Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Bình, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, địa phương, Ban Dân vận, MTTQ Việt Nam từ 29 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cùng các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng thông tin, qua 3 năm triển khai Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm, chủ động tổ chức nhiều hoạt động và chương trình giám sát, đặc biệt, MTTQ Việt Nam đã chủ trì triển khai giám sát các vấn đề liên quan đến đời sống như: giám sát thực hiện chính sách người có công, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở…
Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc thực hiện các chương trình giám sát vẫn còn một số hạn chế, bất cập, khi tại một số địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền vẫn chưa thực hiện đầy đủ công tác phối hợp với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai các chương trình giám sát, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; nhiều nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và cán bộ tham gia giám sát chưa đủ năng lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. “Đây là những thách thức trong quá trình thực hiện và phải có lộ trình cụ thể trong thời gian tới”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị lần này nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và bài học kinh nghiệm, những cách làm hay và đề xuất giải pháp, cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với người đứng đầu trong mỗi tổ chức, từ đó làm cho nhân dân thấy được quyền, trách nhiệm của mình trong giám sát, phản biện để ngăn chặn sự tự chuyển hóa, tự suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.
Tham luận tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Phạm Văn Sinh cho biết, qua 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát hiện kịp thời những hạn chế, yếu kém, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền.
“Cấp ủy, chính quyền đã tiếp thu, điều chỉnh một số chính sách liên quan đến người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, điều chỉnh một số vấn đề về công tác cán bộ, công tác cán bộ nữ, cán bộ đoàn, thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp, thực hiện dân chủ trong xây dựng nông thôn mới”, ông Sinh cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Sinh, việc quán triệt, triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của một số cấp ủy chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc, việc lựa chọn nội dung còn lúng túng, quá trình triển khai, tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc; hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thực sự bài bản; sức lan tỏa, hiệu quả mang tính chiều sâu chưa thực sự như mong đợi.
Theo ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, công tác kiểm tra, giám sát trong điều kiện hiện nay hết sức cần thiết vì nếu buông lỏng và xem nhẹ việc này thì những sai sót sẽ không tránh khỏi và chỉ tăng cường giám sát thì công việc của chính quyền mới tránh được những sai sót không đáng có. Những năm qua, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án lớn, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2017, Hà Tĩnh gặp khó khăn trong lĩnh vực môi trường và là một trong những điểm nóng về biểu tình của người dân. “Nếu không có sự giám sát của MTTQ và các đoàn thể thì việc đền bù cho người dân không thể thành công”, ông Vinh khẳng định.
Đặc biệt, Hà Tĩnh đã ban hành 26 chính sách về hỗ trợ đối với ngư dân, sau một thời gian thực hiện, có nhiều vấn đề xảy ra, tỉnh đã giao cho Mặt trận giám sát 26 chính sách và Mặt trận đã chỉ ra được chính sách nào có hiệu quả đối với nhân dân và chính sách nào không, từ đó tỉnh đã cắt giảm những chính sách không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. “Chính quyền sẵn sàng và mong muốn MTTQ cùng các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát để từ đó giúp chính quyền làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”, ông Vinh mong muốn.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối với việc khảo sát các vấn đề liên quan đến tiền lương, Tổng Liên đoàn đã đi khảo sát thực trạng người lao động, qua đó 16% cho rằng tiền lương dư so với mức thực tế, 84% ý kiến khác cho biết người lao động phải sống tằn tiện với mức lương tối thiểu hiện nay. Chính vì vậy, Tổng Liên đoàn đã đưa ra kiến nghị và mức lương tối thiểu hiện nay đã được tăng dần theo năm, vì thực tế nếu không tăng thì lương của người lao động bị trượt giá 5% so với mức chi thực tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, qua 3 năm triển khai, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội đã được hiện thực hóa.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá: Hội nghị lần này là việc làm cần thiết, kịp thời, có tính chất chuyên đề, chuyên sâu bàn về giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) để đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, qua 3 năm triển khai, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội đã được hiện thực hóa, với sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, quyết liệt, có trách nhiệm của tổ chức Đảng, của Ban Dân vận, của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp.
“Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt; vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên một bước; biểu hiện rõ nhất đó là kết quả giám sát, phản biện xã hội do MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện năm sau cao hơn năm trước, với những số liệu cụ thể trong điều kiện giám sát, phản biện xã hội, góp ý tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước đều là những việc khó, nhạy cảm, có việc là mới, trước đó chưa có tiền lệ”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Cũng theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội. Việc thông qua Nghị quyết Liên tịch này một lần nữa khẳng định rõ ràng cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam và các thành viên. Đồng thời, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã làm việc với Bộ Tài chính về quy định lập dự toán chi đối với các chương trình giám sát, phản biện, từ đó tạo kinh phí cho việc triển khai các chương trình giám sát, phản biện tại địa phương.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự bài bản, đồng bộ, thống nhất; việc góp ý với đảng viên, công chức và người đứng đầu vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, việc thể chế hoá các chủ trương để hình thành cơ chế chưa thực sự rõ ràng; MTTQ và các tổ chức ở một số địa phương chưa chủ trì được nhiều hoạt động giám sát độc lập mà trong Quyết định 217-QĐ/TW giám sát độc lập là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, vấn đề ngại va chạm trong các nội dung giám sát vẫn xảy ra.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ có tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các địa phương để khi Nghị quyết Liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam được ký kết, MTTQ Việt Nam sẽ tăng cường tập huấn, triển khai Nghị quyết Liên tịch và phát hành “Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
“Hàng năm, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương sẽ có cam kết thường xuyên theo dõi và sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị. Đồng thời hai bên sẽ xây dựng đồng bộ về cơ chế và thực hiện kết quả giám sát, đưa ra những giải pháp cụ thể về hậu kiểm sau giám sát”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, Hội nghị đã đưa ra nhiều thông tin thiết thực để việc triển khai Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị ngày càng hiệu quả hơn, từ đó góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và đời sống nhân dân ngày càng phát triển tốt hơn.
Đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị, từ đó khẳng định yếu tố phù hợp trong việc triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, đặc biệt các tỉnh đã cụ thể hóa được việc triển khai hai Quyết định này đối với địa phương và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
“Quá trình triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị thể hiện qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và sự nhận thức của cấp uỷ, chính quyền trong việc sẵn sàng, chủ động lắng nghe các vấn đề giám sát, phản biện. Đặc biệt, nhận thức của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở các tỉnh trong việc triển khai giám sát, phản biện, từ đó thay đổi nhận thức trong nhân dân để tạo được sự đồng bộ trong quá trình thực hiện”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định.
Cũng theo đồng chí Trương Thị Mai, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có những kinh nghiệm sâu sắc trong việc triển khai phối hợp, phân công các chương trình giám sát đối với các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động lựa chọn được các nội dung giám sát phù hợp với điều kiện của mình, lựa chọn được phương thức giám sát phù hợp đối với từng nội dung, công việc cụ thể như việc đối thoại với người dân là phương án tốt nhất trong công tác giám sát, phản biện.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, đối với các kiến nghị từ các chương trình giám sát, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động lựa chọn vấn đề kiến nghị gửi đến cấp ủy, chính quyền, để từ đó thực hiện giám sát việc triển khai các kết luận tại địa phương và phải có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông để công tác giám sát, phản biện thực sự lan tỏa.
Trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị cần tiếp tục thúc đẩy tổ chức thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. “Từ việc giám sát tổ chức, sẽ tiến tới giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên. Việc giám sát cần chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất là giám sát người đứng đầu, giám sát đội ngũ cán bộ chủ chốt và nhóm thứ hai là giám sát cá nhân”, đồng chí Trương Thị Mai gợi mở.
Đồng thời cần thể chế hóa Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, từ đó liên kết tất cả những nguồn lực hiện có để tăng thêm sức mạnh cho việc thực hiện hiệu quả Quyết định 217, 218 nói trên.
“Làm sao cho việc triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị đi theo thực tâm và thực chất. Thực tâm là hướng đến mục đích xây dựng Đảng, chính quyền; thực chất là phải đảm bảo tính hiệu quả để từ đó đưa 2 quyết định này đi vào cuộc sống”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Bài Hương Diệp - Ảnh Thành Trung