Tin mới

Quảng Trị: Nhân rộng mô hình chống rác thải nhựa hiệu quả

(Mặt trận) -Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, nhiều năm qua, một số sở, ngành, tổ chức, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; xây dựng các mô hình của ngành, lĩnh vực phụ trách gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình chống rác thải nhựa đã được triển khai và nhân rộng hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc xã Văn Phú thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh - Lan tỏa sâu, rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua

MTTQ Việt Nam huyện Cần Giuộc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

 Bộ đội ở Huyện đảo Cồn Cỏ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường trên đảo - Ảnh: Đ.V

Thu gom phế liệu - Đổi triệu cây xanh”

Xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng là một trong những điểm sáng về thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn áp dụng cho hộ gia đình.

Từ năm 2022 đến nay, các chi hội phụ nữ thực hiện mô hình “Thu gom phế liệu - Đổi triệu cây xanh”. Kinh phí thu được từ bán ve chai, các chi hội tiến hành trao tặng vườn cây ăn quả, cây tràm, tạo sinh kế cho các hộ hội viên phụ nữ gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc hỗ trợ bằng hình thức khác cho các hội viên nghèo.

“Không chỉ giúp chị em biết phân loại, xử lý rác thải mà mô hình còn mang lại giá trị nhân văn khi tạo ra được nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trong các chi hội phụ nữ. Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí thu được từ ve chai, Hội LHPN xã Hải Hưng đã hỗ trợ 1 vườn cây tràm (1.000 cây); 7 vườn cây ăn quả, 2 vườn mẫu; 21 suất quà cho các gia đình hội viên phụ nữ khó khăn. Chúng tôi cố gắng để duy trì và phát huy tốt mô hình này trong thời gian tới”, chị Lê Thị Liền, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Hưng cho hay.

Mô hình phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn áp dụng cho hộ gia đình khu vực nông thôn này đã được nhân rộng ra trên địa bàn huyện Hải Lăng. Đến nay, hơn 2.000 hộ gia đình áp dụng quy trình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình ở TP. Đông Hà, các huyện Đakrông, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa...

Ngay từ năm 2017, Chi hội Phụ nữ thôn Trà Lộc (xã Hải Hưng) là đơn vị đầu tiên của huyện Hải Lăng phát động mô hình này với sự tham gia của 460 hộ dân. Tham gia mô hình, hội viên phụ nữ đã được tập huấn, hướng dẫn cách nhận biết rác thải hữu cơ, rác vô cơ, rác thải nhựa để phân loại một cách tỉ mỉ và xử lý phù hợp, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra 6 thôn của toàn xã, với tổng số 981 hộ gia đình tham gia. Mỗi gia đình tham gia mô hình được hỗ trợ 2 sọt rác, với tổng số tiền 49 triệu đồng. Các hộ tham gia mô hình hiện nay đều đã biết phân loại rác thải hằng ngày, biết xử lý rác một cách an toàn cho môi trường.

Đối với rác thải hữu cơ phân hủy được thì các gia đình tổ chức chôn lấp trong vườn. Còn với rác thải không thể phân huỷ, hoặc tái chế như vỏ lon bia, rác thải nhựa rắn và một số loại như bìa cát tông, giấy… các chi hội gom bán ve chai tạo quỹ tình thương hằng tháng hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo, đau ốm đột xuất, mắc bệnh hiểm nghèo (mỗi suất từ 200-300.000 đồng).

 Phụ nữ xã Hải Hưng (Hải Lăng) làm tốt việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn áp dụng cho hộ gia đình - Ảnh: Đ.V

Gia đình chị Tống Thị Kim Dung ở thôn An Định, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong thời gian trước đây có thói quen bỏ tất cả rác thải sinh hoạt trong gia đình vào bao rồi đem đốt hay đem đến điểm tập kết để xử lý. Việc phân loại rác thải trong gia đình, chị hầu như không biết. Hiện nay, gia đình chị Dung đã được Hội LHPN xã Triệu Long hỗ trợ các sọt rác để phân loại rác và được hướng dẫn phương pháp xử lý rác tại gia đình.

Chị Dung chia sẻ: “Từ khi được hướng dẫn phân loại rác và được tặng các sọt rác, gia đình tôi đã hình thành thói quen thực hiện phân loại rác thải riêng biệt. Rác có thể tái chế thì gia đình tôi ủng hộ cho “Ngôi nhà xanh”, rác vô cơ thì đem đến điểm tập kết, còn rác thải hữu cơ thì đào hố xử lý men vi sinh rồi chôn lấp. Không chỉ thực hiện trong gia đình mà tôi còn tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xóm cùng thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, trong lành hơn”.

Thời gian qua, Hội LHPN xã Triệu Long đã triển khai tuyên truyền, phân loại, hướng dẫn xử lý rác thải và trao tặng sọt rác cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã. Đến thời điểm này, Hội LHPN xã đã tuyên truyền về phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình cho trên 1.100 hội viên phụ nữ toàn xã. Thành lập 2 mô hình phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình; trao 250 sọt rác và 220 kg men vi sinh, xây dựng 20 hố rác để ủ men vi sinh xử ý rác; thành lập 6 mô hình “Ngôi nhà xanh”.

Từ “Ngôi nhà xanh” đã tích góp nguồn quỹ trên 10 triệu đồng để hỗ trợ cho hội viên phụ nữ và trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Long Ngô Gia Linh cho biết: “Thời gian tới, hội sẽ chỉ đạo các thôn còn lại ra mắt các mô hình phân loại, xử lý rác thải và “Ngôi nhà xanh” với mục tiêu bảo vệ cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đồng thời tạo được nguồn quỹ nhằm giúp cho hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã”.

“Tỉnh đoàn Quảng Trị đã xây dựng 6 công trình thanh niên cấp tỉnh, 30 công trình thanh niên cấp huyện về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo 100% cấp bộ đoàn hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, xây dựng mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” tại chợ Cam Lộ; trao tặng 150 thùng phân loại rác thải cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 35 đội hình tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi nilon, thay thế túi nilon bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; đặt 580 bể chứa rác, thùng phân loại rác tại các điểm công cộng trên địa bàn tỉnh”, Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu cho biết.

Ngoài các mô hình bảo vệ môi trường kể trên, thì mô hình hạn chế sử dụng đồ nhựa, bao bì nilon của Hội LHPN xã Cam Hiếu (Cam Lộ); “Chống rác thải nhựa” và ra quân làm sạch bờ biển trên đảo Cồn Cỏ… cũng là những mô hình tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường.

Chung tay vì một môi trường trong lành hơn

Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường cho biết, chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ là xây dựng đảo thân thiện với môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp để phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Cụ thể hoá mục tiêu đó, thời gian qua huyện đã đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên đảo.

Theo đó, huyện đã chỉ đạo và giao các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên đảo thường xuyên ra quân vệ sinh bờ biển quanh đảo, đặc biệt là tại các địa điểm thu hút khách tham quan du lịch như: Cột cờ Tổ quốc, các bãi tắm, bến Sông Hương, bến Hà Đông, bến Tranh, bến Đá Đen, Đài quan sát Thái Văn A, Hải đăng Cồn Cỏ, Giếng mội cổ, Hầm quân y, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ huyện, khu vực đường mòn trong rừng nguyên sinh... để thu gom rác thải xử lý kịp thời. Ước tính mỗi năm huyện đảo thu gom và xử lý được khoảng 25 tấn rác thải nhựa ở bờ kè quanh đảo.

Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ dân và du khách đến đảo giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần (tàu khách du lịch ra đảo đang thí điểm đổi túi bằng vật liệu thân thiện môi trường lấy túi nilon cho du khách). Bên cạnh đó, huyện đảo tăng cường trồng cây xanh bóng mát, cây xanh cảnh quan, hàng rào xanh, hàng rào bê tông thấp… để tăng không gian xanh, cảnh quan xanh cho đảo.

“Công tác bảo vệ môi trường của huyện đảo được triển khai thường xuyên, nhận được sự đồng tình hưởng ứng, thực hiện của các cơ quan, đơn vị, người dân và du khách. Tuy vậy, hiện nay đảo vẫn thiếu các dụng cụ thu gom, phương tiện vận chuyển rác thải chuyên dụng nên việc thu gom, xử lý rác thải vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện đảo mong muốn các cấp, ngành, các tổ chức quan tâm hỗ trợ, trang cấp cho đảo một số dụng cụ, phương tiện thu gom, xử lý rác thải chuyên dụng để thực hiện công tác bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn”, ông Cường chia sẻ.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu, các hoạt động bảo vệ môi trường biển được các cấp bộ đoàn triển khai có hiệu quả. Trong giai đoạn 2019- 2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức 5 chiến dịch “Hãy làm sạch biển” tại các bãi biển trên địa bàn huyện Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh. Xây dựng 2 công trình “Bốt cứu hộ”, 2 công trình “Đường hoa giấy”, trao tặng 100 ô che nắng, 100 ghế đá, tổ chức trao tặng gần 500 suất quà cho các hộ ngư dân khó khăn, 250 suất học bổng cho học sinh. Tặng 5 xe thu gom rác và 325 thùng đựng rác cho đội thanh niên tình nguyện thu gom rác thải; ra quân vệ sinh môi trường 75 km đường biển, thu gom và xử lý 73 tấn rác thải. Các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức 65 chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, 187 hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường...

Đức Việt - Minh Đức

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản