Đoàn công tác làm việc với UBND TP. Cần Thơ.
Không có điểm nóng về môi trường
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết: Chuyến khảo sát và làm việc này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn TP. Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Thông qua hoạt động giám sát, góp phần cùng với các cơ quan, ban ngành tăng cường nhiệm vụ giám sát, phát hiện những vấn đề còn bất cập trong quá trình thực hiện, từ đó kiến nghị những sửa đổi nhằm tạo thuận lợi nhất trong quá trình triển khai chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, qua công tác giám sát, làm rõ thêm trách nhiệm của các ban ngành, địa phương trong việc phổ biến nội dung, kết quả các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong quá trình thực hiện trên địa bàn…
Theo đại diện lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản được các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, đúng với quy định.
Công tác khai thác khoáng sản trên địa bàn được quản lý chặt chẽ, kiểm soát tốt, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây thất thoát, lãng phí tài nguyên.
Về công tác bảo vệ môi trường, ngành chức năng đã thực hiện các giải pháp, biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm góp phần tạo bước chuyển biến nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đến nay, 8 khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đã được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện mới có 2 khu công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên công suất của hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải của các khu công nghiệp.
Từ năm 2014 đến nay, về công tác kiểm soát ô nhiễm, thành phố đã tổ chức kiểm tra 103 đơn vị; tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường được 46 cuộc với 135 doanh nghiệp, cơ sở. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Riêng lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường, từ năm 2014 đến nay đã xử phạt được 469 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với tổng số tiền trên 25 tỷ đồng; giúp đưa TP. Cần Thơ trở thành địa phương không có điểm nóng về môi trường.
Trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố ban hành nhiều chính sách trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Các ngành, lĩnh vực đã bước đầu lồng ghép và xây dựng các giải pháp về phát triển ngành theo hướng bền vững, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải một cách hiệu quả.
Mặt trận tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường
Bà Phan Thị Hồng Nhung phát biểu tại buổi làm việc.
Chia sẻ về vai trò của hệ thống Mặt trận trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ cho biết: Công tác thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu trên địa bàn thời gian qua được cả hệ thống chính trị thành phố đặc biệt quan tâm. “Từ các chỉ đạo trực tiếp đến các văn bản, quyết định triển khai hàng năm của TP. Cần Thơ về công tác bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản trên địa bàn, thể hiện rất rõ sự quan tâm của lãnh đạo cũng như địa phương đối với công tác này. Cấp địa phương, từ quận huyện đến xã phường, thị trấn thực hiện rất đồng bộ. Hệ thống Mặt trận các cấp cũng triển khai, tuyên truyền tới nhân dân để triển khai thực hiện bài bản”. Bà Phan Thị Hồng Nhung nói.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ, MTTQ các cấp của thành phố đã tích cực đăng ký thực hiện các mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đến nay, MTTQ đã thực hiện được 61 mô hình về giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Qua đó xây dựng trên 220 tuyến đường, trồng hàng chục ngàn cây xanh, lắp đặt trên 1.276 thùng rác công cộng; duy trì và nâng cao chất lượng mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường tại 332 khu dân cư. Trong năm 2018, các đơn vị tiếp tục đăng ký 75 mô hình trên lĩnh vực này.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu từ năm 2017 đến nay, TP. Cần Thơ đã triển khai xây dựng được 2 mô hình điểm tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai và Thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức thành viên trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng được thực hiện, cụ thể đã tiến hành lập danh sách trên 290 nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường tại các xã, phường, thị trấn để theo dõi, kiểm tra, đề xuất xử lý nếu xảy ra vi phạm môi trường…
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TP. Cần Thơ .
Đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu trên địa bàn TP. Cần Thơ, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh: UBND các cấp TP. Cần Thơ đã tích cực quan tâm, tăng cường ban hành các văn bản theo chức năng, nhiệm vụ trong thực hiện công tác này. Mặt trận cũng đã tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định và chương trình hành động phối hợp của Trung ương MTTQ Việt Nam đề ra.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết: “TP. Cần Thơ đã có nhiều giải pháp đảm bảo môi trường mang tính đột phá, trong đó có vấn đề xử lý rác thải. Cụ thể, được thể hiện qua quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành trong việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, muốn mang lại hiệu quả hơn nữa trong công tác xử lý rác thải, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà máy xử lý rác thải trong thời gian tới. Cần Thơ không có điểm nóng về môi trường, công tác xử lý sai phạm môi trường được quan tâm và xử lý nghiêm túc”.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh thêm: “Thời gian tới, các ban ngành của TP. Cần Thơ, nhất là MTTQ, cần lựa chọn, quan tâm đến các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của công tác này để giám sát một cách chặt chẽ”.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị, Thành uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến công tác môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục người dân trên địa bàn thực hiện tốt công tác này; quan tâm hơn nữa công tác thu gom xử lý rác thải, khí thải trong quá trình sản xuất; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường. Tuy nhiên phương châm là vừa xử lý nghiêm, nhưng vẫn đảm bảo sản xuất và phát triển cho người dân trên địa bàn.” Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh yêu cầu, “Tăng cường rà soát, đánh giá lại các cơ sở sản xuất có tác động tới môi trường ở nơi đó như thế nào. Kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm môi trường.” Đồng thời “Quan tâm đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, khu dân cư bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của Mặt trận và 5 tổ chức đoàn thể thành viên, trong thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị trong công tác giám sát, thực hiện các chuyên đề về công tác đảm bảo môi trường…”.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cùng đoàn thị sát Nhà máy xử lý rác thải Cần Thơ.
Trước đó, ngày 20/9, đoàn công tác đã có chuyến thị sát tại Nhà máy xử lý rác thải huyện Thới Lai và khảo sát tình hình khai thác cát, tình trạng sạt lở tại khu vực cồn Tân Lộc của quận Thốt Nốt.
Quốc Trung