Tin mới

Việt Nam tham gia cam kết giảm phát thải metan, ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng, suy thoái đất

(Mặt trận) - Ngày 02/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu và tham dự sự kiện thông qua Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về Rừng và sử dụng đất, được tổ chức nhân dịp Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất rút ngắn khoảng cách cam kết giảm phát thải với khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước để đạt trung hoà carbon vì an toàn cho Trái đất và sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ mai sau. 

Trong phát biểu tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã mời tham dự sự kiện rất có ý nghĩa này và đánh giá cao sáng kiến cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu, nhấn mạnh sáng kiến là lựa chọn đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất về chi phí và lợi ích cho tình trạng khẩn cấp khí hậu hiện nay. Thủ tướng nêu bật hai thông điệp.

Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân làm tăng nhiệt độ Trái đất là do khí metan sinh ra từ việc sản xuất, xử lý rác thải thiếu khoa học, không bền vững. Do vậy, các nước phải cùng đoàn kết thống nhất trên nguyên tắc công bằng, công lý và hành động quyết liệt, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi làm giảm sự gia tăng của khí thải metan; nhấn mạnh đây là vấn đề toàn cầu cho nên phải có cách tiếp cận toàn cầu và cũng là vấn đề ảnh hưởng đến toàn dân vì thế chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng kêu gọi các nước cần xây dựng lộ trình với những giải pháp cụ thể, toàn diện, có tính thực tiễn cao, cần kích hoạt tất cả các cơ chế của Thoả thuận Paris bao gồm: cơ chế minh bạch, thị trường trao đổi tín chỉ; các nước phát triển, các nước giàu, nhất là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cần chia sẻ, hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước nghèo về tài chính khí hậu, chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, carbon thấp; loại bỏ những rào cản trong chuyển giao, tiếp cận công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tiên tiến…, qua đó giúp các nước tham gia quá trình làm giảm phát thải metan một cách hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh chung luôn xanh, sạch. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề xuất rút ngắn khoảng cách cam kết giảm phát thải với khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước để đạt trung hoà carbon vì an toàn cho Trái đất và sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ mai sau.

Việc Việt Nam tham gia Cam kết nêu trên phù hợp với định hướng chiến lược phát triển bền vững của đất nước và xu thế chung của thế giới. Đồng thời, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Cam kết sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, góp phần nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua áp dụng công nghệ mới, ít phát thải metan nói riêng và phát thải khí nhà kính nói chung. Cho đến nay, có gần 80 nước tham gia Cam kết này.

Trước đó, nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham dự sự kiện công bố Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về Rừng và sử dụng đất.

Với việc thông qua Tuyên bố, hơn 100 nhà Lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C, đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh quốc gia.

Việc Việt Nam tham gia Tuyên bố phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng và sử dụng đất bền vững, thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu. Hoạt động hợp tác giữa các Bên tham gia Tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực sử dụng đất và phát triển rừng, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về xoá đói nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và các cam kết theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản