Tin mới

TPHCM đặt yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 là trước tiên, sau đó từng bước phục hồi phát triển kinh

(Mặt trận) - Chiều 4/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Các đại biểu tham dự buổi họp báo (ảnh: Đan Như) 

17 địa phương được đề nghị công nhận kiểm soát được dịch

Thông tin tại buổi họp báo, Phó trưởng Ban Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, trong 3 ngày đầu tiên TPHCM thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đại bộ phận người dân phấn khởi; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trở lại hoạt động tạo ra không khí vui tươi, nhộn nhịp cho TPHCM. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm theo Chỉ thị 18. Cụ thể là chưa thực hiện 5K, không đeo khẩu trang, xếp hàng không đúng theo khoảng cách, còn tụ tập, xuất hiện buôn bán hàng rong, lưu thông khi chưa đủ điều kiện…

“Tinh thần của Chỉ thị 18 là TP tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nghĩa là TPHCM vẫn đặt yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 là số một, rồi từng bước phục hồi phát triển kinh tế. TPHCM ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết và trước hết. Vì thế, TP đề nghị người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đảm bảo an toàn.” - Đồng chí Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Đồng chí Phạm Đức Hải thông tin, tính đến ngày 3/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM nhận được báo cáo của các Đoàn kiểm tra công tác kiểm soát dịch Covid-19 TPHCM. Qua đó, có 17 địa phương được đề nghị công nhận kiểm soát được dịch, gồm: TP Thủ Đức, các quận: 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình; và các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi. Đối với 5 đơn vị còn lại, có 3 đơn vị chưa có báo cáo thẩm tra, thẩm định của đoàn kiểm tra là Quận 4, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn; 2 đơn vị chưa công nhận kiểm soát dịch là Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Về số ca bệnh, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 3/10, có hơn 398.000 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố. Số bệnh nhân nặng đang thở máy tiếp tục giảm mạnh, ngày 3/10 còn 724 trường hợp. Trước đó, ngày 2/10 có 1.536 trường hợp và ngày 1/10 có 1.572 trường hợp. Trong ngày 3/10 có 1.449 bệnh nhân nhập viện và có 2.743 bệnh nhân xuất viện.

Trao đổi về việc có khuyến cáo không xét nghiệm kháng thể Covid-19, tuy nhiên hiện nay bệnh viện công lẫn bệnh viện tư vẫn thực hiện xét nghiệm này, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đối với việc liên quan đến các quy định Nhà nước không cấm các đơn vị vẫn thực hiện được. Đối với xét nghiệm kháng thể virus SARS-CoV-2, không có quy định người dân ra đường phải có xét nghiệm này. Do vậy, việc xét nghiệm hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu người dân. Các đơn vị thực hiện nếu chưa đăng ký danh mục kỹ thuật này (tức chưa đảm bảo điều kiện thực hiện xét nghiệm), các đơn vị chức năng của Sở Y tế TP sẽ thực hiện thanh tra theo quy định. Nếu họ đảm bảo đúng các yêu cầu khi phục vụ theo nhu cầu của khách hàng vẫn thực hiện được. Tuy nhiên xét về quản lý y tế, ngành y tế TP sẽ cùng Sở Thông tin – Truyền thông, các báo đài cần truyền thông mạnh về vấn đề này. Đây là nhu cầu của người dân nhưng Bộ Y tế cũng như Sở Y tế có khuyến cáo không nên làm xét nghiệm này vì làm như vậy cũng không có ý nghĩa.

Người dân đi mua sắm tại một siêu thị. (ảnh: Đan Như) 

5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại

Về hoạt động của các doanh nghiệp, Phó trưởng Ban Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin, trong 3 ngày qua đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất để chuẩn bị tiếp tục khai trương, mở cửa trở lại. Theo đồng chí Phạm Đức Hải, trước ngày 1/10, các khu công nghiệp, khu chế xuất có 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc theo phương thức 3 tại chỗ, hoặc 1 cung đường 2 điểm đến. Số lao động 3 tại chỗ đang giảm xuống còn 45.000 người. Trong khi đó, các doanh nghiệp đăng ký mới 33.000 lao động. Hiện nay, tổng lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất là 135.000 lao động, chiếm 46%. Do vậy, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu rất nhiều người lao động và đang rà soát để tiếp tục bổ sung nguồn lao động.

Riêng Khu công nghệ cao TPHCM, trước ngày 1/10, có khoảng 50.000 lao động. Trong đó, có 25.000 lao động theo 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến và số lao động này đã giảm xuống. Ban quản lý đang rà soát để doanh nghiệp nào thiếu thì bổ sung. Trong 50.000 người thì có đến 40.000 người ở TPHCM. Khoảng 10.000 người còn lại đa phần ở 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Nên hiện nay Khu công nghệ cao TPHCM đang khẩn trương mời gọi người lao động phục vụ cho khu công nghệ cao.

Về nhu cầu nguồn lao động khi TPHCM mở cửa trở lại, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm thông tin, trong quý 3/2021, TPHCM có hơn 42.000 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng 43.600 - 56.600 người. Để kết nối lao động, đối với lao động đã về quê, các doanh nghiệp đã nhắn tin, điện thoại mời người lao động lên TPHCM tiếp tục làm việc. Nguồn lao động thứ hai là người lao động tại TPHCM có nhu cầu tìm việc thông qua 127 trung tâm, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giới thiệu việc làm tại TP. Nguồn thứ 2 là học sinh trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, sẽ ra trường và nhà trường sẽ giới thiệu việc làm tới các doanh nghiệp có nhu cầu. Đó là 3 nguồn để đảm bảo nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

Thông tin về chi hỗ trợ đợt 3 trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TPHCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, đã có hơn 1,1 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được hỗ trợ. Việc chi hỗ trợ được thực hiện khẩn trương và liên tục, kể cả ngày nghỉ.

Lập biên bản 588 trường hợp vi phạm quy định theo Chỉ thị 18

Liên quan đến việc lưu thông của người dân, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM thông tin, khi tham gia lưu thông, người dân phải đảm bảo theo quy định của Chỉ thị 18. Cụ thể, người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khoẻ điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, có thể xuất trình giấy tờ (là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Theo Thượng tá Trần Thanh Giang, từ ngày 1/10 đến nay, các chốt kiểm soát gồm 12 chốt ở cửa ngõ TPHCM và 39 chốt ở các quận, huyện địa bàn giáp ranh) và các tổ kiểm tra lưu động đã tổng kiểm tra 547.000 phương tiện và gần 233.200 lượt người. Qua đó, đã lập biên bản 588 trường hợp vi phạm quy định theo Chỉ thị 18, xử phạt với số tiền 1,2 tỷ đồng.

Trao đổi về việc hỗ trợ người dân về quê, Thượng tá Trần Thanh Giang cho biết, ngày 1/10 tại địa bàn huyện Bình Chánh ghi nhận 10.000 người muốn về quê. Tiếp đó, ngày 2/10 và ngày 3/10, có thêm khoảng 24.000 lượt người đã đi qua địa bàn TPHCM về các tỉnh miền Tây. Riêng người của TPHCM có khoảng hơn 8.000 người, còn lại là người dân ở các tỉnh lân cận di chuyển về các địa phương. Công an TPHCM ở các cửa ngõ hỗ trợ dẫn đường để người dân di chuyển thành đoàn. Khi người dân về Đồng Nai hay Long An thì các tỉnh tiếp nhận, đảm bảo không đi ngang về tắt.

Đối với việc đăng ký đưa người thân trở lại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Hòa An cho biết, từ 8 giờ ngày 2/10 đến 15 giờ chiều 4/10, Sở đã nhận được 6.937 đơn đề nghị đi các tỉnh đón người thân, con cái về TPHCM. Sở đã phản hồi, giải quyết 2.590 đơn. Lượng đơn đang tăng lên hàng giờ và nhu cầu rất lớn của người dân về việc này.

Cũng theo đồng chí Bùi Hòa An, UBND TPHCM đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP nhưng việc qua lại giữa các chốt ở các tỉnh cũng chưa thực sự thuận lợi nên người dân đi cũng có thể bị mắc kẹt. Trước tình hình này, sở vừa tương tác với người dân để cập nhật thông tin chính xác, vừa tương tác với các tỉnh để giải quyết nhu cầu của người dân.

Liên quan đến việc tạm dừng hoạt động đối với siêu thị Emart tại quận Gò Vấp vào ngày 3/10 do không đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, siêu thị đã không đảm bảo giãn cách giữa người dân với người dân, cũng chưa có phân luồng để đảm bảo di chuyển một chiều… Chiều 4/10, Sở Công thương TPHCM và quận Gò Vấp đã kiểm tra lại, ghi nhận siêu thị đã đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người đi siêu thị và đảm bảo các tiêu chí để hoạt động nên đã hoạt động trở lại.

Đối với các chợ tự phát, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú khẳng định TPHCM chưa có chủ trương cho các chợ tự phát hoạt động trở lại. Chỉ có các chợ truyền thống và chợ đầu mối được hoạt động trở lại với điều kiện phải đảm bảo các tiêu chí, đảm bảo an toàn phòng chống dịch là trên hết. Đặc thù của những nơi này là người dân ra vào rất nhiều nên phải tổ chức chặt chẽ, tránh lây nhiễm trong quá trình kinh doanh buôn bán, đi chợ của người dân.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản