Tin mới

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” vào thực tiễn

(Mặt trận) - Sáng 4/7, Hội thảo khoa học với chủ đề Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “Đời sống mới” trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Chủ trì Hội thảo có TS. Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; PGS,TS. Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; cùng sự tham dự của các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, Nguyễn Hữu Dũng; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng, và đại diện các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia.

 Các đồng chí trong ban chủ trì Hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, cùng với việc viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc'', với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Đời sống mới''. Dưới dạng câu hỏi và trả lời, tác phẩm trình bày một cách cặn kẽ, cơ bản nội dung của đời sống mời, từ khái niệm, mục đích, đối tượng của đời sống mới; hướng dẫn cách thức thực hành đời sống mới trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể; định hướng phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới một cách vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Người đã giúp nhân dân ta hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống mới, chỉ rõ bước đường đời sống mới. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 70 năm trước đã tạo nên động lực to lớn thúc đẩy kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh''.

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đọc Báo cáo đề dẫn Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, thông qua tác phẩm, Hội thảo mong muốn làm sáng tỏ những cơ sở lý luận, giá trị thực tiễn để vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phát động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định tác phẩm “Đời sống mới” đặt nền móng cho xây dựng con người mới, văn hóa mới, xã hội mới. Tác phẩm đã thể hiện lòng yêu nước, thương dân; bài học quý giá trong tập hợp, vận động quần chúng nhân dân; tác phẩm “Đời sống mới” khơi nguồn cho mọi phong trào thi đua yêu nước, nền tảng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.

 GS.TS. Hoàng Chí Bảo khẳng định: “Đời sống mới” thể hiện tư duy đổi mới và hành động của Hồ Chí Minh.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Đời sống mới” thể hiện tư duy đổi mới và hành động của Hồ Chí Minh. “Đời sống mới” và thực hành đời sống mới chẳng những nêu cao đạo đức mà còn góp phần bảo đảm đạo đức cho kinh tế, chính trị, cho trong sạch, liêm khiết bộ máy, của con người trong bộ máy, thấm sâu trong các mối quan hệ với dân, với người, với việc, với toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng và thực hiện chính sách hợp lòng dân. Chính sách hợp lòng dân là những chính sách làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, phải làm cho minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng như công khai kết quả xử lý cho dân biết, từ đó tôn trọng tiếng nói và phán quyết từ phía người dân. Chính sách hợp lòng dân phải xuất phát từ dân và cuộc sống của dân để không quan liêu, hình thức, phải hướng tới dân trực tiếp để dân được hưởng lợi ích, dân đánh giá, dân kiểm soát, giám sát. Được như vậy, thực hành “đời sống mới” sẽ góp phần làm cho dân tin Đảng, dân theo Đảng, dân ủng hộ, giúp đỡ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

 TS. Lê Đức Hoàng - Bộ phận chuyên trách Chỉ thị 05 - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, xây dựng nông thôn mới cần nhấn mạnh yếu tố “xây” và “mới”.

TS. Lê Đức Hoàng - Bộ phận chuyên trách Chỉ thị 05 - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn hiện nay cần hướng đến đời sống mới với trọng điểm là ở nông thôn, “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” cho nông dân, đem lại đời sống “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần” như Bác Hồ đã chỉ ra.

Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới cần nhấn mạnh yếu tố “xây” và “mới”, trong đó phải xem “mới” là then chốt, còn “xây” là trọng điểm. Xây thực chất phải làm cho nông thôn có sản xuất phát triển, đời sống sung túc, xóm làng văn minh, thôn xã gọn gàng, quản lý dân chủ. Trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, cần lựa chọn một số nội dung để làm tiêu chí đánh giá, nhất là vấn đề “ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc”, “cần, kiệm, liêm, chính”, “cưới hỏi, giỗ, tết, tang ma”, “tình lang, nghĩa xóm”, “gia đình êm ấm, đoàn kết” như Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm “Đời sống mới”.

TS. Hoàng cũng cho rằng, phải đề cao cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đây là nền tảng vững chắc trong mọi công việc và sinh hoạt cuộc sống mới trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Cần cụ thể hóa thành các quy định, quy chế của dòng họ, của làng xã, của cơ quan, đơn vị bằng những tiêu chí để thực thi đời sống mới cho ngành, giới, cho từng đối tượng phù hợp.

“Cần thiết phải làm cho mỗi người dân ở các thôn xóm, ngõ phố ở cả nông thôn và đô thị hiểu được nội dung, giá trị cốt lõi, tác dụng, ý nghĩa của “Đời sống mới” mà Hồ Chí Minh đã dạy; phát huy tác dụng của “Đời sống mới” trong cuộc sống thành thị và nông thôn, làm cho nó trở thành tinh thần chủ đạo trong đời sống văn hóa - xã hội và là một bộ phận không tách rời việc rèn luyện nhân cách con người Việt Nam hiện đại”, TS. Lê Đức Hoàng đề nghị.

 Ông Trần Văn Chinh - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hải Hậu, Nam Định phát biểu tại Hội thảo, cung cấp nhiều kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở huyện Hải Hậu, Nam Định, ông Trần Văn Chinh - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hải Hậu cho rằng, cần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân xây dựng nông thôn mới là để có động lực mạnh mẽ, nhân dân được bàn bạc, quyết định, có cách làm hay sẽ rút ngắn thời gian về đích nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tạo ra sự đồng thuận, thi đua sôi nổi trong nhân dân, phát huy vai trò làm chủ phải có sự giám sát, quản lý, định hướng đảm bảo ổn định tình hình nông thôn.

Để tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới qua tác phẩm “Đời sống mới”, ông Phạm Văn Chinh đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tạo ra nhận thức sâu sắc, nhân dân phát huy tinh thần làm chủ tham gia, để xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng.

Đánh giá về giá trị của tác phẩm “Đời sống mới”, PGS.TS. Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, những câu chuyện về tác phẩm “Đời sống mới” vẫn còn nguyên giá trị đến nay và mai sau. Thực tế hiện nay, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đang được triển khai rộng khắp trên cả nước, tuy nhiên theo PGS.TS. Lê Quốc Lý, để Cuộc vận động thiết thực hơn nữa, thì vận động cần phải đi liền với việc chăm lo cho đời sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo cho những người lao động không có việc làm và những người nghèo trên cả nước. Đồng thời, để tiến tới xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, PGS.TS. Lê Quốc Lý cho rằng, Mặt trận cần phải tăng cường tham gia giám sát, phát hiện và dám nói để hạn chế cái xấu và phát huy cái tốt.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, Hội thảo  góp phần đổi mới việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong 10 năm gần đây, chưa có cuộc vận động nào nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thể hiện qua việc Ban Bí thư có Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chính phủ có Nghị quyết 88 phối hợp với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam huy động sự vào cuộc của các bộ, ngành để thực hiện Cuộc vận động gắn với giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, đây sẽ là cuộc vận động chính của MTTQ Việt Nam nhằm khơi dậy, phát huy tính chủ động, sáng tạo, thế mạnh của từng địa phương, vai trò tự quản của cộng đồng, tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân trong xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Hội thảo góp phần làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới”, qua đó cũng góp phần đổi mới việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cũng như nội dung công tác của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, để thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “Đời sống mới” trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nâng cao nhận thức trong nội bộ và nhân dân.

“Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải tiêu biểu tiên phong về đạo đức, phong cách, gần dân sát dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của  nhân dân, để dân tin, dân ủng hộ, khi dân tin, dân ủng hộ thì Cuộc vận động chắc chắn sẽ thành công”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, trong thời gian qua, nhiều tổ chức thành viên đã cùng với Mặt trận tham gia các cuộc vận động, các phong trào như phong trào cả nước xây dựng nông thôn mới, phong trào đền ơn đáp nghĩa… Những phong trào này được phát động từ Trung ương đến địa phương và được các tổ chức thành viên hưởng ứng và xây dựng thành từng phong trào cụ thể cho tổ chức mình, như phong trào Phụ nữa 5 không 3 sạch, phong trào Xây dựng xã hội học tập…

Từ đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý, trong thời gian tới, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thiếu gắn kết các phong trào. Cùng với đó, trên cơ sở tương đồng, thống nhất giữa các khu dân cư từng địa phương, cần sắp xếp lại các phong trào sao cho thiết thực để việc xây dựng nông thôn mới nâng lên về cả vật chất và tinh thần, tránh hình thức và bệnh thành tích.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, qua Hội thảo, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tìm ra những điểm nhấn chủ đạo thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân, đáp ứng yêu cầu nông thôn mới gắn với đời sống mới, gia đình văn hóa, chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo gia đình không có tội phạm, nâng cao đạo đức trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

Hương Diệp - Ảnh Kỳ Anh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản