Tin mới

MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Bến Tre đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động

(Mặt trận) -Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bến Tre tập trung thực hiện 11 công trình, dự án trọng điểm. Nhằm tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của người dân trong thực hiện các công trình, dự án, nhất là công trình cầu Rạch Miễu 2, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Bến Tre cùng các tổ chức thành viên đã có những cách làm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

 Những tuyến đường đạt chuẩn nông thôn mới được hình thành từ sự đồng thuận của người dân.

Cán bộ tuyên truyền nắm chắc chủ trương

Xã An Bình Tây (Ba Tri), thời gian qua có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận thực hiện các công trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Bình Tây Nguyễn Văn Phúc cho biết: Khi UBND triển khai kế hoạch năm về phát triển kinh tế - xã hội, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội dựa trên chỉ tiêu có kế hoạch tuyên truyền, triển khai ra dân thông qua các cuộc họp tổ nhân nhân tự quản và sinh hoạt chi hội, tổ hội, đoàn thể để người dân nắm, hiểu cụ thể từng công trình, dự án, trên cơ sở đó triển khai thực hiện.

“Khi địa phương có chủ trương thực hiện các công trình, cán bộ làm công tác tuyên truyền phải có kế hoạch cụ thể hóa, nắm chắc, hiểu chính xác nội dung từng công trình. Sau đó cùng tham gia họp tổ nhân dân tự quản, triển khai chi tiết đến người dân. Khi đã nắm thông tin chi tiết từng công trình, người dân sẽ trao đổi, bàn bạc, thảo luận, góp ý kiến. Vấn đề nào chưa rõ, chưa thông suốt, bà con sẽ đặt câu hỏi, đề nghị cán bộ tuyên truyền giải thích cụ thể hơn. Sau khi mọi vấn đề đều thông suốt việc triển khai thuận lợi, dân hiểu, bàn, tham gia thực hiện và giám sát”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Bình Tây Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Với sự vào cuộc quyết liệt, sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ Mặt trận, đến nay, An Bình Tây tự đánh giá đạt 14/19 tiêu chí xây dựng xã NTM. Những tuyến đường chính đạt tỷ lệ trên 77%; đường ấp, liên ấp đạt trên 30%; đường xóm đạt gần 99%. Xã đang quyết tâm, quyết liệt, tập trung hoàn thành các tiêu chí để về đích xây dựng NTM trong năm 2023.

Phát biểu tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy và cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Hải Hà cho rằng: Với phương châm tập trung hướng về cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư làm trọng tâm trong hoạt động, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. 

Phát huy vai trò của người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư để tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các công trình, phần việc trong xây dựng NTM, giải phóng mặt bằng công trình cầu Rạch Miễu 2, phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” tạo được sự đồng thuận, lan tỏa trong cộng đồng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.  

Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các tổ chức thành viên truyên truyền đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Dân biết, dân nắm, dân đồng thuận

Đó là kinh nghiệm được các địa phương đúc kết trong công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng thực hiện các công trình, dự án thời gian qua. Cầu Rạch Miễu 2, đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2 đi qua các xã: Tường Đa, Phú Túc, Tam Phước, An Khánh (Châu Thành). Thời gian qua, các xã tập trung nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện dự án.

Xã Tường Đa có 23 hộ dân bị ảnh hưởng trong Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2. Trong đó có 19 hộ đồng ý nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng, các hộ còn lại phải đi vận động theo từng đối tượng.

 Ông Nguyễn Văn Bé Mười (xã Tam Phước) cho biết, dù không cư trú tại xã Tường Đa nhưng ông và gia đình lại có đất tại ấp Định Thọ, xã Tường Đa. Thời điểm ban đầu do chưa hiểu hết giá trị do công trình cầu Rạch Miễu 2 mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, ông và gia đình còn kỳ kèo về giá cả.

“Không ở tại xã, lại chưa được cán bộ tuyên truyền, giải thích nên khi nghe người dân các xã khác nói, cứ tưởng đất nào cũng được bồi thường cùng một giá, vì vậy lúc đầu tôi và gia đình không đồng ý mà đòi được hỗ trợ giá đất như ở xã Phú Túc, Tam Phước. Nhưng sau khi được cán bộ xã đến nhà giải thích rõ, trả lời thắc mắc, chúng tôi hiểu và đồng ý ngay. Qua trường hợp của mình, tôi thấy mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần được cung cấp cho người dân hiểu chính xác, cụ thể từng vấn đề thì chắc chắn bà con sẽ đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng”, ông Nguyễn Văn Bé Mười chia sẻ.

“Trước khi đến nhà hộ dân để tuyên truyền, vận động, thành viên Tổ tuyên truyền lên danh sách theo từng hộ dân. Nghiên cứu kỹ, nắm chắc quy hoạch chi tiết công trình, các kế hoạch, văn bản, bảng giá đền bù chi tiết theo loại đất. Cung cấp cho người dân bảng dự kiến giá bồi thường theo từng loại đất để người dân xem, tham khảo trước từ 7 - 10 ngày. Sau khi chuẩn bị kỹ, Tổ tuyên truyền triển khai, vận động đến hộ dân. Trong tuyên truyền, nếu hộ dân thắc mắc, đặt vấn đề, thành viên Tổ tuyên truyền sẽ giải thích rõ, cụ thể, nhờ thế mà 23/23 hộ dân đều đồng thuận, nhận bồi thường bàn giao mặt bằng theo quy định”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tường Đa Hồ Lê Thắng cho biết.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành Nguyễn Vĩnh Phúc (trước kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện) cho rằng: Thời gian qua, huyện đã thực hiện khá tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn bằng những giải pháp, hình thức khác nhau.

Có được kết quả này là do các địa phương luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy; sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện; sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó, có vai trò rất quan trọng của hệ thống MTTQ từ huyện đến cơ sở. Ngoài ra, còn có sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan khác của tỉnh, huyện và sự đồng tình, hưởng ứng của những hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản bị ảnh hưởng bởi các công trình, dự án.

“Thời gian qua, nhân dân ủng hộ xây dựng NTM được trên 21 tỷ đồng, hiến 5.500m2đất và trên 20 ngàn ngày công lao động xây dựng NTM, thay mới trên 850 bóng đèn và trụ đèn đường. Từ công tác tuyên truyền, vận động, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, diện mạo cơ sở hạ tầng, kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã NTM nâng cao, 8/8 phường đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM và TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”.

(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Hải Hà)

Theo Báo Đồng Khởi

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản