|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển |
Sáng ngày 29/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học "55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương" do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức.
Kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến, hy sinh
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào mừng các đại biểu dự Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương” tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hội thảo có tầm quan trọng và ý nghĩa rất đặc biệt trong việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới.
"Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hoá, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, Người "đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Nhấn mạnh các nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Người căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn là một đảng mácxít chân chính, “là đạo đức, là văn minh”, đại biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá của dân tộc Việt Nam.
Người cũng căn dặn, “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Đoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công. Muốn xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải có sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở để phát huy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tiền đề thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Người cũng căn dặn: các cấp ủy, tổ chức đảng, từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đồng thời, phải đề cao và “thực hành dân chủ rộng rãi” trong hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, để tập hợp lực lượng cách mạng, phát huy trí tuệ, tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho mục tiêu cao cả độc lập, tự do của Tổ quốc ta, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong Di chúc, Người chỉ rõ, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức và mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa... và kiến thiết, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Di chúc cũng thấm đậm và tràn đầy tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng và phát triển con người, nhất là thế hệ trẻ. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”; quan tâm chăm lo phát triển toàn diện con người với tất cả phẩm chất chân - thiện - mỹ, có đức, có tài, trước hết là phải bồi đắp về nhân cách, tu dưỡng đạo đức cá nhân, giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn trong sáng, cao đẹp của con người Việt Nam.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế trong thời kỳ mới, Đảng ta đã lãnh đạo xây dựng và “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, “quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
"55 năm qua, tư tưởng và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nghị lực và ý chí toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, “thoả lòng mong ước của Người”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
"Chúng ta có thể tự hào báo cáo với Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển |
Triển khai toàn diện, đồng bộ, sâu sắc công tác xây dựng Đảng
Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt.
Trong các kỳ Đại hội của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu bổ sung nội dung xây dựng Đảng vào Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Xây dựng Đảng về đạo đức gắn với xây dựng văn hóa liêm chính, coi văn hóa liêm chính là nền tảng xây dựng ý thức và đạo đức của cán bộ, đảng viên, đồng thời, “xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Muốn xóa bỏ triệt để, tận gốc tham nhũng, tiêu cực, việc xây dựng văn hóa liêm chính với tinh thần như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thời gian qua, công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan Trung ương có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là những cơ quan tham mưu chiến lược, đội ngũ cán bộ có trình độ về lý luận chính trị và chuyên môn; trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng.
Qua Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu cùng nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm:
Thứ nhất: thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương để triển khai toàn diện, đồng bộ, sâu sắc công tác xây dựng Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị của tổ chức đảng, trước hết tập trung tực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ hai: tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Phát huy tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Thứ ba: thực hiện nghiêm các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chuyên đề năm 2024 của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương “Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương”.
Thứ tư: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng; lựa chọn vấn đề trọng tâm, then chốt, khâu đột phá để ban hành các nghị quyết chuyên đề và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Đồng thời, tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong các cơ quan Trung ương, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp; thường xuyên đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng; kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, ngăn ngừa vi phạm và kiên quyết xử lý sai phạm, giải quyết tốt các vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở.
Khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, mỗi thắng lợi, mỗi bước đi lên đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, "toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện kế tục sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; nguyện “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người".
Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024) thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học có uy tín, với 109 bài tham luận tập trung phân tích, nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những góc độ, khía cạnh hết sức đa dạng, nhiều chiều, xuất phát từ vị trí, lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu khác nhau, làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử, tầm vóc thời đại của bản Di chúc; nêu bật những thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương; làm rõ ý nghĩa định hướng trong Di chúc của Người đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương.
Theo Đại biểu nhân dân