Một bạn đọc ở Đồng Nai hỏi: Cơ quan BHXH tại đơn vị cũ chốt sổ BHXH cho tôi gồm 06 tờ rời in một lần, được đóng thành 02 dấu giáp lai (tờ 1-3 một dấu và tờ 4-6 một dấu). Tuy nhiên, khi tôi cầm sổ đi giải quyết chế độ BHTN thì bị từ chối với lý do dấu giáp lai chưa đúng quy định và yêu cầu về cơ quan BHXH đóng lại giáp lai (cụ thể, đóng thêm 01 dấu giáp lai giữa tờ số 03 và số 04). Cơ quan BHXH tại đơn vị cũ khi tiếp nhận ý kiến và phản hồi là họ đang làm đúng quy định; đồng thời, từ chối đóng dấu giáp lai tờ số 03 và 04 cho tôi. Cho tôi hỏi, cần đóng dấu như thế nào để tôi có thể giải quyết được các chế độ của mình? Ngoài ra, sổ BHXH công ty cũ trả cho tôi chỉ có trang bìa và không có bất kỳ dấu mộc đỏ nào, như vậy có đúng không?
(Ảnh minh họa)
Trả lời:
Tại Tiết 2.5.2, Điểm 2.5, Khoản 2, Điều 5 Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy định về mẫu sổ BHXH quy định đóng dấu giáp lai như sau:
“Trong một lần in nếu có từ 02 tờ rời trở lên, thì phải đóng dấu giáp lai bằng dấu cơ quan BHXH ở khoảng giữa mép phải, trùm lên một phần các tờ rời (mỗi dấu đóng tối đa không quá 05 tờ). Khi chốt lại sổ BHXH phải đóng dấu giáp lai tờ rời mới với tờ rời chốt sổ BHXH trước đó”.
Tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định về mẫu sổ BHXH quy định nội dung ghi trên trang 02 bìa sổ BHXH như sau:
“…Dưới cùng ghi chức danh Giám đốc, bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng đậm; Giám đốc BHXH ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên, bằng chữ in thường, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm”.
Như vậy, trường hợp của bạn, cả về dấu mộc đỏ và dấu giáp lai trên sổ BHXH, bạn hoặc đơn vị sử dụng lao động liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp sổ BHXH để được đóng dấu theo các quy định nêu trên.
Ban Sổ - Thẻ (BHXH Việt Nam)
Theo Tạp chí BHXH Việt Nam