Tin mới

Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy hợp tác phòng chống dịch và mở cửa nền kinh tế

(Mặt trận) - Tại cuộc điện đàm chiều 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay đã thảo luận các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác trong phòng chống dịch và mở cửa lại nền kinh tế, như khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương, xem xét sớm nối lại đường bay giữa hai nước, công nhận hộ chiếu vaccine…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định hỗ trợ Việt Nam vaccine phòng COVID-19 và trang thiết bị y tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc  

Chiều ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay.

Tại cuộc điện đàm, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay chúc mừng các thành tựu Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, nhất là vừa ứng phó linh hoạt, hiệu quả với đại dịch COVID-19, vừa từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Phó Tổng thống khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ rất coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Nhân dịp này, Thổ Nhĩ Kỳ công bố hỗ trợ 200.000 liều vaccine, máy tạo oxy và nhiều trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 cho Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định hỗ trợ Việt Nam vaccine phòng COVID-19 và trang thiết bị y tế. Trong bối cảnh biến chủng mới khiến tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ với nhau trong phòng chống dịch và mở cửa lại nền kinh tế, đẩy mạnh giao lưu con người, giao thương hàng hóa...

Hai bên khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ và nhất trí tiếp tục tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Về chính trị - ngoại giao, tăng cường trao đổi các cấp, nhất là cấp cao; nghiên cứu sớm mở Tổng Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có.

Về kinh tế, Phó Tổng thống Fuat Oktay nhấn mạnh mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 8 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt trên 1 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu với tỉ trọng chiếm 75-80% tổng kim ngạch song phương. Về đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà đầu tư lớn nhất của khu vực Trung Đông tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trực tiếp đến nay đạt trên 700 triệu USD.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đó, hai bên cần triển khai các nhóm giải pháp như khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương; đẩy mạnh hợp tác vận tải hàng không, trong đó có việc xem xét sớm nối lại đường bay giữa hai nước; đẩy mạnh hợp tác, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng, thương mại; khuyến khích tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, du lịch, nông nghiệp, quốc phòng - an ninh, giao thông - vận tải, lao động, giáo dục...

Ảnh VGP/Nhật Bắc  

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ nhất trí với những đề xuất nhóm biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên tất cả các lĩnh vực, đề nghị giao các bộ, ngành liên quan hai nước sớm cụ thể hóa các nội dung mà hai bên trao đổi, nhất là hợp tác trong phòng chống dịch COVID-19, mở cửa trở lại nền kinh tế, nâng cao năng lực y tế, phát triển công nghiệp dược phẩm, hợp tác nghiên cứu vaccine phòng COVID-19. Phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam thành quả phát triển vaccine nội địa Turkovac đang thử nghiệm giai đoạn 3; công nhận hộ chiếu vaccine của nhau, góp phần đưa mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào thực chất trong thời gian tới.

Về hợp tác đa phương, hai nhà lãnh đạo nhất trí hai nước cần tiếp tục tham vấn và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc; về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình trong khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi lời mời thăm chính thức lẫn nhau khi điều kiện cho phép./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản