Liên quan đến quy định của UBND TP.Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức không tổ chức đám cưới cho con hoặc cho bản thân ở khách sạn 5 sao hoặc khu du lịch cao cấp, không được mời quá 300 người dự tiệc, trao đổi với Dân Việt, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội đưa ra những phân tích cụ thể về quy định này.
Không vi phạm quyền tự do cá nhân
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, ngay từ khi Chỉ thị 11 được ban hành và cho đến Công văn số 1349/UBND-KGVX (CV 1349) thì những nội dung về việc tổ chức tiệc cưới đã có sự nghi ngại về tính khả thi của chỉ thị này. Đồng thời, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân cũng như những ý kiến về việc có hay chăng vi phạm quyền tự do cá nhân, quyền lợi ích của công dân, cán bộ công chức.
Tuy nhiên cần có cái nhìn nhận đúng về bản chất của Công văn số 1349 và Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội. Đây chỉ là các văn bản mang tính chất kêu gọi, vận động thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang và lễ hội.
Văn bản này ban hành nhằm mục đích kêu gọi, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh chứ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc thực hiện, có chế tài răn đe…
“Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, các văn bản này không phải là một văn bản quy phạm pháp luật bởi các văn bản này không chứa quy phạm pháp luật, không có chế tài cưỡng chế, xử phạt cụ thể. Do đó, không thể cho rằng việc ban hành văn bản này là vi phạm tới quyền tự do cá nhân và các quyền lợi ích của công dân hay cán bộ, công chức,...” – Luật sư Cường nhấn mạnh.
Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố... không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp
Theo luật sư Đặng Văn Cường, dưới góc độ pháp lý thì các quyền tự do cơ bản của công dân được hiến pháp quy định và các văn bản luật, kỷ luật hướng dẫn cụ thể. Nguyên tắc chung trong xây dựng pháp luật là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công dân. Quyền tự do của công dân chỉ bị giới hạn bởi quyền tự do của cộng đồng hoặc quyền tự do của cá nhân khác. Pháp luật không hạn chế việc sở hữu tài sản, không hạn chế mức độ quan hệ, giao lưu giữa các cá nhân với nhau....
Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay thì xếp thành các mức độ cao thấp khác nhau như hiến pháp, luật, pháp lệnh và các văn bản dưới luật.
Không có chế tài xử lý nếu vi phạm
Các quy định cấm đoán, hạn chế các quyền công dân, hạn chế các quyền tự do cơ bản mà hiến pháp đã quy định thì chỉ được quy định trong các văn bản luật chứ không được đưa những lệnh cấm, quy định cấm vào những bản văn bản dưới luật. Những văn bản dưới luật mà không phù hợp với luật và hiến pháp thì không có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên các văn bản nêu trên, không phải là các văn bản dưới luật và không trái luật. Đây chỉ là những văn bản kêu gọi, vận động để thực hiện các chính sách của Đảng trong việc xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong bối cảnh chính tế xã hội hiện nay.
Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố không mời cưới quá số lượng khách mời dự tiệc 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người).
Vì vậy, cán bộ, đảng viên và các công dân nên chấp hành để có một môi trường sống văn minh, lành mạnh. Việc tổ chức dự đám cưới linh đình, rầm rộ có tính chất phô trương gây lãng phí, tốn kém không cần thiết và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội như thể hiện mức độ phân hóa giàu nghèo, có nguy cơ gia tăng bất bình đẳng trong xã hội mà chưa chắc đã quyết định tới tương lai hạnh phúc của cô dâu chú rể trong những đám cưới hoành tráng đó so với những đám cưới giản dị nhưng vẫn vui tươi, đầm ấm.
Với những phân tích ở trên, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp khẳng định: “Các công văn chỉ thị này không có chế tài cưỡng chế nếu có vi phạm do đó nếu có các trường hợp vi phạm thì cũng không có chế tài xử lý cụ thể”.
Tuy nhiên, vị luật sư này cho rằng, việc thực hiện hay không thực hiện các chỉ thị này dựa trên ý thức của mỗi cá nhân và có thể ảnh hưởng đến các quy định về quy chế, kỷ luật của công chức, viên chức các cơ quan hoặc cán bộ, đảng viên về việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm,....
“Nếu các cá nhân là các cán bộ, đảng viên đã được quán triệt, vận động mà vẫn cố tình vi phạm thì không bị xử lý bằng các chế tài pháp luật nhưng có thể bị xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức hoặc bị xem xét kỷ luật về đảng theo quy định của đảng và bị phê bình khi xếp loại chất lượng đảng viên cuối năm ở mức thấp hơn” – luật sư Cường lưu ý.
Ngày 30.3.2018, UBND TP.Hà Nội đã ra Công văn 1349/UBND-KGVX yêu cầu tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo yêu cầu của Thành ủy Hà Nội tại Chỉ thị 11-CT/TU năm 2012.
Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tổ chức cưới cho con, hay bản thân.
Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”; Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người).
Chỉ thị cũng nêu rõ cán bộ, đảng viên không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; Không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp; Khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới theo cho việc mời dự tiệc cưới.
|
Theo Hoàng Thàn/Báo Dân Việt