Tin mới

An Giang: Hiệu quả công tác vận động quần chúng

(Mặt trận) -Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh An Giang thường xuyên đổi mới nội dung và biện pháp công tác vận động quần chúng. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

 Bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh An Giang, công tác vận động quần chúng của Đảng được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung, hình thức và phương pháp vận động quần chúng ngày càng đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp các địa bàn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Các cấp, ngành vận dụng linh hoạt công tác dân vận trong tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, với nhiều đổi mới; nội dung, hình thức tuyên truyền để phù hợp từng đối tượng.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng NTM, văn minh đô thị; biện pháp phòng, chống các dịch bệnh; các loại thủ tục hành chính; các khoản huy động nhân dân đóng góp; chủ trương, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia...

Hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng chương trình hành động gắn với đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “5 không - 3 sạch”; “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”; “Thanh niên chung sức xây dựng NTM”; “Thắp sáng đường quê”… Đồng thời, triển khai các mô hình tổ phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân tự quản an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về xây dựng NTM.

Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Đông Bình Trạch (xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) Huỳnh Thị Kính chia sẻ: “Tôi giữ mối liên hệ chặt chẽ với những hộ được giao phụ trách, để kịp thời triển khai, tuyên truyền các nghị quyết, chương trình, kế hoạch mới của cấp ủy Đảng, chính quyền, hội liên hiệp phụ nữ đến hội viên phụ nữ và quần chúng nhân dân. Từ đó, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào ở địa phương, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”.

Còn chị Néang Si Na (ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) cho biết: “Gia đình tôi được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn cách nuôi bò vỗ béo, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình. Gia đình tôi chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và tích cực tham gia thực hiện các phong trào do địa phương phát động, nhất là tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, nuôi dạy con cháu, giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa”.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Đặc biệt, các vấn đề quan trọng ở cơ sở đều được đưa ra bàn bạc, góp ý giám sát khi thực hiện. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng chính quyền và kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến; quá trình giải quyết có sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền rà soát, vận dụng các chính sách có lợi nhất để công dân đồng tình chấm dứt khiếu nại (vụ việc mới và kể cả vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài).

Với phương châm “Lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân”, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhằm tạo sự thu hút, đồng thuận cao của toàn xã hội đối với công tác chăm lo cho người nghèo, nhất là tập trung tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo; làm cầu nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia ủng hộ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... Nhờ đó, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, từng bước ổn định cuộc sống hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để nâng cao công tác dân vận quần chúng trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục phát huy trách nhiệm, tích cực vận động, tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đồng thời, chủ động nắm bắt đầy đủ tình hình, thông tin từ nhân dân để kịp thời giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong dân ngay từ cơ sở; tăng cường giám sát, phản biện xã hội; làm tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Thực hiện hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong toàn dân, bằng nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, phù hợp tình hình thực tế.

TRUNG HIẾU

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản