Tin mới

Các đơn vị, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) - Sáng 21/4, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã diễn ra tại điểm cầu trụ sở Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Điện Biên Phủ - Chiến thắng của “thế trận lòng dân”

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Biểu trưng và tranh cổ động Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN 

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì Hội nghị.

Báo cáo công tác triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đơn vị đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 để đạt những mục tiêu cụ thể đến năm 2025.

Theo đó, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Cùng với đó, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Về nội dung, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tiếp tục thực hiện 11 nội dung thành phần bao gồm 54 chỉ tiêu cụ thể với tổng vốn ngân sách tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng.

Báo cáo công tác triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Mục tiêu của Chương trình nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chương trình có mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%/năm. Cùng với đó, 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chương trình giai đoạn 2021-2025 gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án với tổng kinh phí tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 48 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 12,6 nghìn tỷ đồng; số vốn còn lại được huy động hợp pháp từ nhiều nguồn.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai… khẳng định việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giảm nghèo bền vững, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn.

Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 rất cao, trong khi những huyện, xã chưa hoàn thành nông thôn mới, chưa thoát nghèo có rất nhiều khó khăn đòi hỏi không chỉ quyết tâm, nỗ lực mà cả những cách làm đột phá, sáng tạo hơn nữa. Đến nay, các tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động rà soát các dự án, tiểu dự án, điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương… để kịp thời triển khai trong thời gian sớm nhất.

Về mục tiêu đến năm 2025, không còn xã dưới 15 tiêu chí nông thôn mới, đại diện tỉnh Cao Bằng cho rằng, nhiệm vụ này là khó khăn với địa phương do hiện nay, Cao Bằng còn 111 xã dưới 10 tiêu chí, bao gồm nhiều tiêu chí khó thực hiện. Đại diện tỉnh Cao Bằng đề nghị Trung ương có phương án hỗ trợ thêm nguồn vốn cho địa phương, tạo động lực triển khai và hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng kiến nghị Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn; các bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn, tiêu chí cụ thể trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng, miền.

“Việc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững vẫn tiếp tục được triển khai chứ chúng tôi không tạm dừng để chờ hướng dẫn”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết.

Liên quan đến kiến nghị của các địa phương về việc tách các hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng thoát nghèo ra khỏi diện hộ nghèo, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương chủ động lập danh sách các hộ thuộc diện này sang đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hội nghị lần này là sự kiện quan trọng nhằm khẳng định rõ định hướng, chỉ đạo thống nhất việc thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã thông qua thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới. Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều văn bản liên quan đến việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, đến thời điểm này, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành toàn bộ cơ sở pháp lý đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Thời gian tới, việc hoàn thiện các thông tư hướng dẫn triển khai 3 chương trình này vẫn tiếp tục được thực hiện. Phó Thủ tướng đề nghị, các nhiệm vụ cũng như nguồn vốn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia này không được trùng lặp nhằm tránh gây lãng phí, hoặc có những nhóm đối tượng không được thụ hưởng chính sách.

Do đó, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cần quán triệt, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, đặc biệt là chính quyền các tỉnh, huyện, xã và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia này; tăng cường tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về nội dung, yêu cầu, những định hướng trong tổ chức thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, quán triệt, đẩy mạnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng, phát triển.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp tục phối hợp thúc đẩy và có trách nhiệm trong việc xây dựng các thông tư mà Bộ chịu trách nhiệm; cùng với các bộ, ngành tiếp thu ý kiến phê duyệt các chương trình chuyên đề hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  Bộ Tài chính khẩn trương ban hành kế hoạch chỉ đạo địa phương lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương được giao cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia này để thực hiện theo các tiêu chí đã được thông qua phê duyệt. Các bộ, cơ quan Trung ương được phân công chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung, thành phần từ Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện nếu có.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kịp thời xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của địa phương; chủ động ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách hướng dẫn của Trung ương về từng địa phương.

Trên cơ sở đó, rà soát trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền của các tỉnh, thành để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi địa bàn quản lý.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động-Thương binh và Xã hội; các bộ, ngành, địa phương liên quan quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật trong tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là khâu quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tất cả các dự án, chương trình chuyên đề phải được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công và  các pháp luật có liên quan.

Về nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách. Nhà nước, các cấp huy động tối đa nguồn lực hợp pháp hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó kể cả các nguồn vốn ODA, các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, vốn xã hội hóa, đóng góp tự nguyện người dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện để chủ động triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các bộ, cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể Trung ương và nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc quán triệt tới các cấp, ngành, hệ thống chính trị, nhân dân cùng tham gia hưởng ứng, tích cực triển khai hiệu quả phong trào thi đua Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; cần triển khai sâu rộng từ Trung ương đến cấp cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực phù hợp thực tiễn địa phương, phát huy sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, gắn phong trào thi đua với việc đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua khác trong phạm vi cả nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản