Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Công ty CP Tin học và Tư vấn xây dựng tiền thân là Trung tâm Tin học trực thuộc Bộ Xây dựng, thành lập năm 1990. Ngày 16/2/2000, Trung tâm Tin học chuyển đổi thành Công ty Tin học Xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng. Ngày 30/1/2007, Công ty Tin học Xây dựng được cổ phần hóa thành Công ty CP Tin học và Tư vấn xây dựng (hiện tại vốn Nhà nước chiếm 49%).
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn chi trả trợ cấp thôi việc cho trường hợp sau đây:
Ông Lương Hồng Cương bắt đầu làm việc từ ngày 28/3/1983 tại Nhà máy Gạch ngói sành sứ và Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng). Ngày 15/7/1994, ông Cương chuyển sang làm việc tại Công ty Khách sạn và Dịch vụ văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa, Thông tin). Ngày 10/8/2000, ông Cương chuyển công tác sang Công ty CP Tin học và Tư vấn xây dựng. Ngày 1/8/2018, Ông Cương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Công ty CP Tin học và Tư vấn xây dựng hỏi, Công ty tính thời gian để thanh toán trợ cấp thôi việc cho ông Cương từ ngày 10/8/2000 đến ngày 31/7/2018 có đúng không? Khoảng thời gian ông Cương làm việc tại các đơn vị trước (từ ngày 28/3/1983 đến ngày 9/8/2000) Công ty có trách nhiệm phải thanh toán trợ cấp cho ông Cương không?
Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Bộ luật Lao động năm 1994 (nay được thay thế bằng Bộ luật Lao động năm 2012) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/1995, theo đó từ ngày Bộ luật Lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành, không còn chế độ chuyển công tác đối với người lao động làm việc theo chế độ HĐLĐ.
Khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp thì thực hiện chấm dứt HĐLĐ và người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định. Trường hợp sau đó người lao động làm việc cho doanh nghiệp khác thì thực hiện giao kết HĐLĐ với người sử dụng lao động mới.
Theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động năm 2012; Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho minh từ đủ 12 tháng trở lên khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9; Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chỉ trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động đối với thời gian người lao động làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản (kể cả thời gian làm việc tại khu vực Nhà nước được tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản trước ngày 1/1/1995) khi người lao động chấm dứt HĐLĐ.
Căn cứ vào các quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp doanh nghiệp hỏi thì người lao động có thời gian làm việc tại Công ty Tin học xây dựng (nay là Công ty CP Tin học và Tư vấn xây dựng) từ ngày 10/8/2000 đến ngày 1/8/2018 mà chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật thì Công ty CP Tin học và Tư vấn xây dựng có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động và Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên đối với thời gian người lao động làm việc tại công ty cổ phần và giai đoạn trước khi cổ phần hóa (từ ngày 10/8/2000 đến ngày 1/8/2018).
Theo Chinhphu.vn