Kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên duqna đến tình hình kinh tế-xã hội, quản lý tài nguyên... Ảnh TTXVN
Sáng 10/7, HĐND TPHCM khóa IX đã khai mạc kỳ họp thứ 9. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết tại kỳ họp, HĐND TP sẽ tập trung xem xét, thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho những tháng cuối năm và quyết định các nội dung quan trọng.
Ngoài ra, kỳ họp sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp 6 tháng cuối năm; xem xét kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. Kỳ họp cũng nghe thông báo kết quả hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018 của HĐND TP, Thường trực HĐND TP.
Cùng với đó, HĐND TP xem xét, thảo luận và cho ý kiến các tờ trình của UBND TP và Thường trực HĐND TP.
Đặc biệt, kỳ họp sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP, trọng tâm là tài nguyên đất do nhà nước trực tiếp quản lý.
Theo tờ trình của UBND TPHCM về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh thành phố, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đều đạt kết quả tăng trường khá, công tác chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh theo hướng cụ thể, thiết thực. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố đạt 585.635 tỷ đồng, tăng 7,86% (cùng kỳ năm trước tăng 7,76%). Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn; tỷ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất 57,6% trong tổng GRDP. Hoạt động thu ngân sách có hiệu quả, đạt 183.465 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng cuối năm 2018, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2018. Đồng thời, quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 của thành phố. Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa GRDP tăng 8,3-8,5%; tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 36% trở lên; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 35% GRDP; thu ngân sách đạt 100% dự toán; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính…
Bảy chương trình đột phá của thành phố tiếp tục được triển khai và một số hạng mục đã phát huy hiệu quả; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, đảm bảo an sinh xã hội...
Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu thực tế, kinh tế - xã hội thành phố còn một số hạn chế kéo dài, chậm khắc phục. Cụ thể như: tăng trưởng chưa đúng tiềm năng, chất lượng tăng trưởng thiếu bền vững; khả năng cạnh tranh nhiều lĩnh vực giảm và có xu hướng giảm; cải cách hành chính chưa đồng bộ, bộ máy còn cồng kềnh; 7 chương trình đột phá phát huy thiếu đồng bộ. Cùng với đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cháy nổ còn diễn biến phức tạp; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm tránh lãng phí hiệu quả chưa cao; giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân, nhất là những vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài còn chậm gây bức xúc trong nhân dân.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại kỳ họp HĐND TP. Ảnh: SGGP
“Giải pháp sắp tới thế nào? Nguồn lực để phát triển TP là gì?”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề và đánh giá, TPHCM nằm trong trung tâm tài chính của cả nước song doanh nghiệp lúc nào cũng thiếu vốn, nhà nước thiếu ngân sách.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra thế mạnh của TPHCM, nguồn lực lâu dài của TPHCM, không phải là ngân sách mà chính là con người. 10 triệu người trong đó có 5 triệu lao động - có truyền thống sáng tạo. Vì vậy, TP cần phát huy 5 triệu người lao động thành 5 triệu người sáng tạo. Sáng tạo không có khấu hao bình thường, càng sáng tạo, giá trị càng gia tăng.
Giải pháp lớn thứ hai, là cần quyết liệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; đồng thời triển khai bổ sung 2 chuyên đề. Đó là việc xem lại quy trình, cách thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để phân tích, lựa chọn phương án thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn. “Đây là một khâu cản trở rất nhiều lĩnh vực”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chính vì vậy, TP xem xét, có đề xuất thực hiện cơ chế đặc thù thực hiện thí điểm quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, đảm bảo nhanh chóng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý về các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư. Đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngân sách cho các dự án. Trong đó, ưu tiên các dự án sẽ kết thúc được vào năm 2020, 2021 để người dân được thụ hưởng.
Về cơ chế, phải lắng nghe người dân, người dân đánh giá về đảng viên, cán bộ tổ chức đảng theo đúng tinh thần đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Từ quý III-2018, thực hiện thu nhập tăng thêm, căn cứ vào hiệu quả công việc - tự đánh giá và người dân đánh giá qua việc sử dụng dịch vụ.
Về 7 chương trình đột phá, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông báo Ban Thường vụ Thành ủy TP cử người tham gia, đặc biệt là giám sát, thực hiện.
Cùng với đó, TP cần chú trọng hoàn thiện thể chế theo hướng thông qua coi trọng con người, thông qua thực hiện Nghị quyết 54, thông qua đánh giá cán bộ công chức cần dựa vào dân. Hàng quý, mỗi một cấp, lên danh sách cụ thể những việc phải kết thúc trong quý đó để giám sát. Do đó, các sở - ngành, quận - huyện cũng vậy. Qua đó, hàng năm sẽ dễ dàng xác định được có bao nhiêu mục hoàn thành, chưa hoàn thành.
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND TP và các sở - ngành, quận - huyện cần thay đổi cách làm nhằm tập trung thay đổi và tìm giải pháp mới, góp phần cho TP phát triển nhanh.
Theo Chinhphu.vn