Tin mới

Ý thức của từng người dân là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng nhất để chống dịch

(Mặt trận) - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi cho biết như trên tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM chiều ngày 28/7.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Hà Tĩnh

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số

Tổ chức trọng thể Lễ tang Đại tướng Nguyễn Quyết

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Băng Tâm 

Tiếp tục hạn chế ra đường từ 6h đến 18h hằng ngày

Ông Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã triển khai đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và Công văn 2468 của UBND TPHCM.

Đến ngày 1/8, TPHCM sẽ có những đánh giá về tình hình dịch để đưa ra những giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng Thành phố có thể áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 12 và Công văn 2468 thêm một thời gian nữa, có thể 1-2 tuần sau ngày 1/8.

Sau hai tối thực hiện quy định hạn chế ra đường sau 18h, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi nhận định, người dân Thành phố đồng tình, ủng hộ và thực hiện rất nghiêm túc.

Về việc một số chuyên gia góp ý Thành phố cần xem lại khung giờ từ 6h đến 18h hằng ngày, cần tiếp tục có thêm biện pháp hạn chế ra đường trong khung giờ này, theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, UBND TPHCM đã có văn bản, đề nghị các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và đặc biệt là cơ quan nhà nước của Thành phố thực hiện nghiêm. Yêu cầu công chức, viên chức, người lao động đi làm ở mức tối thiểu nhất. Khuyến khích các cơ quan tổ chức làm việc tại nhà, hạn chế tối đa việc đi ra đường.

Đồng thời, ông Mãi cho biết, Ban chỉ đạo các cấp, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý các vi phạm.

“Các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc bảo đảm giãn cách nhưng chưa thực hiện tốt, chưa hết trách nhiệm thì Thành phố sẽ kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý các hạn chế này. Với mong muốn làm sao chủ trương này được thực hiện nghiêm trong thời gian tới, để không phí thời gian giãn cách, thực hiện được việc hạn chế tối đa tiếp xúc, vì mục tiêu kịp thời cắt đường lây của dịch bệnh”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nhấn mạnh.

Ý thức của người dân là phòng tuyến quan trọng nhất

Việc thực hiện giãn cách chặt chẽ, theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, phải do người dân Thành phố đồng lòng thực hiện. Đồng thời nhân dân, cộng đồng giám sát lực lượng chức năng nào chưa làm tốt trách nhiệm của mình, nhóm dân cư nào chưa thực hiện nghiêm, phản ánh qua tổng đài 1022, qua đường dây nóng ở khu phố, xã phường, quận huyện để cơ quan chức năng tiếp nhận xử lý nghiêm.

“Chúng ta phải thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội, từng người dân, từng tổ chức thực hiện nghiêm, ý thức của từng người dân chính là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng nhất, không thể thay thế. Chính việc thực hiện nghiêm, triệt để, có kết quả là yếu tố quyết định thành công việc thực hiện giãn cách”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nhấn mạnh.

Tập trung công tác điều trị và tổ chức mạng lưới tư vấn online

Về nhiệm vụ trong những ngày tới, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất hiện nay là công tác điều trị.

Trên địa bàn hiện có trên 70.000 F0, do vậy, Thành phố chuyển hướng sang điều trị F0 có triệu chứng nặng và bệnh nền cũng như phân tầng điều trị nhằm giảm tải áp lực cho các cơ sở thu dung và cơ sở điều trị.

Đối với việc cách ly F0 tại nhà, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu phải thực hiện nghiêm việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc gắn với giám sát y tế, tư vấn và phản ứng nhanh khi có tình huống cấp cứu.

Thành phố đã triển khai mạng lưới tư vấn online với sự tham gia của cộng đồng các giáo sư, bác sĩ đầu ngành. Mỗi giáo sư, bác sĩ phụ trách một số lượng F0 nhất định, hằng ngày liên lạc, thăm hỏi và xử lý các hình huống. Việc này sẽ được củng cố, mở rộng mạng lưới để bảo đảm mỗi F0 được tư vấn hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ. Thành phố sẽ tăng cường thông tin tờ rơi hướng dẫn để phục vụ chăm sóc tại nhà hoặc các cơ sở thu dung.

Và mặc dù 70-80% trường hợp F0 không triệu chứng có thể chăm sóc tại nhà nhưng 20-30% cần can thiệp y tế, nhiều trường hợp rất nặng cần được điều trị ở cơ sở chuyên sâu. Công tác điều trị cho F0 có triệu chứng là nhiệm vụ hàng đầu.

Để tăng cường khả năng điều trị, các bệnh viện quận, huyện rà soát thành lập mô hình chia đôi, một phần hoạt động thông thường, một phần phục vụ thăm khám điều trị người nhiễm COVID-19. Thành phố sẽ tăng cường trang thiết bị và nhân lực chia sẻ cho các bệnh viện điều trị và thuận tiện tiếp cận ban đầu cho người nhiễm COVID-19.

Ngành y tế Thành phố cũng huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đồng thời lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến tham gia vào tầng 3 và tầng 4. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ làm việc với TPHCM rà soát số lượng, nhu cầu để chuẩn bị cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực, trang thiết bị cho những khu điều trị tầng 3 và tầng 4. TPHCM cũng tổ chức lại liên thông tầng 3, tầng 4 và tầng 5 để có sự tiếp nhận bệnh nhân giữa các tầng kịp thời, và thực hiện chăm sóc tốt hơn cho người bệnh, hạn chế chuyển nặng, đặc biệt hạn chế tử vong.

Với tầng 5, TPHCM đang hoàn thiện Bệnh viện hồi sức 1.000 giường. Ông Phan Văn Mãi cho biết đến giờ này Thành phố chưa đáp ứng được công suất 1.000 giường. Do vậy Thành phố sẽ tăng thêm trang thiết bị, đặc biệt là nhân lực, huy động thêm các bệnh viện lớn, các bệnh tư nhân có uy tín tham gia điều trị, hồi sức cho bệnh nhân nặng trong thời gian tới.

Không để người dân bị bỏ lại

Ông Mãi cho biết, việc tiếp nhận phản ánh qua qua tổng đài 1022 cho thấy, thời gian giãn cách càng lâu, câu chuyện cung ứng hàng hoá thiết yếu, chăm lo cho người nghèo, người mất thu nhập càng phải được quan tâm. Thành phố đã có kế hoạch và đáp ứng tương đối nhu cầu mua sắm của người dân, nhưng không chủ quan và vẫn tiếp tục đưa hàng hoá về tận xã phường, thị trấn. Thậm chí sẽ tính toán số dân của mỗi xã, phường thì tương ứng nhu cầu hàng thiết yếu là bao nhiêu và hiện trạng cung ứng có đáp ứng chưa, có cần bổ sung ra sao… Tất cả phải bảo đảm cung ứng nhu cầu cơ bản và tối thiểu của người dân.

“Việc này phải được bảo đảm thì người dân mới chấp hành nghiêm giãn cách”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nhấn mạnh.

Bên cạnh tổng đài 1022, Thành phố đang triển khai các kênh phản ánh nhu cầu lương thực, thực phẩm cần trợ giúp của người dân. Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho rằng vẫn còn khả năng có những người khó khăn chưa kết nối được. Do vậy Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM mong sự phối hợp, thông tin từ cộng đồng, từ chính từng người trong khu phố, thôn xóm. Hiện TPHCM đang tính phương án thành lập trung tâm điều phối hỗ trợ hàng cứu trợ đến từng xã phường, từ đó xuống từng khu phố, ấp, từng khu nhà trọ… “Đây là việc khó với Thành phố đông dân, nhưng Thành phố sẽ tìm mọi cách để không bỏ sót một ai”, ông Phan Văn Mãi nói.

Sẽ tổ chức tiêm vaccine sau 18h hằng ngày

Về vaccine, Thành phố xác định đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và đã kiến nghị Bộ Y tế đơn giản hoá quy trình và làm sao có nhiều hơn các đội hình tổ chức tiêm, đề nghị Trung ương tăng cường vaccine để người dân Thành phố có cơ hội tiếp cận.

Những ngày sắp tới TPHCM sẽ tổ chức tiêm sau 18h để đẩy nhanh tiến độ, do vậy Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu các xã, phường, quận, huyện có cách nhận diện người phục vụ tiêm vaccine và người dân đi tiêm vaccine trên địa bàn mình quản lý, được ra đường sau 18h.

Vừa qua khi một số khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương tạm ngưng hoạt động thì người lao động ở các tỉnh này về quê và di chuyển qua TPHCM đã dẫn đến ùn ứ tại các chốt kiểm soát cửa ngõ Thành phố. Phó Bí thư Thường trực TPHCM cho rằng việc người dân tự di chuyển sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm soát phòng dịch của các địa phương. Do vậy người dân có nhu cầu về quê nên đăng ký với các địa phương để được tổ chức chu đáo, hành trình về quê cũng đỡ vất vả hơn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản