổ cho thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã điều chỉnh Quyết định số 3600/BYT-QĐ về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 16 để phân bổ thêm cho thành phố Hồ Chí Minh (tăng 319.000 liều) và Hà Nội (tăng 284.000 liều).

Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vừa được phân bổ thêm lần lượt 978.000 và 698.880 liều.

Tổng cộng, trong 3 đợt phân bổ vắc xin gần nhất (đợt 16, 17, 18), thành phố Hồ Chí Minh được cấp 1.148.500 liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. Ngoài ra, các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn.

Tính đến nay, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vắc xin phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%. Tiếp theo là Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vắc xin phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%. 

Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.451 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 3/8, quỹ đã tiếp nhận được 8.451 tỷ  đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 500.906 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.

Để bảo đảm minh bạch, công bằng, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã công khai đầy đủ các đơn vị, tổ chức, bao gồm cả những đơn vị đã chuyển tiền hoặc đã cam kết nhưng sẽ chuyển sau. Các đơn vị doanh nghiệp đã chuyển tiền đóng góp đều có xác nhận rõ ràng, thống kê đầy đủ. Toàn bộ số tiền ủng hộ, số dư tiền chuyển vào quỹ ở các ngân hàng thương mại đến cuối ngày được chuyển hết về Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và chuyển tiếp ngay về Ngân hàng Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.

Hà Nội: Hoàn thành tiêm hơn 50.000 mũi vắc xin phòng Covid-19 trong ngày 3-8

Tối 3-8, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã hoàn thành tiêm 50.054 mũi vắc xin phòng Covid-19 trong ngày 3-8. Như vậy, cộng dồn đợt 6,7, thành phố đã tiêm được 660.436 mũi. Hiện, nhiều quận, huyện, thị xã đã hoàn thành đợt tiêm này.

Đơn cử, tại huyện Gia Lâm, đến nay toàn huyện đã tổ chức tiêm được 16.891 liều. Riêng từ ngày 28-7 đến 2-8, toàn huyện đã tiêm được 9.582 liều, bảo đảm an toàn tiêm chủng và các quy định phòng, chống dịch.

Tại thị xã Sơn Tây, các đối tượng tiêm vắc xin được chia thành 13 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch. Từ ngày 24-7 đến nay, toàn thị xã đã tiêm được 13.369 liều vắc xin phòng Covid-19, đạt 118,7% kế hoạch giao.

Từ ngày 29-7 đến nay, quận Thanh Xuân cũng đã tổ chức 6 điểm tiêm lưu động cho 22.631 người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn quận. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, quận đã bố trí 6 điểm tiêm lưu động tại các trường học. Sau 6 ngày tiêm, các điểm tiêm chủng đều bảo đảm cơ sở vật chất cũng như an toàn phòng, chống dịch; người dân khi đến tiêm đều được khám sàng lọc và hướng dẫn cụ thể, chi tiết các thủ tục trước khi tiêm. Đến nay, toàn quận Thanh Xuân đã tiêm hơn 28.000 mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng.

Đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 lần này, quận Đống Đa tiến hành tiêm trong 4 ngày, từ ngày 2 đến ngày 5-8. Dự kiến trong 4 ngày, quận sẽ tiêm khoảng 25.680 mũi vắc xin.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản