Thời gian qua, nhận được phản ánh về việc một số đơn vị sử dụng lao động chưa rõ quy định về việc có được giải quyết trợ cấp ốm đau hay không đối với trường hợp người lao động trong tháng vừa có ngày nghỉ không hưởng lương trên 14 ngày làm việc vừa có thời gian nghỉ ốm đau, BHXH TP.HCM ra Công văn 1904/BHXH-CĐ ngày 27/09/2018 hướng dẫn về vấn đề này.
(Ảnh minh họa)
Tại Công văn 1904/BHXH-CĐ, BHXH TP.HCM trích dẫn Điểm c Khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp:
“Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động, nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH”
Như vậy, đối chiếu với trường hợp người lao động vừa có ngày nghỉ không lương trên 14 ngày làm việc vừa có thời gian nghỉ ốm đau và tháng đó không đóng BHXH thì vẫn được thanh toán trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật.
Ví dụ, tính đến tháng 09/2018, bà A tham gia BHXH được 10 năm. Tháng 10/2018, bà A xin nghỉ không lương từ ngày 01/10 đến 21/10. Ngày 22/10, bà A trở lại làm việc. Ngày 23/10, bà A ốm đau phải điều trị nội trú từ ngày 23/10 đến 24/10, có giấy ra viện của cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định. Tháng 10/2018, bà A không đóng BHXH nhưng vì ngày nghỉ ốm không phát sinh trong thời gian đang nghỉ không hưởng lương nên 02 ngày nghỉ ốm đau vẫn được thanh toán trợ cấp ốm đau.
Hồ sơ báo giảm lao động đối với trường hợp trên, các đơn vị sử dụng lao động ghi chú cụ thể thời gian nghỉ không hưởng lương để cơ quan BHXH đối chiếu khi giải quyết chế độ ốm đau.
Theo Tùng Anh/Tạp chí Bảo hiểm xã hội